KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH VIÊN

Thứ hai - 04/04/2022 06:30
PHƯƠNG PHÁP GIẢNG DẠY THEO ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH VIÊN
1. Đặt vấn đề
            Cùng với xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa, giáo dục và đào tạo của Việt Nam đã được ưu tiên ở vị trí hàng đầu trong hệ thống các chính sách phát triển quốc gia. Để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại, mỗi sinh viên phải được rèn luyện trong một quy trình giáo dục hiệu quả, hợp lý, trong đó đặc biệt chú trọng khâu giúpsinh viên phát triển năng lực nghề nghiệp.Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở các trường Cao đẳng, Đại học nói chung không  ít sinh viên còn chưa xác định rõ mục tiêu, lý tưởng, động cơ nghề nghiệp của mình, khả năng thích ứng với hoạt động học tập và rèn luyện nghề còn nhiều hạn chế, hầu hết các em chưa được trang bị những tri thức cần thiết để hình thành và phát triển năng lực nghề nghiệp. Vì thế các  bạn sinh viên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình học tập và rèn luyện, nhiều bạn còn băn khoăn hoang mang với sự lựa chọn nghề của mình. Điều đó ảnh hưởng không nhỏ đến hứng thú, kết quả học tập và rèn luyện nghề nghiệp của các bạn.
            Xuất phát từ mục tiêu chiến lược của nền giáo hiện đại, từ thực tiễn giáo dục và vai trò đặc biệt quan trọng của năng lực nghề nghiệp, tôi có bài trao đổi về phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên
2. Nội dung
2.1. Khái niệm năng lực, năng lực nghề nghiệp
            Năng lực là một thuộc tính tâm lý phức hợp, là điểm hội tụ của nhiều yếu tố như tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, kinh nghiệm, sự sẵn sàng hành động và trách nhiệm. Trong quá trình dạy học, năng lực được hiểu là sự kết hợp tri thức, kĩ năng và thái độ. Mục tiêu bài học được cụ thể hóa thông qua các năng lực được hình thành. Nội dung kết hợp với hoạt động cơ bản nhằm hình thành nên năng lực trong mỗi một môn học. "Năng lực" (competency)- là một trong những thành tố quan trọng trong cấu trúc nhân cách. Có tác giả cho rằng: “Người có năng lực (NL) là người đạt hiệu suất và chất lượng hoạt động cao trong các hoàn cảnh khác nhau”. Theo tác giả Phạm Minh Hạc, NL nói lên “người đó có thể làm gì, làm đến mức nào, làm với chất lượng ra sao. Thông thường người ta còn gọi là khả năng hay "tài"”. Dưới góc độ GD học, chúng ta có thể xem xét NL là kết quả của quá trình GD, rèn luyện của cá nhân, thể hiện ở những kiến thức, kĩ năng và thái độ phù hợp để cá nhân có thể tham gia hiệu quả vào một lĩnh vực hoạt động nhất định. Như vậy, ở góc độ này, người có NL ở lĩnh vực nào thì nhất định phải có tri thức kĩ năng kĩ xảo trong lĩnh vực ấy, có thái độ tích cực để vận dụng tri thức kĩ năng hiệu quả vào các hoạt động. Tuy nhiên có tri thức, kĩ năng chưa thể khẳng định cá nhân có NL hay không, bởi tri thức kĩ năng ấy chưa chắc đã được hiện thực hóa trong hoạt động. Vậy NL dưới góc độ GD học được thể hiện ở kết quả hoạt động của cá nhân, khả năng vận dụng tri thức, kĩ năng để tham gia có hiệu quả trong một lĩnh vực hoạt động nhất định.NL có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn bởi “sự phát triển NL của mọi thành viên trong xã hội sẽ đảm bảo cho mọi người tự do lựa chọn một nghề nghiệp phù hợp với khả năng cá nhân, làm cho hoạt động của cá nhân có kết quả hơn,... và cảm thấy hạnh phúc khi lao động”. Hiện nay, việc phát triển năng lực thông qua dạy học được hiểu đồng nghĩa với phát triển năng lực hành động. Dưới đây là mô hình cấu trúc năng lực:
t
            Năng lực chuyên môn: Là khả năng thực hiện các nhiệm vụ về chuyên môn cũng như đánh giá kết quả một cách độc lập, có phương pháp và đảm bảo chính xác về mặt chuyên môn (bao gồm cả khả năng tư duy logic, phân tích, tổng hợp và trừu tượng; khả năng nhận biết các mối quan hệ thống nhất trong quá trình).
            Năng lực phương pháp: Là khả năng đối với những hành động có kế hoạch, định hướng mục đích trong công việc giải quyết các nhiệm vụ và vấn đề đặt ra. Trọng tâm của năng lực PP là những PP nhận thức, xử lý, đánh giá, truyền thụ và giới thiệu.
            Năng lực xã hội: Là khả năng đạt được mục đích trong những tình huống xã hội cũng như trong những nhiệm vụ khác nhau với sự phối hợp chặt chẽ với những thành viên khác.Trọng tâm của năng lực xã hội là ý thức được trách nhiệm của bản thân cũng như của những người khác, tự chịu trách nhiệm, tự tổ chức; có khả năng thực hiện các hành động xã hội, khả năng cộng tác và giải quyết xung đột.
            Năng lực cá thể: Là khả năng suy nghĩ và đánh giá được những cơ hội phát triển cũng như những giới hạn của mình; phát triển được năng khiếu cá nhân cũng như xây dựng và thực hiện kế hoạch cho cuộc sống riêng; những quan điểm, chuẩn giá trị đạo đức và động cơ chi phối các hành vi ứng xử. Các thành phần năng lực “gặp nhau” tạo thành năng lực hành động.
          Năng lực nghề nghiệp là sự tương ứng giữa những đặc điểm tâm lý và sinh lý của con người với những yêu cầu do nghề nghiệp đặt ra. Không có sự tương ứng này thì con người không thể theo đuổi nghề được. Năng lực nghề nghiệp vốn không có sẵn trong con người, không phải là những phẩm chất bẩm sinh. Nó hình thành và phát triển qua hoạt động học tập và lao động. Trong quá trình làm việc, năng lực này tiếp tục được phát triển hoàn thiện. Học hỏi và lao động không mệt mỏi là con đường phát triển năng lực nghề nghiệp.
            Dạy học theo định hướng phát triển năng lực là phát triển năng lực hành động tức là khả năng thực hiện có trách nhiệm và hiệu quả các hành động, giải quyết các nhiệm vụ, các vấn đề trong những tình huống khác nhau trên cơ sở hiểu biết, kỹ xảo và kinh nghiệm cũng như sự sẵn sàng hành động. Như vậy năng lực người học cần đạt là cơ sở để xác định các mục tiêu, nội dung, hoạt động, phương pháp …..dạy học mà người dạy cần phải căn cứ vào đó để tiến hành các hoạt động giảng dạy và giáo dục ( lấy người học làm trung tâm)
            Chương trình dạy học theo định hướng phát triển năng là dạy học định hướng kết quả đầu ra, chú trọng năng lực vận dụng tri thức vào thực tiễn.
tt

            Dạy học theo định hướng phát triển năng lực là mô hình dạy học nhằm phát triển tối đa năng lực của người học, trong đó, người học tự mình hoàn thành nhiệm vụ nhận thức dưới sự tổ chức, hướng dẫn của người dạy. Quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học trên nguyên lý:
            - Học đi đôi với hành;
            - Lý luận gắn với thực tiễn;
            - Giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội.
2.2. Nội dung dạy học
            - Học nội dung chuyên môn sẽ hình thành năng lực chuyên môn. Nội dung chuyên môn gồm các tri thức chuyên môn ( các khái niệm, phạm trù, quy luật…), các kỹ năng chuyên môn và các ứng dụng, đánh giá chuyên môn.
            - Học phương pháp chiến lược sẽ hình thành năng lực phương pháp. Lập kế hoạch học tập, kế hoạch làm việc, các phương pháp nhận thức chung: thu thập, xử lý, đánh giá, trình bày thông tin, các phương pháp chuyên môn
            - Học giao tiếp xã hội sẽ hình thành năng lực xã hội, làm việc trong nhóm tạo điều kiện cho sự hiểu biết về phương diện xã hội, học cách ứng xử, tinh thần trách nhiệm, khả năng giải quyết xung đột.
            - Học tự trải nghiệm đánh giá sẽ hình thành năng lực cá thể: Tự đánh giá điểm mạnh, điểm yếu, xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân, đánh giá, hình thành các chuẩn mực giá trị, đạo đức, văn hóa, lòng tự trọng…
2.3. Phương pháp dạy học
             Tích cực hóa học sinh về hoạt động trí tuệ, rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề, gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn, tăng cường học tập trong nhóm, Giáo viên – học sinh: cộng tác.
2.4. Đánh giá kết quả học tập
            Không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện kiến thức đã học làm trung tâm của việc đánh giá, chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong những tình huống ứng dụng khác nhau.
2.5. Đặc trưng cơ bản
            Tổ chức hoạt động giúp học sinh tự khám phá kiến thức, vận dụng sáng tạo các kiến thức đã học, định hướng cho học sinh cách tư duy phân tích, tổng hợp… để dần hình thành và phát triển tiềm năng sáng tạo, phối hợp học tập cá thể với hoạt động hợp tác, lớp học trở thành môi trường giao tiếp GV – HS và HS – HS, đánh giá kết quả học tập theo mục tiêu bài học trong suốt tiến trình dạy học, phát triển kỹ năng tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau.
2.6 Đề xuất một số biện pháp đổi mới giáo dục theo định hướng phát triển năng lực
            -  Xây dựng nội dung chương trình đào tạo theo các tiêu chí cụ thể của các năng lực theo từng ngành nghề; phát triển các tiêu chí cụ thể cho từng chuẩn năng lực.
            - Cải tiến phương pháp dạy học truyền thống bằng cách kết hợp đa dạng các phương pháp dạy học.
            - Đảm bảo các điều kiện cho công tác tào tạo theo hướng năng lực như: bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện dạy học…
            - Đổi mới trong thiết kế và chuẩn bị bài dạy.
            - Sử dụng kĩ thuật dạy học phát huy tính tích cực và sáng tạo của người học.
            -  Cải tiến trong kiểm tra đánh giá.
2.7. Ứng dụng
            - Dạy học phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh.Tạo môi trường học tập thân thiện, học sinh tích cực học tập.
            - Tạo hứng thú học tập cho học sinh.
            - Giáo dục cho học sinh kỹ năng sống thông qua học tập giao tiếp xã hội.
            - Dạy học cá thể hóa học sinh
3. Kết luận
            Như vậy dạy học theo định hướng phát triển năng lực của sinh viên cho phép cá nhân hóa việc học, trên cơ sở mô hình năng lực, người học sẽ bổ sung thiếu sót của bản thân, tạo điều kiện quản lý chất lượng, nhấn mạnh năng lực vận dung kiến thức của người học theo kết quả đầu ra. Tuy nhiên nếu vận dụng một cách thiên lệch, không chú ý đầy đủ đến nội dung dạy học thì có thể dẫn đến các lỗ hổng tri thức cơ bản và tính hệ thống của tri thức. Chất lượng giáo dục không chỉ phụ thuộc vào kết quả đầu ra mà còn phụ thuộc quá trình thực hiện.Chúng ta cần nhìn vào ưu điểm nhược điểm của phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực nghề nghiệp của sinh viên để có giải pháp tốt nhất cho việc dạy và học đạt kết quả cao.

Tác giả bài viết: Trần Thị Mai Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Bạn biết khoa Du lịch & Ngoại ngữ - Trường Đại học Sao Đỏ qua kênh nào?

NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập106
  • Hôm nay14,713
  • Tháng hiện tại142,297
  • Tổng lượt truy cập7,212,916
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây