KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

BIỆN PHÁP NÂNG CAO VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG ANH DU LỊCH CHO SINH VIÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌC KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

Chủ nhật - 26/09/2021 07:52
1. Đặt vấn đề
Trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa hiện nay, Tiếng Anh hơn bao giờ hết đang đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong moi lĩnh vực của đời sống xã hội. Với bất kỳ ngành nghề nào, Tiếng Anh cũng đều rất cần thiết. Ngành du lịch lại là một lĩnh vưc càng đòi hỏi sự thông thạo Tiếng Anh. Học ngoại ngữ với bất kỳ mục đích gì, điều cốt yếu mà người học phải đạt được là kiến thức và kỹ năng ngôn ngữ.
Tùy vào mục đích sử dụng ngôn ngữ, người học có thể chỉ cần học ngoại ngữ thông dụng hoặc phải học thêm ngoại ngữ chuyên ngành. Ngoại ngữ chuyên ngành là ngôn ngữ mang đặc thù chuyên môn ở lĩnh vực hẹp. Hệ thống chủ điểm của ngoại ngữ chuyên ngành gắn với các nội dung chuyên sâu của chuyên ngành, mang đặc thù riêng của từng ngành nghề. Tiếng Anh chuyên ngành du lịch cũng không nằm ngoài bối cảnh chung của việc học và sử dụng ngoại ngữ thông dụng và ngoại ngữ chuyên ngành. Muốn sử dụng thành thạo tiếng Anh chuyên ngành du lịch người học phải thông thạo tiếng Anh thông dụng để có cơ sở về kiến thức ngôn ngữ, kỹ năng diễn đạt và kỹ năng nhận thức hỗ trợ cho tiếng Anh chuyên ngành du lịch. Bên cạnh đó người học cũng phải có kiến thức về chuyên ngành du lịch. Thực tế sinh viên ngành Việt Nam học của khoa Du lịch và Ngoại ngữ trường Đại học Sao Đỏ học Tiếng Anh chưa đạt hiệu quả cao. Vì vậy bài viết của tôi sẽ trình bày một số phương pháp để nâng cao việc dạy và học Tiếng Anh chuyên ngành du lịch cho sinh viên ngành Việt Nam học khoa Du lịch và Ngoại ngữ trường Đại học Sao Đỏ.
2. Nội dung
2.1. Phương pháp dạy Tiếng Anh du lịch cho sinh viên ngành Việt Nam học trường Đại học Sao Đỏ
Để đảm bảo việc dạy Tiếng Anh chuyên ngành du lịch cho sinh viên ngành Việt Nam học đạt hiệu quả đòi hỏi đội ngũ giảng viên phải giỏi Tiếng Anh thông dụng và có kiến thức chuyên môn về ngành du lịch. Nếu giảng viên chỉ biết ngoại ngữ, không có trình độ chuyên môn về văn hóa du lịch ở mức độ nhất định thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình dạy học. Khó khăn không phải ở chỗ giảng viên thiếu vốn từ vựng về văn hóa du lịch mà ở chỗ thiếu sự hiểu biết cần thiết về một ngành khoa học.Xuất phát từ mục đích sử dụng ngôn ngữ, việc dạy học Tiếng Anh chuyên ngành du lịch chủ yếu sử dụng phương pháp giao tiếp. Khác với giai đoạn dạy học tiếng Anh cơ bản, ở giai đoạn học tiếng Anh chuyên ngành du lịch phương pháp giao tiếp qua đối thoại đòi hỏi người học phải biết cách sử dụng Tiếng Anh để tham gia vào các cuộc thảo luận. đàm thoại về các vấn đề liên quan đến văn hóa du lịch như văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, làng nghề, lễ hội….
Theo các chuyên gia ngôn ngữ, trong quá trình giao tiếp dù ở mức độ nào cũng không thể thiếu lời độc thoại. Ở giai đoạn học tiếng Anh cơ bản, phương pháp dạy giao tiếp qua độc thoại đòi hỏi người học phải tiếp nhận và nắm vững được cách thành lập các loại câu từ đơn giản đến phức tạp. Ở giai đoạn dạy tiếng Anh chuyên ngành du lịch, phương pháp dạy giao tiếp qua độc thoại đòi hỏi người học phải biệt cách sử dụng tiếng Anh để báo cáo hay thuyết trình về một vấn đề văn hóa, xã hội hoặc thuyết minh đối tượng tham quan bằng Tiếng Anh. Tại khoa du lịch và ngoại ngữ trường đại học Sao Đỏ, chúng tôi đã kết hợp sử dụng 2 nguyên tắc của phương pháp giao tiếp trong quá trình dạy học tiếng Anh du lịch đó là:
- Nguyên tắc dạy giao tiếp theo tình huống trong du lịch trên lớp. Sử dụng các bài tập tình huống, đặt sinh viên vào vị trí như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ hoặc như người làm công tác du lịch tác nghiệp. Các bài tập tình huống có thể sử dụng khi dạy học tiếng Anh chuyên ngành du lịch là các bài tập hỏi – đáp, nhập vai hướng dẫn viên du lịch hoặc những người làm công tác du lịch.
- Nguyên tắc dạy giao tiếp ngoại khóa theo chủ đề: Quá trình dạy học tiếng Anh chuyên ngành ở đây được thực hiện trực tiếp tại nơi hướng dẫn viên hoặc đội ngũ những người làm du lịch tác nghiệp như các tuyến điểm du lịch, khách sạn. Để phương pháp này hiệu quả sinh viên cần chuẩn bị kỹ các kiến thức về ngôn ngữ cũng như các kiến thức về tuyến điểm du lịch thực tế mà họ sẽ trực tiếp đến thực hành thuyết minh như một hướng dẫn viên cụ thể. Nếu không hiểu sâu sắc về tuyến điểm du lịch thì dù sinh viên được trang bị kiến thức ngôn ngữ tốt cũng không thể thuyết minh một cách hiệu quả được bởi có rất nhiều thông tin về lịch sử, văn hóa ….của tuyến điểm du lịch cũng như các thuật ngữ chuyên ngành vì tiếng Anh du lịch cũng là một ngành khoa học.
2.2. Yêu cầu đối với giảng viên Tiếng Anh du lịch
Đội ngũ giảng viên tiếng Anh chuyên ngành là một yếu tố không thể thiếu để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh chuyên ngành.  Hầu hết giáo viên dạy tiếng Anh chuyên ngành ở các trường đại học, cao đẳng hiện nay đều là những giáo viên ngoại ngữ - đơn thuần dạy tiếng Anh. Vốn từ vựng tiếng Anh chuyên ngành nói theo thuật ngữ khoa học là những từ ngữ thuộc về lớp từ vựng nghề nghiệp. Nếu giảng viên không hiểu sâu về chuyên ngành mình giảng dạy thì không thể hiểu rõ ngọn ngành vấn đề để có thể truyền đạt tới sinh viên một cách hiệu quả nhất. Vì vậy giảng viên phải không ngừng học tập nâng cao trình độ, tích cực tham gia các lớp nghiệp vụ về du lịch và phải đi trải nghiệm thực tế nhiều để có nhiều kiến thức kinh nghiệm trong lĩnh vực du lịch.
2.3. Yêu cầu đối với người học
Người học là một yếu tố cốt lõi vô cùng quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dạy và học. Để có thể học tập tốt môn tiếng Anh chuyên ngành du lịch sinh viên cần phải tìm ra các phương pháp học tập phù hợp nhất với mình. Các bạn sinh viên có thể tham khảo một số phương pháp sau:
- Trước hết phải nắm chắc cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh cơ bản, phải thông thạo các kỹ năng đặc biệt là kỹ năng nói tiếng Anh bởi kỹ năng nói tiếng Anh không thể thiếu để trở thành một hướng dẫn viên du lịch. Khi học học phần tiếng Anh cơ bản sinh viên phải chăm chỉ ngay từ đầu, tích cực luyện phát âm thật chuẩn, luyện nghe nói nhiều. Có như vậy khi vào học tiếng Anh chuyên ngành mới có thể học tốt được bởi tiếng Anh chuyên ngành có rất nhiều thuật ngữ khó và đòi hỏi khả năng thuyết trình, thuyết minh cũng như khả năng giao tiếp bằng tiếng Anh rất cao. Nếu sinh viên không thông thạo tiếng Anh cơ bản, không có khả năng nghe nói tốt thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
- Thứ hai, sinh viên cần tích lũy vốn từ vựng tiếng Anh thông dụng cũng như tiếng Anh chuyên ngành bởi nó rất hữu ích cho việc nói tiếng Anh. Không có vốn từ vựng các bạn sè gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp thực tế tại các tuyến điểm du lịch cũng như trong nhiều môi trường khác.
- Thứ ba, sinh viên phải có kiến thức về cơ sở ngành trước khi học tiếng Anh chuyên ngành. Ngoài các học phần về cơ sở ngành được học trên lớp sinh viên phải tự học hỏi trau dồi kiến thức qua các phương tiện khác nhau và đặc biệt là qua các chuyến đi thực tế tại các tuyến điểm du lịch.
- Thứ tư, sinh viên cần được đi trải nghiệm thực tế nhiều. Các kiến thức thực tế về các tuyến điểm du lịch vô cùng quan trọng phục vụ tốt cho quá trình học tiếng Anh chuyên ngành. Bằng nhiều cách khác nhau sinh viên cố gắng tổ chức các chuyến đi thực tế để hiểu biết về các điểm du lịch cũng như tới đó thuyết trình tiếng Anh và có cơ hội để giao tiếp với khách nước ngoài. Đây là biện pháp vô cùng hữu ích để sinh viên thực hành nói tiếng Anh nâng cao trình độ bản thân.
3. Kết luận
Tiếng Anh chuyên ngành du lịch cũng như tiếng Anh chuyên ngành khác rất khó để dạy và học. Một số người nghĩ rằng chỉ cần giỏi tiếng Anh thông dụng là có thể học tiếng Anh chuyên ngành được. Đây là một ý nghĩ sai lầm. Để có thể dạy và học tốt môn tiếng Anh chuyên ngành du lịch thì cả đội ngũ giảng viên và sinh viên phải nỗ lực hết mình trau dồi kiến thức chuyên ngành và các kỹ năng học tiếng Anh. Tích cực luyện tập hàng ngày để nâng cao khả năng nói tiếng Anh đặc biệt là khả năng thuyết trình tại các tuyến điểm du lịch. Bài viết của tôi đã đưa ra một số biện pháp để cải thiện việc dạy và học tiếng Anh chuyên ngành du lịch cho sinh viên ngành Việt Nam học khoa Du lịch và Ngoại ngữ trường Đại học Sao Đỏ. Tôi hy vọng nó sẽ hữu ích cho quá trình dạy và học môn tiếng Anh chuyên ngành này.

Tác giả bài viết: Trần Thị Mai Hương

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập133
  • Hôm nay8,606
  • Tháng hiện tại140,813
  • Tổng lượt truy cập11,874,218
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây