KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

PHỎNG VẤN XIN VIỆC BẰNG TIẾNG ANH, THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Thứ ba - 13/04/2021 08:52
1. Đặt vấn đề
            "Tại công ty chúng tôi, khi phỏng vấn các SV tốt nghiệp ĐH ngành ngoại ngữ, hầu hết các bạn bị "câm" 50% và "điếc" 40%". Nhận xét gây "sốc" của Tổng Giám đốc Saigontourist tại hội thảo về chất lượng giáo dục (5/2006) tuy đã cách xa hơn một thập kỷ nhưng dường như vẫn có khía cạnh liên quan đến tình hình thực tế hiện nay, khơi lại nỗi đau trường kỳ về việc học ngoại ngữ của sinh viên Việt Nam. Liệu vấn đề này đã được cải thiện? Sinh viên học ngoại ngữ ra trường liệu đã đáp ứng được nhu cầu công việc?
            Câu chuyện về dạy và học ngoại ngữ "vênh" quá nhiều so với thực tế sử dụng đã được bàn luận không ít trên nhiều nhiều phương tiện truyền thông. Một lần nữa, nhân dịp bộ GD&ĐT vừa công bố điểm thi THPT Quốc Gia 2018, với một vài “kỷ lục” mới của môn tiếng Anh, tác giả muốn đề cập đến vấn đề “nóng” này thông qua bàn luận vấn đề phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh, thực trạng và giải pháp.
2. Nội dung
2.1. Thực trạng chất lượng môn tiếng Anh hiện nay
            Theo dữ liệu điểm thi THPT quốc gia 2018, Môn tiếng Anh có điểm trung bình thấp nhất với điểm trung bình trên cả nước là 3,91 điểm, thấp hơn khá nhiều so với năm 2017 là 4,6 và chỉ cao hơn năm 2016 là 3,22 điểm. Số thí sinh có điểm dưới trung bình là 637.335 thí sinh – chiếm 78,22%. Số thí sinh có điểm liệt (<=1 điểm) là 2.189 thí sinh – chiếm 0,0026%, cao khoảng gấp đôi so với năm ngoái.. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 3 điểm. Cả nước có 76 thí sinh đạt điểm 10 môn tiếng Anh. Số thí sinh đạt từ 9 đến 9,8 điểm là 4.838. Có 732 thí sinh có điểm 0.
1

            Phổ điểm môn tiếng Anh kỳ thi THPT Quốc Gia 2018 (nguồn: http://vietnamnet.vn)
            Điều đáng nói là môn tiếng Anh có điểm thi thấp nhất trong các môn thi THPT Quốc Gia năm nay. Từ dữ liệu phân tích của VietNamNet cho thấy:
            Môn Ngữ văn có điểm trung bình môn là 5,4. Môn Vật lý có điểm trung bình môn là 4,9. Môn Hóa có điểm trung bình môn 4,8. Môn Sinh học có điểm trung bình môn 4,6. Môn Sử có điểm trung bình môn là 3,8. Môn Địa có điểm trung bình môn là 5,5. Môn tiếng Anh có điểm trung bình môn là 3,7. Môn Giáo dục công dân có điểm trung bình môn cao nhất là 7,1.
2
3
            Dù cả nước đầu tư rất nhiều nguồn lực cho việc dạy và học ngoại ngữ trong suốt nhiều năm qua nhưng chất lượng môn ngoại ngữ nói chung và môn tiếng Anh nói riêng vẫn chỉ ở mức độ dưới trung bình.
            Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng đúng là nhìn trong phạm vi cả nước thì sự chuyển biến chưa rõ nét. Tuy nhiên, đi vào phân tích sâu theo từng tỉnh, từng vùng thì thấy rất rõ đối với những thành phố, thị xã có điều kiện để học ngoại ngữ tốt thì kết quả của các em cao và sự cải tiến nâng cao chất lượng rất rõ. Còn ở những vùng còn khó khăn thì sự chuyển biến về ngoại ngữ chưa rõ nét. Đó là thực tế và chứng tỏ phổ điểm đã phản ánh chân thực. Để khắc phục điều này, tới đây, Bộ GD-ĐT tiếp tục triển khai một cách hiệu quả đề án dạy học ngoại ngữ quốc gia.
            Trong thời gian chờ đợi hiệu quả của đề án học ngoại ngữ thì suốt nhiều năm qua giáo dục ở các cấp học vẫn đang đau đầu trong việc nỗ lực cải thiện chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt ở cấp đại học, nơi mà trình độ sinh viên được đánh giá bằng khả năng đáp ứng nhu cầu công việc. Từ đó, một thực tế có thể nói đáng báo động là sinh viên tốt nghiệp nhưng không đảm bảo về trình độ ngoại ngữ phục vụ nghề nghiệp. Theo thống kê của Vụ giáo dục Đại học sau khi đánh giá 59 trường đại học lớn không chuyên ngữ tại Việt Nam, có khoảng 51,7% sinh viên tốt nghiệp không đáp ứng được yêu cầu về kỹ năng tiếng Anh. Trong số các trường được khảo sát, chỉ có 10,5% số trường Đại học đã thực hiện khảo sát đánh giá khả năng đáp ứng yêu cầu công việc về kỹ năng sử dụng tiếng Anh của sinh viên tốt nghiệp. Kết quả cho thấy khoảng 49,3% sinh viên đáp ứng được yêu cầu của người sử dụng, 18,9% sinh viên không đáp ứng được và 31,8% sinh viên cần đào tạo thêm” - bà Trần Thị Hà, vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho biết tại hội thảo “Đào tạo tiếng Anh trong các trường ĐH không chuyên ngữ” do Bộ GD-ĐT phối hợp với Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ tổ chức. Có thể nói tiếng Anh là một tiêu chuẩn quan trọng để tuyển dụng và đánh giá nhân viên tại các doanh nghiệp, không chỉ là các công ty nước ngoài mà còn đối với nhiều đơn vị trong nước. Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), so với các quốc gia ASEAN, trình độ tiếng Anh của Việt Nam hiện đứng sau Singapore, Malaysia, Philippine và Brunei. Đội ngũ nhân sự đến từ các quốc gia trên sẽ chiếm ưu thế nhờ khả năng tiếng Anh tốt và phong cách làm việc quốc tế. Thậm chí ngay tại thị trường Việt Nam, nếu không trang bị cho mình vốn tiếng Anh tốt, nhiều bạn trẻ có khả năng thua trên “sân nhà”.
2.2. Đánh giá của các doanh nghiệp về năng lực tiếng Anh của sinh viên ra trường
            Nhu cầu cao, lương hấp dẫn nhưng thị trường lao động vẫn bị bỏ ngỏ ở những ngành nghề có yêu cầu sử dụng thành thạo tiếng Anh. Được biết, mức thu nhập của một phiên dịch có kinh nghiệm, có khả năng ngoại giao lưu loát là 70 USD/giờ hoặc 400 USD/buổi (khoảng 3 giờ); sinh viên mới ra trường dao động từ 200-300 USD/tháng.
            Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Giám đốc Công ty Le & Associates nhìn nhận: "70% sinh viên "ra lò" từ các trường dân lập, trình độ ngoại ngữ chỉ ở mức trung bình, kém. Dù được công nhận là cử nhân ngoại ngữ nhưng họ nghe không được, nói không thông khi tiến hành trả lời phỏng vấn bằng tiếng Anh do người Việt thực hiện chứ đừng nói đến người nước ngoài.
            Đứng ở góc độ nhà tuyển dụng, tôi không thấy hài lòng lắm về chất lượng đào tạo hiện nay ở nhiều khía cạnh. Do nhu cầu công ty và yêu cầu công việc, chúng tôi phải đào tạo lại để "xài" chứ nếu tìm được nguồn tốt hơn, với khả năng như thế, các sinh viên sẽ không có cơ hội việc làm".
            Bà Lệ cũng cho biết thêm, tại Công ty Le & Associates, đơn đặt hàng về biên phiên dịch không phải là ít nhưng rất khó để tuyển được người. Với mặt bằng ngoại ngữ trên thị trường hiện nay, sinh viên ngoại ngữ mới ra trường chỉ có thể đáp ứng được các chức danh công việc như thư ký, văn phòng, marketing...
            Cũng đồng quan điểm như thế, ông Nguyễn Anh Phú, Giám đốc nhân sự Công ty Furn-line đánh giá: Trên 60% sinh viên ngoại ngữ không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Lý giải điều này, ông Phú cho rằng sinh viên không có nhiều thời gian để luyện nói, ngại giao tiếp bằng Anh ngữ, tâm lý sợ sệt khi phỏng vấn tuyển dụng... Chính những yếu tố này cùng với vốn từ thực tế không đủ nên họ chọn giải pháp im lặng, không thể cùng người tuyển dụng tiến hành thành công một cuộc phỏng vấn.
            "Hơn 2 tháng chúng tôi mới tuyển được nhân sự cho một vị trí cần người biết sử dụng Anh văn. Tuy yêu cầu công ty đưa ra không cao nhưng cũng phải phỏng vấn 15 ứng viên mới chọn được 1. Sinh viên yếu nhất là kỹ năng nghe nói" - ông Phú bộc bạch.
2.3. Phản hồi từ sinh viên về việc học tiếng Anh
            Theo khảo sát các cựu sinh viên của trường đại học Sao Đỏ, đa số sinh viên tự đánh giá bản thân chưa có thái độ học tập nghiêm túc, tích cực và chủ động đối với môn tiếng Anh. Do đây chỉ là môn chung nên sinh viên có tư tưởng học cho “qua”, không cần thiết cho công việc sau này, môn chuyên ngành mới quan trọng. Vậy mới có câu chuyện bi hài: một sinh viên ngành điện vô tư trả lời: “Em học xong ra trường chỉ leo cột điện thì học tiếng Anh để làm gì ạ?” Có thể câu trả lời của em sinh viên đúng, với trường hợp em đã lựa chọn cho mình một công việc ổn định, khá vất vả và không có thăng tiến… Đây cũng là quan điểm của một bộ phận lớn sinh viên khi chưa định hướng được hướng đi tích cực cho tương lai của mình, chưa thực sự quan tâm đến những cơ hội nghề nghiệp tốt hơn, đặc biệt trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 và hội nhập mạnh mẽ như hiện nay.
            Bên cạnh đó, không ít sinh viên ra trường không tìm được công việc mong muốn do hạn chế về các kỹ năng, trong đó có khả năng sử dụng tiếng Anh, đã đổ lỗi cho nhà trường. Sinh viên cho rằng họ không học được nhiều ở nhà trường nên không đạt được năng lực ngoại ngữ cần thiết, khi đi phỏng vấn bằng tiếng Anh thì lập tức họ như bị “câm”, “điếc”.
            Một số sinh viên ngành du lịch phàn nàn rằng: “về chuyên môn, em làm rất tốt nhưng khi được hỏi bằng tiếng Anh thì em “bó tay”, không trả lời được, vì thế mà em chỉ được làm trong buồng, bếp…, không có cơ hội làm trong quầy, nhà hàng (nơi tiếp xúc nhiều với khách nước ngoài). Do đó, công việc vất vả hơn, mà thu nhập lại thấp hơn.”
2.4. Trách nhiệm của nhà trường trong việc giảng dạy tiếng Anh
            Về phía nhà trường, bộ môn ngoại ngữ, có thể nói môn tiếng Anh được quan tâm khá sát sao. Chương trình, giáo trình, tài liệu học luôn cập nhật, hiệu chỉnh cho phù hợp đối tượng sinh viên và bắt kịp thời đại.
            Tuy vậy, nhìn từ góc độ khách quan thì chất lượng sinh viên thấp một phần do đầu vào rất thấp. Sinh viên được xét tuyển từ mức điểm sàn của cả nước, thậm chí nhiều sinh viên được xét qua học bạ THPT nên mặt bằng chung có thể nói là thấp, chưa kể môn tiếng Anh là ngoại ngữ, thường được sinh viên đánh giá là khó hơn so với các môn học khác, thì chất lượng còn thấp hơn, chưa kể nhiều em có xuất phát điểm bằng “0” (không biết gì về tiếng Anh).
            Bên cạnh đó, thực tế nhà trường có những khó khăn, hạn chế nhất định như thiếu môi trường giao tiếp có người bản ngữ, công nghệ chưa đầy đủ, hiện đại để đáp ứng nhu cầu dạy và học ngoại ngữ, chưa phân loại sinh viên theo năng lực để có phương pháp bồi dưỡng tối ưu…
            Về việc hướng dẫn cho sinh viên kỹ năng phỏng vấn bằng tiếng Anh khi ra trường, hiện nay nhà trường chưa có chương trình riêng cho môn này. Thực tế, trong quá trình giảng dạy, giảng viên cũng có kết hợp lồng ghép các tình huống xin phỏng vấn xin việc để hướng dẫn sinh viên biết cách trả lời, ứng xử. Tuy nhiên, để đạt được kỹ năng thực sự, sinh viên cần có năng lực ngoại ngữ nhất định để giao tiếp cơ bản và cần thực hành thêm các tình huống phỏng vấn sát với thực tế.
 2.5. Một số kinh nghiệm để thành công khi phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh

2.5.1. Trước khi phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh

  • Tìm hiểu kỹ một số vấn đề liên quan đến công ty mà bạn ứng tuyển: công ty; vị trí ứng tuyển; các đợt phỏng vấn trước; …

  • Chuẩn bị đầy đủ kiến thức, bao gồm chuyên môn, tiếng Anh và kiến thức xã hội. Nhà tuyển dụng không chỉ hỏi về các kiến thức chuyên môn, mà còn chú trọng về mảng xã hội để đánh giá sự hiểu biết cũng như khả năng ứng biến đối với một vấn đề nào đó trong cuộc sống.

  • Nắm rõ các câu hỏi phỏng vấn tiếng anh thông dụng, tìm hiểu về câu trả lời phù hợp nhất với bản thân

  • Tự trả lời phỏng vấn trước gương, chú ý ánh mắt và cử chỉ phù hợp nhất.

  • Lựa chọn trang phục công sở: áo sơ mi kết hợp với chân váy hoặc quần dài, màu sắc nhã nhặn, hài hòa, không được lòe loẹt, phản cảm

2.5.2. Trong lúc phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh

  • Gửi lời chào nhà tuyển dụng trước khi bắt đầu phỏng vấn

  • Trả lời ngắn gọn, súc tích và đúng trọng tâm câu hỏi

  • Ánh mắt tự tin nhìn nhà tuyển dụng, chú ý đừng nhìn thẳng vào mắt của họ, mà hãy nhìn vào sống mũi

  • Hít thở sâu và đều để lấy bình tĩnh

  • Gặp những câu hỏi khó, hãy khéo léo tiếp thu ý kiến từ nhà tuyển dụng và rút kinh nghiệm

2.5.3. Sau phỏng vấn tiếng Anh

  • Đừng quên gửi lời cảm ơn trực tiếp hoặc thông qua email (nếu có) tới nhà tuyển dụng để bày tỏ sự chân thành và quan tâm của bạn đến vị trí mà bạn đang ứng tuyển, cũng như bày tỏ mong muốn được gia nhập vào công ty.

2.5.4. Một số bí quyết nhỏ

  • Trau dồi tiếng Anh thật tốt, đặc biệt là cách phát âm

  • Dù kiến thức và kinh nghiệm của bạn có hạn chế, đừng quá lo lắng, hãy thể hiện mình là một người tự tin, và ham học hỏi để bù đắp khuyết điểm

  • Chân thành, thẳng thắn luôn tạo ấn tượng tốt đối với nhà tuyển dụng

  • Tôn trọng nhà tuyển dụng

  • Lạc quan,bình tĩnh và suy nghĩ kỹ lưỡng để trả lời một cách tốt nhất

            Đặc biệt, nhà tuyển dụng sẽ lựa chọn câu hỏi “Tell me a little bit about yourself” để cho các ứng viên ghi điểm, và đó là cơ hội để bạn lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng. Đừng chủ quan nhé!
Đừng để vốn tiếng Anh hạn chế cản trở con đường nghề nghiệp của bạn. Thay vì lo lắng, hãy tự trang bị cho mình những kiến thức và kinh nghiệm phỏng vấn tiếng Anh xin việc để tự tin chinh phục mọi nhà tuyển dụng khó tính nhé!
2.6. Gợi ý cách trả lời một số câu hỏi phỏng vấn xin việc bằng tiếng Anh phổ biến

            Buổi phỏng vấn có thể kéo dài chỉ trong 10 phút nhưng cũng có khi suốt một giờ với những câu hỏi khác nhau từ nhà tuyển dụng. Dưới đây là 9 câu hỏi thường gặp và cách trả lời trong các buổi phỏng vấn. Các cụm diễn đạt chính được in nghiêng, người dùng có thể thay đổi các nội dung còn lại để phù hợp với hoàn cảnh của mình.
            Q1. How would you describe yourself? – Anh/chị miêu tả bản thân mình như thế nào?
(Tương tự: What are your strengths/positive traits? Why should we hire you?)
I consider myself hardworking/reliable/dependable/helpful/outgoing/organized/ honest/ cooperative. (Tôi thấy mình là người chăm chỉ/đáng tin/đáng tin cậy/được việc/hướng ngoại/có tổ chức)
I’m a team-player/an experienced team-leader/a seasoned (experienced) professional/a dedicated worker. (Tôi là người có tinh thần đồng đội/một trưởng nhóm có kinh nghiệm/chuyên gia nhiều kinh nghiệm/nhân viên tận tụy)
I’m good at dealing with people/handling stress. (Tôi giỏi thỏa hiệp với mọi người/giải quyết vấn đề áp lực)
I pay attention to details. (Tôi là người chú trọng tiểu tiết)
I understand my customers’ needs. (Tôi hiểu khách hàng của mình cần gì)
I learn quickly and take pride in my work. (Tôi tiếp thu nhanh và tự hào vào những gì mình làm được)
- I love challenges and getting the job done. (Tôi thích thử thách và yêu cảm giác hoàn thành nhiệm vụ)

            Q2. What kind of qualifications do you have? – Anh/chị có những bằng cấp gì?
I graduated in tourism from Sao Do University of London. (Tôi tốt nghiệp ngành du lịch ở Đại học Sao Đỏ)
I hold a master’s degree (MA)/a bachelor’s degree (BA) in English Languages from Sao Do University.  (Tôi sở hữu bằng thạc sĩ/cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Sao Đỏ)
- I took one year accounting training program. (Tôi dành một năm cho chương trình kế toán)
- I haven’t done any formal training for this job, but I have worked in similar positions and have 2 years of experience in this field. (Tôi không được đào tạo bài bản cho công việc này nhưng tôi đã từng đảm nhận vị trí tương tự và có 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực này)
            Q3. Why did you leave your last job? - Vì sao anh/chị nghỉ công việc trước?
I was laid off/made redundant, because the company relocated/downsized /needed to cut costs. (Tôi đã bị cho nghỉ việc/trở thành nhân sự thừa vì công ty tái cơ cấu/thu nhỏ quy mô/cần cắt giảm chi phí)
I wanted to focus on finding a job that is nearer to home/that represents new challenges/where I can grow professionally. (Tôi muốn tìm một công việc gần nhà hơn/mang đến những thử thách mới/giúp tôi phát triển một cách chuyên nghiệp)

            Q4. What do you do in your current role? - Vai trò ở công việc hiện tại của anh/chị là gì?
I’m responsible for the reservation and reception… for the customers/ the hotel. (Tôi chịu trách nhiệm bộ phận đặt phòng và lễ tân…)
I ensure that high standard of customer care is maintained. (Tôi đảm bảo việc duy trì chất lượng chăm sóc khách hàng)
I liaise with the Business Development and Business Services Units. (Tôi kết nối hai đơn vị dịch vụ kinh doanh và phát triển kinh doanh với nhau)
I deal with incoming calls and correspond with clients via e-mails. (Tôi giải quyết các cuộc gọi tới và trả lời khách hàng thông qua email)
I’m in charge of the high-priority accounts. (Tôi có trách nhiệm với những tài khoản cần ưu tiên)

            Q5. What relevant experience do you have? – Anh/chị có kinh nghiệm gì liên quan tới công việc?
Lưu ý: nên sử dụng thì Hiện tại Hoàn thành hoặc Hiện tại Hoàn thành Tiếp diễn để nói về những kinh nghiệm mình từng có trong quá khứ và vẫn đang tiếp tục ở hiện tại
I have worked as a Sales Representative for several years. (Tôi từng đảm nhiệm vị trí Đại diện Kinh doanh trong nhiều năm qua)
- I have great people skills: I’ve been working in Customer Service and been dealing with complaints for five years. (Tôi có kỹ năng làm việc tốt với mọi người vì từng làm ở bộ phận dịch vụ khách hàng và giải quyết các khiếu nại trong năm)

            Q6. Why would you like to work for us? - Vì sao anh/chị mong muốn làm việc cho chúng tôi?
I would like to put into practice what I learned at university. (Tôi mong muốn được áp dụng những gì được học ở trường vào thực tế)
I’ve always been interested in tour guiding and your company excels (is one of the best) in this field. (Tôi luôn quan tâm đến việc hướng dẫn du lịch và công ty của ông đi đầu trong lĩnh vực này)
            Q7. What are your weaknesses/negative traits? - Điểm yếu, mặt hạn chế của anh/chị là gì?
I’m a perfectionist and I may be too hard on myself or my co-workers sometimes. (Tôi là người theo chủ nghĩa hoàn hảo và có lúc quá hà khắc với bản thân và đồng nghiệp)
I might need to learn to be more flexible when things are not going according to plan. (Tôi nên học cách trở nên linh động hơn khi mọi thứ không như kế hoạch)
- I occasionally focus on details instead of looking at the bigger picture. I’m learning how to focus on the overall progress as well. (Thi thoảng, tôi bị quá chú tâm vào chi tiết và không chú ý đến toàn cảnh. Tôi đang học cách nhìn vào toàn quá trình)

            Q8. When can you commence employment with us? - Khi nào anh/chị có thể bắt đầu làm việc với chúng tôi?
(Tương tự: When can you start work?)
I will be available for work in January, next year. (Tôi sẵn sàng cho công việc này vào tháng một năm sau)
I can start immediately. (Tôi có thể bắt đầu ngay)
I have to give three weeks’ notice to my current employer, so the earliest I can start is the first of August. (Tôi cần 3 tuần để thông báo với sếp hiện tại, vì vậy, tôi có thể bắt đầu sớm nhất vào 1/8)

            Q9. Do you have any questions? – Anh/chị còn câu hỏi nào nữa không?
What would be the first project I’d be working on if I was offered the job? (Nếu tôi được nhận công việc này, dự án đầu tiên mà tôi được tham gia là gì?)
Who would I report to? Who would I be working closely with? (Tôi sẽ báo cáo công việc với ai? Tôi sẽ làm biệc nhiều với ai?)
When will I get an answer? How soon can I start? (Khi nào tôi sẽ nhận được kết quả? Tôi có thể bắt đầu đi làm từ khi nào?)
3. Kết luận

            Bạn đã từng bị trượt phỏng vấn chỉ vì tiếng Anh? Không hẳn là chuyên môn của bạn thấp kém mà có thể là vốn tiếng Anh của bạn chưa tốt, bạn chưa đủ tự tin, hoặc bất kỳ một lý do nào,…Tất cả những khuyết điểm đó có thể được sửa chữa nếu bạn có tinh thần cầu tiến và ý chí quyết tâm cao. Ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, hãy dành sự quan tâm thỏa đáng với môn tiếng Anh, hãy trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng cần thiết để sẵn sàng đối mặt với bất kỳ cuộc phỏng vấn nào trong tương lai. Khi bạn có ý định ứng tuyển bất kỳ vị trí nào tại các công ty nước ngoài với mức lương mơ ước và môi trường làm việc chuyên nghiệp thì điều quyết định để bạn đạt được mục tiêu hay không đó chính là trả lời xuất sắc các câu hỏi phỏng vấn tiếng Anh. Sự chuẩn bị chu đáo cộng với sự tự tin sẽ giúp bạn chiến thắng mọi cuộc phỏng vấn và lọt vào “mắt xanh” của nhà tuyển dụng.
 
Tài liệu tham khảo
1. http://aroma.vn/bo-tui-kinh-nghiem-phong-van-tieng-anh-xin-viec-thanh-cong/
2.https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/hoc-tieng-anh/cach-tra-loi-9-cau-hoi-phong-van-tieng-anh-thuong-gap-3382525.html
3. http://web.hanu.vn/cn/mod/forum/discuss.php?d=1629

Tác giả bài viết: Phạm Thị Huyền Trang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập75
  • Hôm nay29,490
  • Tháng hiện tại132,009
  • Tổng lượt truy cập11,865,414
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây