KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

TIẾNG LÓNG – ÁP DỤNG TRONG GIẢNG DẠY BIÊN PHIÊN DỊCH

Thứ sáu - 17/12/2021 18:52
TIẾNG LÓNG – ÁP DỤNG TRONG GIẢNG DẠY BIÊN PHIÊN DỊCH
 
1. Đặt vấn đề       
            Tiếng lóng là một thực tế đầy sinh động mà hầu như bất kỳ ngôn ngữ nào trên trái đất đều có, dù muốn hay không. Nó là một khái niệm quen thuộc trong ngôn ngữ học cũng như trong đời sống ngôn ngữ. Đặc biệt đối với những người muốn học một ngôn ngữ của một nền văn hóa khác thì không thể bỏ qua việc nắm vững hệ thống tiếng lóng của ngôn ngữ đó.
            Tiếng Trung hiện nay là ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất trên thế giới. Tiếng Trung chứa đựng trong nó một nền văn hóa vô cùng sâu sắc, mà một trong những bộ phận quan trọng cấu tạo nên nền văn hóa Hán chính là hệ thống từ lóng. Để học tốt tiếng Hán cũng như tìm hiểu về nền văn hóa Trung Hoa, người học không thể bỏ qua việc nắm vững cách sử dụng hệ thống từ lóng. Việc sử dụng từ lóng trong khi giao tiếp sẽ khiến cho cuộc nói chuyện trở nên thú vị, thu hút và hài hước hơn, từ đó trình độ tiếng Hán cũng được đánh giá cao hơn.
2. Nội dung
2.1 Định nghĩa
            Tiếng lóng được các từ điển định nghĩa ra sao? “Tự điển Việt Nam” của Ban Tu thư Khai Trí (Sài Gòn, 1971) giải thích: “Thứ tiếng dùng riêng với nhau trong hơn một bọn, một hạng người cùng nghề”. “Từ điển tiếng Việt” do Hoàng Phê chủ biên (Hà Nội, 1992) cắt nghĩa: “Cách nói một ngữ riêng trong một tầng lớp hoặc một nhóm người nào đó, nhằm chỉ để cho trong nội bộ hiểu được với nhau mà thôi”. “Hiện đại Hán ngữ từ điển” (Bắc Kinh, 1998) ghi: “Những phương ngôn thông  tục hoặc lưu hành hạn hẹp”.
            Từ các định nghĩa trên đây, chúng ta có thể hiểu tiếng lóng là một hình thức phương ngữ xã hội không chính thức của một ngôn ngữ, thường được sử dụng trong giao tiếp thường ngày, bởi một nhóm người. Tiếng lóng ban đầu xuất hiện nhằm mục đích che giấu ý nghĩa diễn đạt theo quy ước chỉ những người nhất định mới hiểu. Tiếng thường không mang ý nghĩa trực tiếp, nghĩa đen của từ phát ra mà mang ý nghĩa tượng trưng, nghĩa bóng.
2.2 Đặc trưng của tiếng lóng
            - Là loại khẩu ngữ đặc thù, dùng để giao tiếp phi chính thức trong một phạm vi xã hội hạn chế.
            - Hoàn toàn thuộc lĩnh vực từ vựng mang tính lâm thời, bất ổn định
2.3 Nội hàm văn hóa của tlóng tiếng Hán
            - Phản ánh văn hóa bình dân.
            - Có liên quan đến thông tin đời sống thực tế
            - Bị hạn chế bởi tình huống sử dụng và đối tượng sử dụng
            - Có đặc trưng văn hóa và đặc trưng thời đại
2.4 Cách dịch một số từ lóng tiếng Hán điển hình
2.4.1 Từ lóng mang nghĩa tích cực
            (1) 不搭界 (tiếng Thượng Hải): Có 2 nghĩa
            - không liên quan, không có dây mơ rễ má gì, không liên quan, chẳng đâu vào đâu, giời ơi đất hỡi.
            - không có gì, không sao, thoải mái, vô tư đi.
            Ví dụ 1: 别看他们是西方人,你要跟他们说句: “sorry”, 他们没准能回你句地道“不搭界”。(Chớ vội thấy Tây mà đã vội nói “sorry” với họ, chưa biết chừng họ sẽ trả lời bằng một câu tiếng lóng chính cống kiểu như “vô tư đi”.
(2) 逗闷子, 找乐子:trêu, đùa, pha trò cười, tếu, giỡn
            Ví dụ 2: 我只不过想跟她逗闷子而已,没想到一碰她,她就发疯了。(Tôi chỉ muốn giỡn cô ta một chút , nào ngờ vừa chạm vào cô ta đã nổi đóa lên.)
            (3)小菜一碟: đơn giản, dễ ợt, đơn giản như đan rổ, dễ như trở bàn tay, chuyện nhỏ như con thỏ, bình thường như cân đường hộp sữa, bình thường như người đi đường, chẳng nhằm nhò.
            Ví dụ 3: 在家里洗碗,对女人来说,是小菜一碟。可在饭店这是重体力活儿。(Rửa bát ở nhà là một việc quá ư đơn giản đối với người phụ nữ. Nhưng nếu là rửa trong các nhà hàng thì nó quả thực là một công việc nặng nhọc.)
            (4)门儿清: nắm rõ, biết rõ mồn một, rõ như lòng bàn tay, biết tuốt tuồn tột
Ví dụ 4: 我们打小青梅竹马,他对我的背景觉得 门儿清。(Chúng tôi là đôi bạn thân từ nhỏ, nên anh ấy biết rõ mồn một về hoàn cảnh của tôi.)
            (5)白玩儿: dễ ợt, chuyện nhỏ như con thỏ, bình thường như cân đường hộp sữa, đơn giản như đan rổ, việc cỏn con, không nhằm nhò gì.
Ví dụ 5: 这件事对他来说简直是白玩儿。(Việc này đối với anh ta chỉ là chuyện nhỏ như con thỏ mà thôi.)
2.4.2 Từ lóng trung tính
            (1) 吃柠檬:phớt lờ, bị cho ăn bánh bơ đội mũ phớt, a lê phớt
            Ví dụ 6: 我下次约你吃饭,不要请我吃柠檬。(Lần sau mời em đi ăn, nhớ đừng cho anh ăn bánh bơ đội mũ phớt nhé!)
            (2) 0嘴:mắt chữ A, mồm chữ O
            Ví dụ 7: 我一说起那件事,他就O嘴型地看着我。(Tớ vừa mới nhắc đến việc đó, cô ấy liền nhìn tớ với bộ điệu rất ngạc nhiên.)
            (3)半熟脸:mặt trông quen quen, quen biết sơ sơ
            Ví dụ 8: 我跟业主也不过是个半熟脸,不知能不能帮上你。(Tôi và chủ đầu tư chỉ quen biết sơ sơ, không biết có giúp được anh không.)
            (4) 遛弯儿,溜达:đi hóng gió, đi đánh bóng mặt đường, dạo quanh phố phường dạo qua thị trường.
            Ví dụ 9: 吃完晚饭,我们家小两口又到公园遛弯儿。(Ăn cơm tối xong, hai vợ chồng tôi lại ra công viên hóng gió.)
            (5) 扎款: kiếm tiền, kiếm cơm, kiếm miếng cơm manh áo của thiên hạ, kiếm cơm của thiên hạ, vặt, kiếm lời.
            Ví dụ 10: 拿别人当傻瓜去做事是不可能长久的。“扎款”者扎来扎去,总有一天会扎到自己。(Kiếm tiền từ việc đem người khác thành kẻ ngốc chẳng kéo dài được bao lâu. Mấy người giỏi vặt đi vặt lại, rồi có khi vặt chính mình. )
2.4.3 Từ lóng mang nghĩa tiêu cực
            (1) 放飞机:cho leo cây, mắc câu, vào tròng, cho ăn quả lừa.
            Ví dụ 11: 哎呀,整天在家,不是没地方去玩,就是连续被几个人放飞机。(Haizz, cả ngày ở nhà, chẳng phải là không có chỗ chơi, mà là vì bị mấy đứa bạn cho leo cây hết cả lượt.)
            Ví dụ 12: 我就说嘛!傻傻的你总有一天会被人家放飞机。(Tớ biết mà! Một đứa ngốc như cậu kiểu gì cũng có ngày bị ăn quả lừa.)
            (2) 二百五,十三点,阿木林,木头疙瘩,木,帽儿爷,“傻帽儿”: đầu đất, gà mờ, đầu đội nón, bò đeo nơ, chậm tiêu, gà công nghiệp, gà tây, đầu chỉ để mọc tóc, ngu si tứ chi phát triển, đù đờ như gà rù, đụt, ếch, ngây ngây ngô ngô...
            Ví dụ 13: 你还别跟我耍二百五!(Cô đừng giả ngây giả ngô với tôi!)
             (3) 肉票,煤饼,鸡,三三:gái làng chơi, bò lạc, hoa gốc cây, gà  móng đỏ, hàng tươi mát, gái bán hoa, gái cơm bụi, gái đứng đường.
            Ví dụ 14: 这条路晚上有很多鸡。(Buổi tối đường này có rất nhiều gà móng đỏ. )
             (4) 阿乡,乡下人,巴子 (nhà quê, quê một cục, hai lúa, nhà quê chân đất mắt toét
             Ví dụ 15: 我非赢那个阿乡不可。(Tôi nhất định phải thắng cái tên nhà quê chân đất mắt toét ấy.)
            (5) 发嗲: làm nũng, điệu chảy mở, nũng na nũng nịu
            Ví dụ 16: 在公共汽车上发嗲,扭来扭去的那些女孩真对人厌呀。(Mấy cô gái cứ nũng na nũng nịu, uốn a uốn éo trên xe bus trông thật khó coi.)
            (6) 吃鸭蛋 (Ăn trứng ngỗng)
            Ví dụ 17: 整天懒着学习,吃了鸭蛋就对了。活该!(Cả ngày không chịu học, ăn trứng ngỗng là đúng. Đáng đời.)
            (7) 吃药 (Ăn quả lừa, cho một vố)
            Ví dụ 18: 你别想给我吃药,我不会上当的。(Đừng có định cho tớ ăn quả lừa đấy, tớ tỉnh lắm.)
             (8) 少女系男性,奶油小生 (xăng pha nhớt, ái)
            Ví dụ 19: 他们总是用不好听的词语来玩弄公园里的那些少女系男性。(Bọn chúng thường xuyên dùng những lời khó nghe đùa giỡn những chàng “ái” trong công viên.
2.5 Tác dụng của tiếng lóng trong việc học tiếng Trung
            Tiếng Trung hiện nay chính là ngôn ngữ được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới.  Đồng thời, với nền văn minh phương đông cổ đại và trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Trung Quốc được coi là một trong những nền văn hóa tiêu biểu lâu đời và giàu có nhất trên thế giới. Chính vì vậy, khi học tiếng Trung, người học sẽ có cơ hội được tiếp cận với nền văn hóa Trung Hoa, có cơ hội tìm hiểu một trong những nền văn hóa cổ đại nhất trên thế giới.
            Nhưng để học tốt tiếng Trung, để nói được tiếng Trung như người bản địa thì là một điều không hề dễ dàng. Để sử dụng tiếng Trung như người bản địa, người học không những phải thành thạo bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết – những kỹ năng thiết yếu để học một ngoại ngữ, thì người học còn phải có một vốn hiểu biết sâu sắc về  nền văn hóa Trung Hoa, mà tiếng lóng chính là một trong những phương tiện truyền đạt cho văn hóa dân tộc Trung Hoa. Quá trình phát triển của tiếng lóng cũng chứa đựng một lượng kiến thức văn hóa lớn, tiếng lóng chính là một bộ phận cấu thành quan trọng của văn hóa Trung Hoa, vì vậy, khi học tiếng Hán, người học nhất định phải  chú ý nắm vững cách dùng các từ lóng, biết cách dịch, hiểu đúng nghĩa mà từ lóng biểu đạt. Hơn thế nữa, khi người học sử dụng một cách linh hoạt các từ lóng vào việc giao tiếp với người Trung Quốc thì sẽ khiến cho cuộc nói chuyện sẽ trở nên sinh động hơn, hài hước hơn và đặc biệt là “Trung Quốc”  hơn. Nếu trong khi nói chuyện với người bản địa, người học không thể chỉ biết sử dụng kênh ngôn ngữ chính thức mà đôi khi còn phải xen vào đó một số từ lóng để cuộc nói chuyện không vô vị và cứng nhắc nữa.
            Nếu người học càng biết sử dụng nhiều từ lóng thì càng có ích cho việc hiểu được những gì mà người Trung Quốc muốn nói, từ đó có thể hiểu được sự phát triển của tiếng Hán và văn hóa Trung Quốc, đặc biệt góp phần quan trọng trong việc nâng cao trình độ tiếng Hán của bản thân.
2.6 Một số chú ý khi vận dụng từ lóng vào việc học tiếng Hán
2.6.1 Chú ý đối tượng sử dụng
            Không giống như ngôn ngữ chính thức, từ lóng là loại ngôn ngữ mang tính phi chính thức, vì vậy khi sử dụng từ lóng người học cần phải chú ý đến đối tượng mà mình định sử dụng từ lóng để nói chuyện. Từ lóng thông thường chỉ được sử dụng trong các cuộc nói chuyện của bạn bè thân thiết hoặc của những người bình dân. Với những người có địa vị xã hội hoặc có trình độ văn hóa cao, đặc biệt là với phụ nữ và người già thì việc dùng từ lóng phải có tính lựa chọn, thông thường chỉ khi nào đùa thì mới sử dụng, mà chỉ sử dụng những từ mang tính thông dụng nhất, ai cũng biết.
            Trong cuộc sống đời thường, khi nói chuyện với người Trung Quốc, chúng ta phải căn cứ vào tính chất quen thân (lạ, biết, quen, thân) hoặc căn cứ vào tuổi tác, nghề nghiệp, chức vụ, địa vị... để sử dụng những từ lóng phù hợp nhất. Đối với người lạ, khi bạn chưa hiểu rõ về tính cách, sở thích thì bạn không nên sử dụng từ lóng để nói chuyện với người ta trong lần nói chuyện đầu tiên, nếu không sẽ gây ra hiểu lầm. Với những người chúng ta đã quen, nếu chúng ta không hiểu lắm về họ thì chúng ta có thể sử dụng một số từ lóng đơn giản, có tính tích cực hoặc những từ thông dụng, ví dụ: 款爷,棒,包爷... Ngoài ra, với những người chúng ta đã rất quen hoặc rất thân, chúng ta đã quá hiểu về họ thì để cuộc nói chuyện trở nên thú vị và hài hước hơn thì chúng ta cũng có thể sử dụng 1 cách đa dạng các từ lóng để nói chuyện. Mặc dầu vậy, trong khi nói chuyện chúng ta cũng cần chú ý vào hoàn cảnh mà sử dụng những từ lóng có tính phù hợp nhất để tránh gây hiểu lầm.
2.6.2 Chú ý hoàn cảnh sử dụng
            Khi sử dụng từ lóng, chúng ta phải chú ý phân tích đối tượng và hoàn cảnh của cuộc nói chuyện. Nếu tham gia một buổi họp trang trọng, hay có mặt ở những nơi nghiêm túc, để diễn đạt ý của mình thì người nói nhất định phải tránh sử dụng nhiều từ lóng, đặc biệt là những từ lóng mang tính tiêu cực, chú ý sử dụng đến mức tối đa ngôn ngữ chính thức để bảo đảm tính quy phạm trong ngôn ngữ của bản thân. Ngược lại, nếu chúng ta tham dự buổi gặp mặt với bạn bè thân thiết hoặc những nơi không trang trọng lắm thì chúng ta có thể sử dụng một số từ lóng, nhưng cần chú ý những từ lóng được sử dụng không mang tính kích thích, gây ảnh hưởng đến tình cảm hai bên.
Từ đây có thể thấy rằng , phân biệt rõ đối tượng và trường hợp sử dụng là nhân tố quan trọng khi muốn sử dụng đúng và phù hợp từ lóng.
2.6.3 Một số cách dịch từ lóng tiếng Hán
            * Cách dịch tương đương
            Văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Quốc có những điểm tương đồng, chính vì vậy trong khi dịch tiếng Hán sang tiếng Việt, chúng ta thường có thể tìm được từ tiếng Việt có nghĩa tương ứng. Hơn nữa, từ lóng Việt hay Hán đều là công cụ ngôn ngữ phản ánh cuộc sống người dân nên giữa từ lóng tiếng Hán và từ lóng tiếng Việt chắc chắn sẽ có điểm giống nhau. Chúng ta có thể tìm được một số từ lóng trong tiếng Việt tương đương với một số từ lóng tiếng Hán. Ví dụ: “煲电话粥” có thể dịch trực tiếp thành “nấu cháo điện thoại”, “吃鸭蛋” có thể dịch thành “ăn trứng ngỗng”...
            * Cách dịch không tương đương
            Trong tiếng Hán có rất nhiều từ lóng với đặc tính văn hóa hết sức rõ ràng, vì vậy khi dịch, chúng ta khó mà tìm được từ lóng tương đương trong tiếng Việt. Ví dụ, người Hồng Kông thường dùng từ “鸦乌婆” để dọa trẻ con, nhưng khi dịch sang tiếng Việt từ “鸦乌婆” vốn chỉ là một người đàn bà đáng sợ chuyên bắt cóc trẻ con lại bị biến thành 1 người đàn ông cũng chuyên đi bắt cóc trẻ con, chúng ta hoàn toàn không thể tìm được từ nào có nghĩa hoàn toàn giống mà chỉ đành dùng từ “ông ba bị”. Vì vậy, khi dịch những từ lóng mà không tìm được từ có nghĩa tương đương trong tiếng Việt thì chúng ta phải chú ý đến ý nghĩa của từ lóng, chú ý đến nội hàm văn hóa có chứa trong từ lóng và cách dùng từ lóng, đồng thời chúng ta cũng cần có một sự hiểu biết thực sự sâu sắc về tiếng mẹ đẻ, từ đó mới có thể tìm được cách nói chính xác trong tiếng Việt. Nếu không, sau khi dịch xong, người nghe hoặc người đọc khó có thể tiệp nhận và hiểu được ý nghĩa của từ đó trong tiếng Hán.
3. Kết luận
            Tuy là một hình thức ngôn ngữ không chính thức nhưng tiếng lóng lại đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong việc học một ngôn ngữ nào đó. Vì vậy, để học tốt một loại ngôn ngữ nào đó thì người học không thể bỏ qua tiếng lóng. Đặc biệt với những người học tiếng Hán thì việc dùng tiếng lóng thuần thục sẽ giúp ích rất nhiều trong việc sử dụng tiếng Hán một cách thành thạo như người bản địa. Mặc dù vậy, vì lý do tiếng lóng là một hình thức ngôn ngữ không chính thức nên trong quá trình phiên dịch từ Trung sang Việt hay từ Việt sang Trung thì chúng ta cần phải chủ ý đến đối tượng sử dụng và hoàn cảnh sử dụng tiếng lóng. Nếu không việc sử dụng tiếng lóng sẽ trở nên mất tác dụng và có thể dẫn đến hiểu lầm trong giao tiếp.
 

Tác giả bài viết: Bùi Thị Trang - Khoa Du lịch & Ngoại ngữ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Bạn biết khoa Du lịch & Ngoại ngữ - Trường Đại học Sao Đỏ qua kênh nào?

NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập80
  • Hôm nay17,160
  • Tháng hiện tại144,744
  • Tổng lượt truy cập7,215,363
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây