Năm 2017, trường Đại học Sao Đỏ lần đầu tiên tổ chức thi sát hạch đầu ra tin học và ngoại ngữ cho sinh viên khóa 4, khóa 5. Đối với ngành Ngôn ngữ Anh khoa Du lịch và Ngoại ngữ được áp dụng nội dung thi HSK cấp độ 3 để đánh giá chuẩn đầu ra ngoại ngữ 2.
I. Đôi nét về HSK
1. HSK là gì
HSK là chứng chỉ Hán Ngữ quốc tế, viết tắt của cụm từ Hanyu Shuiping Kaoshi (汉语水平考试) do Văn Phòng Hán Ngữ Trung Quốc tổ chức thi và cấp bằng.
Điểm số thi có hiệu lực trong thời gian dài. Nếu áp dụng điểm số này như là Chứng chỉ Năng lực tiếng Trung để nộp hồ sơ đầu vào của các trường ĐH hoặc Học viện thì hiệu lực của chứng chỉ là trong 2 năm kể từ ngày cấp.
Kỳ thi HSK mới vẫn giữ định hướng vốn có của kỳ thi HSK như là việc đánh giá khả năng ngôn ngữ tiếng Trung tổng quát dành cho người học trưởng thành. Kết quả kỳ thi đáp ứng cho các mục đích sau:
- Làm căn cứ tham khảo cho việc ra quyết định một cơ sở giáo dục đối với sinh viên liên quan đến việc tuyển sinh, xếp lớp, miễn học một số khóa học nhất định và trao tặng tín chỉ học tập.
- Làm căn cứ tham khảo cho người sử dụng lao động ra quyết định liên quan đến việc tuyển dụng, bồi dưỡng và thăng chức cho nhân viên.
- Một phương pháp cho người học đánh giá và nâng cao trình độ của họ về tiếng Trung Quốc.
- Một phương pháp cho các tổ chức đào tạo tiếng Trung Quốc để đánh giá kết quả đào tạo.
Các kỳ thi HSK cơ bản với trình độ sơ, trung và cao cấp đều được tổ chức riêng. Để được nhận vào trường ĐH, người ta dùng kết quả thi sơ – trung.
Kỳ thi HSK cũ có 8 cấp độ, HSK mới có 6 cấp độ. Từ năm 2009 đến nay, Trung Quốc sử dụng bài test HSK mới. Đăng ký thi HSK ở mức độ nào thì được đánh giá,cho điểm và cấp chứng chỉ ở cấp độ đấy (không đỗ thì cũng không được đưa xuống cấp dưới, đỗ cao cũng không được đưa lên cấp độ trên)
2. Cấp độ và kết cấu bài thi HSK
a. Cấp độ bài thi
Các cấp độ khác nhau của HSK mới tương đương với một số cấp độ của “Hệ thống khung tham chiếu chung ngôn ngữ Châu Âu (CEF)”; chi tiết như sau:
HSK mới |
Lượng từ vựng |
CEF |
HSK cấp độ VI |
trên 5,000 |
C2 |
HSK cấp độ V |
2500 |
C1 |
HSK cấp độ IV |
1200 |
B2 |
HSK cấp độ III |
600 |
B1 |
HSK cấp độ II |
300 |
A2 |
HSK cấp độ I |
150 |
A1 |
Người học đạt HSK:
Cấp độ I có thể hiểu và sử dụng cụm từ và câu tiếng Trung Quốc rất đơn giản, đáp ứng nhu cầu cơ bản để giao tiếp và có khả năng tiếp tục học tập tiếng Trung Quố.
Cấp độ II có thể nắm bắt tốt tiếng Trung Quốc cơ bản và có thể giao tiếp đơn giản và đòi hỏi phải thường xuyên trao đổi trực tiếp các thông tin về những vấn đề quen thuộc hàng ngày.
Cấp độ III có thể giao tiếp bằng tiếng Trung ở mức cơ bản trong cuộc sống hàng ngày, học tập và nghề nghiệp của mình. Họ có thể giao tiếp bằng tiếng Hoa khi đi du lịch ở Trung Quốc.
Cấp độ IV có thể trò chuyện bằng tiếng Trung với nhiều chủ đề và có thể giao tiếp lưu loát với người bản xứ Trung Quốc.
Cấp độ V có thể đọc báo và tạp chí Trung Quốc, thưởng thức những bộ phim và kịch Trung Quốc, và viết một bài phát biểu dài, đầy đủ bằng tiếng Trung Quốc.
Cấp độ VI có thể dễ dàng hiểu thông tin qua đọc và nghe tiếng Trung, có thể biểu đạt hiệu quả tiếng Trung Quốc bằng cả lời nói và chữ viết.
Theo thông báo tuyển dụng của các công ty thì thông thường ở Việt Nam, các nhà tuyển dụng chỉ yêu cầu ngoại ngữ 2 trình độ B1 là ok, tức là thi HSK 3 là tương đối ổn nếu muốn thi chứng chỉ tiếng Trung với mục đích tuyển dụng.
b. Kết cấu bài thi HSK
HSK cấp 1, 2 coi như chưa có năng lực tiếng Hán sơ cấp và không được cấp chứng chỉ nên dưới đây là kết cấu bài thi HSK2-HSK6: (HSK2 dành cho người mới học có nhu cầu thi thử xem trình độ đến đâu)
Cấp độ 2: thi 2 kỹ năng là nghe hiểu và đọc hiểu kéo dài trong khoảng 55 phút, bao gồm:
1. Nghe: 35 câu hỏi trong 25 phút
2.Đọc hiểu: 25 câu hỏi trong 20 phút
Điểm số tối đa cho mỗi phần nghe và đọc là 100 điểm. tổng điểm của cả hai phần là 200 điểm. điểm số tối thiểu để đạt được cấp độ 2 là 120 điểm.
Bắt đầu từ cấp độ 3 trở đi mỗi bài thi gồm 3 phần cơ bản: nghe, đọc hiểu và viết. Nếu bạn thi HSK3 - HSK 4 – HSK 5, phần thi viết sẽ kiểm tra ngữ pháp và điền từ vào chỗ trống còn trong HSK 6 sẽ là viết bài luận.
Cấp độ 3: thi 3 kỹ năng là nghe hiểu, đọc hiểu và viết kéo dài trong khoảng 85 phút, bao gồm:
1. Nghe: 40 câu hỏi trong 35 phút
2. Đọc hiểu: 30 câu hỏi trong 30 phút
3. Viết: 10 câu hỏi trong 15 phút
Điểm số tối đa cho mỗi phần nghe và đọc là 100 điểm. tổng điểm của cả ba phần là 300 điểm, điểm số tối thiểu để đạt được cấp độ 3 là 180 điểm. (điểm đạt chung cho cả cấp độ 4,5,6)
Cấp độ 4: thi 3 kỹ năng là nghe hiểu, đọc hiểu và viết kéo dài trong khoảng 105 phút, bao gồm:
1. Nghe: 45 câu hỏi trong 30 phút
2. Đọc hiểu: 40 câu hỏi trong 35 phút
3. Viết: 15 câu hỏi trong 25 phút
Cấp độ 5: thi 3 kỹ năng là nghe hiểu, đọc hiểu và viết kéo dài trong khoảng 125 phút, bao gồm:
1. Nghe: 45 câu hỏi trong 30 phút
2. Đọc hiểu: 45 câu hỏi trong 40 phút
3. Viết: 10 câu hỏi trong 40 phút
Cấp độ 6: Thi 3 kỹ năng là Nghe hiểu, Đọc hiểu và Viết kéo dài trong khoảng 140 phút, bao gồm:
1. Nghe: 50 câu hỏi trong 35 phút
2. Đọc hiểu: 50 câu hỏi trong 45 phút
3. Viết: 1 câu hỏi trong 40 phút
II. Vài điều cần chú ý cho sinh viên khi làm đề HSK 3
Đối với sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh nhà trường áp dụng cấp độ 3. Để đạt được kết quả tốt nhất có thể sinh viên cần chú ý:
Đề thi HSK 3 bao gồm 3 kỹ năng là nghe, đọc và viết với tổng thời gian làm bài là 85’ (bao gồm 5 phút tô đáp án phần nghe), tổng điểm là 300 với 100 điểm mỗi kỹ năng. Điểm đạt yêu cầu là 180/300.
- Phần nghe gồm 40 câu, thời gian làm bài là 35 phút, mỗi câu được nghe 2 lần
Mở đầu phần nghe sẽ là một đoạn nhạc mở đầu với lời chào hoan nghênh đến với kì thi HSK 3, sau đó là vài lời giới thiệu ngắn gọn, các em nên bỏ qua phần này mà tập trung đọc đáp án các câu tiếp theo để tiết kiệm thời gian.
– Câu 1-10: Chọn các bức tranh cho sẵn A, B, C, D, E với các đoạn hội thoại phù hợp nghe được, không có câu hỏi. Phần này là phần tương đối dễ và lại có tính loại trừ (nếu làm được 4 câu đương nhiên sẽ biết được đáp án câu thứ 5, coi như là kiểm tra lại.
– Câu 11-20: Mỗi câu các bạn nghe đoạn văn ngắn sau đó trả lời câu được in trong đề đúng hay sai. Phần này các em chú ý nghe được từ khóa là được, tốc độ đọc khá vừa phải, hơn nữa lại đọc 2 lần nên các em đừng cuống nếu lỡ bỏ qua lần nghe đầu. 1 điều quan trọng nữa là các em nên tranh thủ lúc băng giới thiệu về ví dụ đọc các thông tin được in sẵn trong đề, như vậy sẽ tiết kiệm thời gian hơn, tuy nhiên như đã đề cập ở trên, vì mỗi câu được nghe 2 lần nên thời gian tương đối thoải mái.
– Câu 21-30: Mỗi câu các em sẽ được nghe một đoạn hội thoại, sau đó phải chọn 1 trong 3 đáp án A, B, C cho câu hỏi được nêu ra, chú ý là câu hỏi sẽ không được in trong đề mà chỉ được đọc nên các em cần chú ý nghe câu hỏi. Ở phần này thì việc đọc lướt qua đáp án trước khi băng chạy đến sẽ giúp các em nắm được tổng thể. Phần nghe HSK 3 vẫn chưa có nhiều câu cần có sự suy luận nên hầu hết đáp án nào có từ hoặc cụm từ mà các em nghe thấy trong đoạn hội thoại sẽ là đáp án đúng.
– Câu 31-40: Phần này tương tự câu 21-30, có điều đoạn hội thoại dài hơn nên các bạn cần chú ý nắm bắt được đúng thông tin đang nói đến, nghe cả 2 lần để xác nhận đáp án.
Phần nghe là phần này thời gian khá thoải mái nhưng tuyệt đối cần tập trung, nếu nghe lần 1 chưa hiểu cũng đừng lo lắng vì còn lần 2, nếu nghe cả 2 lần chưa hiểu thì chọn đáp án có từ nào mà nghe được ở trong đoạn băng đã nêu sẽ có xác suất chính xác cao hơn, băng chạy qua câu nào thì bỏ qua câu đó, đừng mất thời gian suy nghĩ nhiều dù chưa nghĩ ra đáp án vì sẽ làm phân tán tập trung của câu hỏi tiếp theo. Theo quy định, sau khi phần nghe kết thúc sẽ có 5’ để tô đáp án cho bài nghe vào tờ đáp án trắc nghiệm.
- Phần đọc gồm 30 câu, thời gian làm bài là 30 phút
– Câu 41-50: Nối các câu A, B, C, D, E với 5 câu cho trước sao cho nội dung có liên hệ với nhau. Phần này có một lợi thế lớn mà các em nên lợi dụng là các em có thể loại trừ trong trường hợp không nghĩ ra đáp án vì 5 đáp án ứng với 5 câu, nếu điền được chắc chắn 4 đáp án vào 4 câu thì đáp án còn lại hiển nhiên sẽ chọn được. Phần này đôi khi chỉ cần đọc đúng từ khóa thôi là sẽ nối được (ví dụ đọc được từ “giá cả, mua sắm” thì cứ tìm câu nào có liên quan tới chủ đề đó), thời gian không gấp gáp nên nếu các em đọc dịch được đủ câu là tốt nhất.
– Câu 51-60: Điền vào chỗ trống với các từ cho trước, 5 câu đầu yêu cầu điền vào các câu đơn còn 5 câu tiếp theo yêu cầu điền từ vào các đoạn hội thoại. Phần này cũng tương đối đơn giản, quan trọng là các em hiểu đúng nghĩa của từ, nội dung không hề lắt léo và có thể loại trừ, phần này các em cố gắng đạt điểm tối đa.
– Câu 61-70: Yêu cầu của phần này là các em đọc một đoạn thông tin sau đó trả lời câu hỏi. Đây là phần khó nhất của nội dung đọc. Các em đọc câu hỏi trước rồi mới đọc đoạn văn sau vì đôi khi câu trả lời nằm ngay ở câu đầu của đoạn văn rồi, không cần phải đọc hết. Các em cần học kĩ mặt chữ, nhưng để đọc nhanh được đôi khi chỉ cần lướt qua là biết thông tin có nằm ở câu đó không, nếu không có thì chuyển sang câu tiếp theo luôn. Phần đọc này có nhiều câu liên tiếp nên các em cũng có thể tranh thủ lúc đầu óc minh mẫn làm phần này trước tiên rồi sau đó làm các câu từ 41-60 (đơn giản hơn nhiều).
Quan trọng nhất của phần này là thuộc mặt chữ và hiểu đúng nghĩa, các em không cần phải nắm được từ ý viết lại như thế nào nhưng phải đảm bảo là nhìn vào là biết từ đấy có nghĩa gì.
Phần viết gồm 10 câu, thời gian làm bài là 15 phút
–
Câu 71-75: Sắp xếp các từ, cụm từ đã cho thành câu hoàn chỉnh. Phần này thông thường sẽ sai từ 1-2 câu, đôi khi thì không sai câu nào, cố gắng không sai nhiều quá vì phần này điểm một câu sẽ cao hơn 2 phần đọc và nghe. Chú ý là phần này các bạn phải tự viết lại vào tờ đáp án thi chứ không được in sẵn nên các em chú ý viết đủ nét, sạch sẽ. Tối thiểu các em cũng phải viết chữ đủ nét như đề thi chứ đừng viết kiểu thư pháp quá. Vì đề thi đã in sẵn các từ nên các em không cần lo quên mặt chữ, cứ chép nguyên lại là được.
VD: 小船 上 一 河 条 有
=> 河上有一条小船。
– Câu 76-80: Ở phần này, các bạn phải tự nghĩ ra 1 chữ duy nhất để điền vào câu văn cho sẵn dựa trên phiên âm của từ mà đề cho sẵn. Kinh nghiệm của mình là các từ mà các bạn cần điền có thể sẽ xuất hiện ở phần đọc và phần nghe trước đó (đã được in trong đề), nếu bạn nhớ mặt chữ để tự viết lại thì quá tốt.
VD: 一 ( yuán ) 是 10 角,一角是 10 分。
Từ cần điền: 元
Chú ý là đây chỉ là kỳ thi cấp độ 3 nên các từ mà đề yêu cầu bạn điền không hề phức tạp và nhiều nét đâu, những từ nào quá nhiều nét (VD: trứng gà jidan) thì các bạn chỉ cần nắm được mặt chữ để nhận biết nó lúc làm bài đọc nghe là được.
Để có kiến thức thi HSK3 sinh viên học chắc kiến thức của Học phần 1,2,3 ( tương đương với nội dung từ Giáo trình Hán ngữ 1 đến giáo 5,6 bài đầu Giáo trình Hán ngữ 4)
Ngoài ra sinh viên nên vào trang web:
http://daotao.saodo.edu.vn/
http://tiengtrungnet.com/download-mien-phi-tai-lieu-hsk-cap-3 để download đề cương ôn tập sát hạch tiếng Trung và các đề mẫu về luyện thêm.