Trong 3 tháng trở lại đây, cụm từ “Covid 19” dường như là chủ đề được nhắc đến nhiều nhất, từ truyền thông đến cộng đồng, từ đường phố đến từng hộ gia đình, và rõ ràng, nó đang làm đảo lộn mọi lĩnh vực của cuộc sống con người. Ai ai cũng mong muốn mọi thứ sớm trở lại bình thường sau bao lo lắng, sợ hãi, hoang mang và thiệt hại mà dịch bệnh này mang lại. Có lẽ chưa bao giờ chiếc khẩu trang lại “có giá” đến như vậy! Nhiều lĩnh vực như kinh tế, du lịch, giao thông …bị ảnh hưởng rõ rệt. Giáo dục cũng không ngoại lệ. Học sinh, sinh viên có một kỳ “nghỉ lễ” dài nhất trong lịch sử. Thậm chí, cho đến nay, khi nhiều trường học đã quyết định cho học sinh, sinh viên trở lại học tập vào ngày 2/3 thì dư luận vẫn dấy lên nhiều tranh cãi trái chiều. Tuy nhiên, nếu nhìn ở một góc độ khác tích cực hơn thì dịch Covid 19 dường như là phép thử của tự nhiên cho con người trong thời đại công nghệ 4.0. Khi học sinh chưa thể đi học trở lại, xã hội bỗng chứng kiến sự chuyển mình của ngành giáo dục. Những giáo viên vốn dĩ vẫn quen với việc lên lớp cầm phấn giảng bài trực tiếp cho học trò, nay lại ngồi trước laptop để tìm cách giảng bài online. Một công việc mà người ta cứ nghĩ: đó là việc đương nhiên trong thời đại công nghệ, thì với một số giáo viên lớn tuổi, đó cũng được xem là một bước chuyển mình đáng ghi nhận. Một thầy giáo dạy Lý ngoài 50 tuổi ở trường phổ thông nọ, dù ban đầu phản đối quyết liệt nhưng đã tiên phong thực hiện dạy học qua livestream cho học sinh lớp 12 của trường mình, vì lo lắng các em sẽ quên kiến thức. Dù trong buổi học đầu tiên thầy còn “bỡ ngỡ”, chưa hiểu vì sao lại không nghe được tiếng từ các học sinh, thì bài học đó cuối cùng vẫn thành công và bổ ích với gần 100 học sinh của thầy…Đối với học sinh, giờ đây khái niệm tải app, đăng nhập, học online dường như đã trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết. Tuy vậy, học trực tuyến đòi hỏi rất nhiều nỗ lực tự học của học sinh, sinh viên.
Theo nhiều chuyên gia giáo dục, xu hướng học trực tuyến (online) không chỉ là biện pháp tình thế trong thời dịch bệnh mà sẽ là xu hướng mà Việt Nam cần tiến tới. Có thể nói, đào tạo trực tuyến mang lại rất nhiều lợi ích cho cả người dạy và người học. Khi mạng Internet có mặt ở khắp mọi nơi, kết hợp với những thiết bị thông minh dễ dàng mang theo như điện thoại di động hay laptop thì việc học trở nên đơn giản, dễ dàng và chủ động. Người học có thể linh hoạt lựa chọn thời gian, không gian, khóa học, nội dung học tập phù hợp…
Bên cạnh đó, tài liệu học tập đa dạng, có tính đồng bộ cao, luôn có sẵn 24/7 giúp học viên thoải mái ôn tập, và chủ động hơn với tiến trình học của mình: học ít hơn trong ngày đi làm và học nhiều hơn trong ngày nghỉ, học vào buổi tối khi xong việc hay học vào thời gian nghỉ trưa…,có thể xem đi xem lại, dừng lại nếu cần.
Hơn nữa với các thiết bị thông minh, học viên học được ở bất cứ đâu, giúp họ tiết kiệm rất nhiều thời gian và tiền bạc dành cho việc di chuyển. Ngoài ra chi phí cho cơ sở vật chất học tập cũng được giảm tải, qua đó góp phần bình đẳng trong giáo dục. Học sinh có thể tham gia vào khóa học của những giáo viên nổi tiếng với mức học phí ít hơn so với lớp học thông thường.
Tại Việt Nam, học tập trực tuyến và xây dựng môi trường học tập trực tuyến đang được nhiều trường đại học cả ở khối công lập và ngoài công lập triển khai với những mức độ khác nhau. Hiện có gần 20 cơ sở giáo dục đại học trong cả nước cung cấp các khóa học trực tuyến theo các hình thức: trực tuyến hoàn toàn, hình thức kết hợp giữa học truyền thống và trực tuyến hoặc một phần các môn học. Các mô hình đào tạo trực tuyến tiêu biểu có thể kể đến như tại Trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mở Hà Nội...
Các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, nhu cầu học tập suốt đời ngày càng tăng, nếu các trường đại học không đổi mới, không đáp ứng được nhu cầu thực tế sẽ mất người học. Lợi thế của đào tạo trực tuyến là đơn giản và dễ tiếp cận người học, linh hoạt, chủ động định hướng học tập và học mọi lúc, mọi nơi. Tuy nhiên, đào tạo trực tuyến còn có những hạn chế nhất định như: hạ tầng công nghệ, giáo trình chưa đáp ứng được yêu cầu, tài liệu học tập bị sao chép khiến giáo viên ngại đưa tài liệu lên mạng. Mặt khác, tính thiếu chủ động trong học tập của người học, trong khi đó môi trường học tập trực tuyến đòi hỏi người học phải có tính độc lập và tự giác cao; thói quen chuộng bằng cấp hệ chính quy cũng ảnh hưởng sự phát triển của đào tạo trực tuyến. Đặc biệt, hiện vẫn chưa có quy chế riêng về hình thức đào tạo này.
Với bối cảnh khoa học – công nghệ đóng vai trò quan trọng và có mặt ở hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống, xu hướng giáo dục trực tuyến ngày càng phát triển và những thay đổi trong hệ thống quản lý cũng như phương pháp giảng dạy là điều tất yếu để đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của mọi đối tượng người học. Do đó, các trường đại học có thể hướng tới xây dựng và triển khai hình thức đào tạo này trên cơ sở thực hiện các quy định của Bộ Giáo dục về kiểm định chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra.