Sinh viên ngành du lịch hiện nay ngay từ khi ngồi trên ghế giảng đường cần được trang bị cho mình kiến thức cần thiết để hiểu về luật du lịch và sau khi ra trường có thể mở doanh nghiệp hoặc kinh doanh du lịch theo đúng quy định. Tất cả những vấn đề trên đòi hỏi phải có cơ chế luật pháp điều chỉnh các chủ thể tham gia vào quá trình du lịch với mục tiêu đảm bảo sự phát triển bền vững. Chính vì vậy: “Việc phổ biến Luật du lịch đối với sinh viên chuyên ngành HDDL trong đào tạo du lịch” là việc làm cần thiết và vô cùng quan trọng trang bị kiến thức nền tảng cho sinh viên sau khi ra trường và làm việc tại doanh nghiệp.
1. Vai trò của pháp luật du lịch
Vai trò của pháp luật du lịch đối với doanh nghiệp du lịch mang lại cho chúng ta cái nhìn về vai trò và những định hướng của pháp luật du lịch, những thể chế du lịch đối với các doanh nghiệp du lịch ở Việt Nam.
Hoạt động du lịch liên quan trực tiếp đến con người, đó là khách du lịch, có quốc tịch, tuổi, nghề nghiệp, trình độ nhận thức, phong tục tập quán, thói quen tiêu dùng khác nhau. Trong quá trình đi du lịch, những lợi ích chính đáng và hợp pháp của họ cần phải được bảo vệ, bên cạnh đó cũng đòi hỏi du khách phải có trách nhiệm tôn trọng và giữ gìn cảnh quan thiên nhiên, môi trường, văn hoá .....ở nơi khác đến du lịch, không nên vì lợi ích thuần tuý chiều lòng khách mà làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường sinh thái cũng như bản sắc dân tộc.
Hoạt động kinh doanh du lịch chủ yếu là kinh doanh dịch vụ phục vụ khách du lịch, một trong những yếu tố cơ bản và quan trọng của kinh doanh dịch vụ là uy tín, chất lượng, danh tiếng, tạo được hình ảnh tốt trong tâm trí của khách. Việc chấp hành luật pháp trong hoạt động kinh doanh không những đem lại uy tín cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch mà còn mang lại cả danh tiếng cho dân tộc và đất nước.
Hoạt động kinh doanh du lịch là một hoạt động có tính liên ngành, liên vùng đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các ngành, các cấp thông qua các văn bản pháp quy. Trong hoạt động kinh doanh du lịch, không chỉ các tổ chức và cá nhân kinh doanh du lịch cung cấp dịch vụ cho khách hàng mà còn nhiều tổ chức và cá nhân khác cũng tham gia vào việc này. Chính vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho khách du lịch, đảm bảo danh tiếng và uy tín của đất nước, đòi hỏi phải có luật quy định đối với các hoạt động kinh doanh du lịch phục vụ khách du lịch và mọi tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình phục vụ khách du lịch phải chấp hành nghiêm túc.
2. Thực trạng công tác giáo dục pháp luật đối với sinh viên hiện nay
Giáo dục pháp luật nói chung và luật Du lịch nói riêng ở Việt Nam hiện nay có vai trò to lớn trong đời sống xã hội, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của chủ thể và khách thể tham gia vào hoạt động du lịch nhằm tạo ra sự đồng thuận trong việc nhận thức và thực hiện pháp luật du lịch một cách hữu hiệu.
Công tác phổ biến luật du lịch cho sinh viên có vai trò đặc biệt quan trọng bởi vì, giúp cho sinh viên nắm vững được những chủ chương, quan điểm của Đảng về nhà nước và pháp luật; còn để giúp cho sinh viên nắm được các kiến thức cơ bản về nhà nước và pháp luật, vai trò của nhà nước và pháp luật trong hoạt động du lịch. Trong hoạt động kinh doanh du lịch luật du lịch luôn giữ vai trò tối thượng trong việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, đòi hỏi sinh viên phải nắm vững không chỉ kiến thức về Hiến pháp, pháp luật nói chung, và pháp luật liên quan đến ngành du lịch của mình để có ý thức chấp hành pháp luật trong thời gian học tập; sau đó, có thể vận dụng vào thực tiễn công việc chuyên môn sau khi tốt nghiệp ra trường, hướng đến mục tiêu tuân thủ đúng pháp luật.
Trong những năm qua, khoa Du lịch ngoại ngữ đã coi trọng việc phổ biến luật du lịch cho sinh viên là việc làm cần thiết và quan trọng tuy nhiên sinh viên chưa thực sự nhân thức được tầm quan trọng và việc tiếp thu kiến thức luật du lịch còn chưa hiệu quả bởi các nguyên nhân sau:
Hệ thống luật thường khó nhớ và khó tiếp thu, nội dung dài và nhiều quy định
Sinh viên chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc nắm vứng hệ thống pháp luật nói chung và luật du lịch nói riêng đối với nghề nghiệp của mình
Môn học pháp luật du lịch chưa có nhiều nội dung liên qua đến luật du lịch mà còn bao gồm nhiều nội dung pháp luật khác, đây lại là học phần tự chon nên sinh viên ngại sợ học luật nên không lựa chọn.
Thực trạng tình hình vi phạm kỷ luật, pháp luật du lịch của các hướng dẫn viên khi dẫn khách, đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với công tác giáo dục phổ biến pháp luật cho sinh viên. Vì vậy, nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho sinh viên du lịch là vấn đề cần thiết, tiến hành thường xuyên, bền bỉ, công phu với những nội dung, hình thức phù hợp.
3. Nội dung phổ biến luật du lịch cho sinh viên
Luật du lịch 2017 hiện nay đã được sửa đổi và rút gọn xuống còn 9 chương và 78 điều nhằm chuyền tải những nội dung đúng đắn và mới mẻ theo Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở lấy du khách làm trọng tâm và khẳng định du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp mũi nhọn. Nội dung luật đưa ra các quy định cần thiết mà sinh viên ngành hướng dẫn du lịch cần nắm vững như sau:
Về phân loại hướng dẫn viên
Luật Du lịch 2017 quy định có ba đối tượng tham gia hướng dẫn du lịch, đó là: Hướng dẫn viên nội địa (phục vụ khách du lịch nội địa là công dân Việt Nam trong phạm vi toàn quốc). Hướng dẫn viên quốc tế (phục vụ khách du lịch nội địa, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong phạm vi toàn quốc và đưa khách du lịch ra nước ngoài. Hướng dẫn viên du lịch tại điểm (phục vụ khách du lịch trong phạm vi khu du lịch, điểm du lịch). Hướng dẫn viên du lịch tại điểm thực chất là lực lượng thuyết minh viên du lịch được xác định tên mới, phù hợp với thông lệ quốc tế, để tránh trùng lắp với lực lượng thuyết minh viên bảo tàng, đồng thời thể hiện rõ được vai trò và bản chất công việc của người hành nghề hướng dẫn du lịch tại khu du lịch, điểm du lịch.
Điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch
Luật Du lịch 2017 kế thừa các quy định về điều kiện cấp thẻ chung cho cả 3 loại hướng dẫn viên của Luật Du lịch 2005, đó là: Có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; Không mắc bệnh truyền nhiễm, không sử dụng chất ma túy. Luật Du lịch 2017 tiếp tục duy trì điều kiện về trình độ văn hóa đối với hướng dẫn viên du lịch nội địa: tốt nghiệp trung cấp trở lên. Tuy nhiên, quy định về trình độ của hướng dẫn viên du lịch nội địa có khác so với quy định trong Luật Du lịch 2005, không chỉ người có bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, mà cả người có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cũng đủ điều kiện được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa.
Luật Du lịch 2017 thay đổi điều kiện về trình độ văn hóa đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế: Luật quy định người có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên đủ điều kiện để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Quy định đối với hướng dẫn viên du lịch nội địa, người tốt nghiệp cao đẳng chuyên nghiệp hoặc cao đẳng nghề trở lên đủ điều kiện về trình độ văn hóa để được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế.Những người không học chuyên ngành hướng dẫn du lịch, thay vì quy định học các khóa 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng theo quy định của Luật Du lịch 2005, Luật Du lịch 2017 quy định người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa, người đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch quốc tế. Đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, Luật Du lịch không quy định yêu cầu về trình độ đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm. Để được cấp thẻ, người đề nghị phải đạt yêu cầu kiểm tra về nghiệp vụ hướng dẫn du lịch tại điểm do cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh tổ chức. Luật Du lịch tiếp tục trao quyền cho cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Điều kiện hành nghề hướng dẫn viên
Điều kiện hành nghề hướng dẫn viên có nhiều thay đổi so với quy định của Luật Du lịch 2005. Luật Du lịch 2017 bổ sung quy định về điều kiện hành nghề để tạo điều kiện cho hướng dẫn viên được tự do lựa chọn đăng ký với tổ chức quản lý (doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn hoặc tổ chức xã hội – nghề nghiệp). Cụ thể, hướng dẫn viên chỉ được hành nghề khi đáp ứng cả 3 điều kiện sau: Có thẻ hướng dẫn viên du lịch, có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của tổ chức xã hội – nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa, có hợp đồng hướng dẫn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc văn bản phân công hướng dẫn theo chương trình du lịch; đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm, phải có phân công của tổ chức, cá nhân quản lý khu du lịch, điểm du lịch.
Các quy định về hướng dẫn viên trong Luật Du lịch thể hiện tinh thần nâng cao trình độ nghề nghiệp và ý thức trách nhiệm của hướng dẫn viên trong hoạt động hướng dẫn. Luật Du lịch 2017 còn quy định rõ quyền, nghĩa vụ của hướng dẫn viên và trách nhiệm quản lý hướng dẫn viên du lịch của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch.
Song song với việc gửi công văn cho Sở Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành, Tổng cục Du lịch đã có công văn số 1343/TCDL-LH ngày 27/10/2017 gửi Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị xem xét sớm thành lập hội hướng dẫn du lịch Việt Nam để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của hướng dẫn viên cũng như giúp bảo vệ quyền lợi cho chính hướng dẫn viên, cho các doanh nghiệp lữ hành và cho khách du lịch, góp phần đưa Luật Du lịch 2017 vào cuộc sống. Ngày 03/11/2017, Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam đã chính thức ra mắt, công bố quyết định thành lập Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam, công bố Ban chấp hành của Hội và ban hành kế hoạch triển khai hoạt động cuối năm 2017 và năm 2018. Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam có trụ sở chính tại Hà Nội và 2 văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và TP.HCM. Việc thành lập Hội Hướng dẫn viên du lịch Việt Nam là cần thiết và kịp thời, giúp giới thiệu việc làm, hỗ trợ hoạt động, bảo vệ quyền lợi của hướng dẫn viên cũng như giúp các cơ quan nhà nước quản lý, nắm bắt hoạt động của lực lượng hướng dẫn viên.
Thời hạn thẻ hướng dẫn viên
Luật Du lịch 2017 quy định thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế và thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa có thời hạn 05 năm, thời hạn sử dụng dài hơn so với quy định của Luật Du lịch 2005 (3 năm). Khi hết hạn, hướng dẫn viên được đổi thẻ nếu có giấy chứng nhận đã qua lớp bồi dưỡng kiến thức định kỳ cho hướng dẫn viên do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Đối với thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm, Luật Du lịch 2017 không quy định thời hạn sử dụng. Việc sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch tại điểm tùy theo nhu cầu của cơ quan quản lý khu du lịch, điểm du lịch và hướng dẫn viên du lịch tại điểm.
Trên đây là một số nội dung quan trọng của Luật Du lịch trong lĩnh vực hướng dẫn du lịch. Với tinh thần đổi mới, mở cửa và hội nhập, Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Du lịch sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của ngành
4. Một số giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng giáo dục pháp luật cho sinh viên hiện nay
Để nâng cao chất lượng giáo dục và phổ biến pháp luật nói chung và luật du lịch nói riêng cho sinh viên ở các trường đại học hiện nay, đáp ứng yêu cầu về phẩm chất, năng lực chính trị trong tình hình mới, cần tập trung làm tốt một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình giáo dục pháp luật du lịch cho sinh viên
Nội dung, chương trình giáo dục pháp luật du lịch trong các trường đại học có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên. Nội dung, chương trình này được thiết kế trong chương trình đào tạo ở các trường đại học hiện nay thống nhất.
Nâng cao chất lượng giảng dạy môn học về chuyên ngành hướng dẫn du lịch như môn Pháp luật du lịch, môn Lý thuyết nghiệp vụ HD du lịch, môn Thực hành nghiệp vụ HD du lịch, Thực hành nghiệp vụ tổng hợp... Giảng viên thường xuyên cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật du lịch mới, tuyên truyền luật du lịch 2017 cho sinh viên hiểu và nắm rõ.
Thứ hai, đa dạng hóa các kênh truyền tải thông tin pháp luật du lịch phù hợp với từng đối tượng sinh viên. Thông tin pháp luật du lịch đóng vai trò rất quan trọng, có tác động rất lớn đến ý thức pháp luật, hành vi pháp luật và lối sống theo pháp luật của sinh viên trong khoa. Luật du lịch sẽ không có tác dụng giáo dục nếu như thiếu các kênh truyền tải phong phú, đa dạng. Những kênh đó có thể là xuất bản phẩm chính thức như; sách báo; các phương tiện thông tin đại chúng; bài giảng, nói chuyện của giảng viên, tuyên truyền viên; giao tiếp với các luật gia, các nhà chyên môn những nhà quản lý nắm vững luật du lịch.
Tăng cường phổ biến luật du lịch thông qua tuyên truyền miệng; qua các buổi sinh hoạt đoàn thể, câu lạc bộ du lịch, giáo dục pháp luật, thường xuyên tổ chức thi tìm hiểuluật du lịch qua hệ thống tài liệu bao gồm sách, báo, băng đĩa vềdu lịch; qua phương tiện truyền thanh, truyền hình để mọi sinh viên được nghe, xem trực tiếp nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật để nắm bắt kịp thời các thông tin luật du lịch, các văn bản pháp luật mới; qua các cuộc ra quân tuyên truyền, cổ động; văn hóa, văn nghệ...
Thứ ba, tăng cường bổ sung, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực của các chủ thể giáo dục. Chủ thể giáo dục, nhất là cán bộ giảng dạy là yếu tố quyết định chất lượng phổ biến luật du lịch cho sinh viên. Chủ thể, mà ở đây là cán bộ quản lý sinh viên, người giảng viên là nhân tố trung tâm của quá trình giáo dục, đào tạo. Trong đó, chủ thể trực tiếp nhất là đội ngũ giảng viên giảng dạy các môn học chuyên ngành du lịch liên quan đến kinh doanh du lịch. Đội ngũ giảng viên này là nhân tố rất quan trọng, tác động đến chất lượng phổ biến luật du lịch cho sinh viên ngành HDDL.
Thứ tư, phát huy tính tích cực, tự giác của sinh viên trong quá trình phổ biến luật du lịch
Chất lượng giáo dục luật du lịch của sinh viên phụ thuộc vào tính tích cực học tập, rèn luyện, tu dưỡng của chính sinh viên. Để các tác động xã hội hóa pháp luật từ bên ngoài được sinh viên tiếp nhận và lĩnh hội một cách thỏa đáng cần phải có sự mong muốn nội tâm của chính sinh viên về việc trang bị cho mình những hiểu biết về pháp luật nói chung và luật du lịch được giáo dục. Mặt khác, với tư cách là chủ thể của nhận thức, việc tự học tập, tự rèn luyện sẽ giúp cho sinh viên vào nghề nghiệp tình cảm với luật du lịch để đi đến thực hiện những hành vi đúng đắn, phù hợp với những đòi hỏi của ngành du lịch đang trên đà phát triển hiện nay.
5. Kết luận
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành và xã hội hoá cao, do đó du lịch thể hiện trong mọi lĩnh vực, từ địa phương đến trung ương, từ công tác quy hoạch phát triển đến lựa chọn ưu tiên cho phát triển kinh tế cuả đất nước.
Sinh viên sau này chính là các chủ thể tham gia vào hoạt động du lịch, là những người đóng vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh du lịch, trong quá trình hoạt động các doanh nghiệp phải tham gia vào nhiều mối quan hệ có liên quan đến lợi ích, các quan hệ này có thể dẫn đến những mâu thuẫn mà chỉ có sự can thiệp của Nhà nước mới có khả năng giải quyết, điều hoà các mâu thuẫn đó.
Nằm vững luật du lịch hay Pháp luật du lịch sẽ là một công cụ nhằm điều chỉnh hành vi của mình, đưa ra những định hướng giúp sinh viên hiểu được vai trò và vị trí của mình trong ngành du lịch, từ đó có những chiến lược hoạt độngvà kiến thức nghề nghiệp phù hợp
Tài liệu tham khảo
- Trịnh Xuân Dũng, Nguyễn Hữu Viện, Luật kinh doanh du lịch, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội – 2001, 139 trang.
- Đinh Trung Kiên, Bài giảng lý luận về du lịch học hiện đại, Hà Nội tháng 12/2003
- Trần Nhạn, Du lịch và kinh doanh du lịch, Nhà xuất bản Văn hoá thông tin Hà Nội – 1996.
- Nguyễn văn Đính, Trần thị Minh Hoà , Kinh tế du lịch, NXB Thống kê Hà Nội 2004
- Luật du lịch 2005 và 2017, NXB Văn hóa TT