KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

TÀI NGUYÊN DU LỊCH - TIỀM NĂNG CHO SỰ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH HẢI DƯƠNG

Thứ tư - 25/08/2021 16:03
Hải Dương là tỉnh nằm ở trung tâm châu thổ sông Hồng, nằm trong tam giác tăng trưởng du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên nhân văn. Tài nguyên du lịch ở đây là sự kết hợp hài hoà giữa tự nhiên và lịch sử - văn hóa.
          Với sự phân hóa về tự nhiên đã tạo cho Hải Dương có nhiều thắng cảnh đẹp như những khu rừng, hang động, sông hồ nơi có sức hấp dẫn rất lớn đối với khách du lịch và đã được du khách biết đến như: Côn Sơn - Phượng Hoàng, An Phụ - Kính Chủ, rừng hồ Bến Tắm, đảo cò Chi Lăng v.v…
          Cùng với sự đa dạng về tài nguyên du lịch tự nhiên, Hải Dương rất phong phú và đa dạng về tài nguyên du lịch nhân văn như các di tích lịch sử - văn hóa, các lễ hội truyền thống nơi ghi dấu những chứng tích lịch sử hào hùng và gắn liền với các danh nhân đời Lý - Trần - Lê … như Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Lê Hữu Trác, Chu Văn An v.v…
Bên cạnh đó, Hải Dương còn là mảnh đất tạo nên nhiều làng nghề truyền thống với những sản phẩm tinh xảo đã từng nổi tiếng từ nhiều thế kỷ. Hải Dương cũng chính là nơi có nền văn hoá dân gian đặc sắc của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng với loại hình nghệ thuật như: ca trù, hát chèo.
          Những lợi thế về tài nguyên này sẽ là điều kiện đặc biệt quan trọng để Hải Dương có thể phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như du lịch sinh thái, văn hoá, thể thao, nghỉ dưỡng v.v…
1. Vị trí địa lý
          Hải Dương là tỉnh thuộc đồng bằng Bắc Bộ, một trong 7 tỉnh, thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc với diện tích tự nhiên của toàn tỉnh là 1651.8km2 (chiếm 0,5% diện tích cả nước), bao gồm 1 thành phố, 1 thị xã và 10 huyện thị với 263 đơn vị hành chính cơ sở. Dân số năm 2009 của toàn tỉnh là 1703492 người, chiếm 2.04 % dân số cả nước.
          Hải Dương có vị trí thuận lợi, là điểm trung chuyển giữa thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng theo trục đường QL5 và đường sắt Hà Nội - Hải Phòng, cách Hải Phòng 45km về phía đông và cách thủ đô Hà Nội 57km về phía tây. Phía bắc có QL18 chạy qua nối sân bay quốc tế Nội Bài ra biển qua cảng biển Cái Lân. Đây sẽ là những điều kiện thuận lợi thúc đẩy giao lưu với các nước trong khu vực và thế giới, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển KT - XH nói chung và phát triển du lịch của tỉnh nói riêng.
          Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch quốc gia, Hải Dương nằm trong không gian trung tâm du lịch Hà Nội và vùng phụ cận thuộc vùng du lịch Bắc Bộ, với tiềm năng du lịch nổi trội như du lịch sinh thái, du lịch văn hoá, lễ hội, làng nghề độc đáo… Với vị trí gần trung tâm du lịch Hà Nội, Quảng Ninh - Hải Phòng cùng với sự thuận lợi về giao thông tạo điều kiện cho Hải Dương thu hút đông đảo lượng khách du lịch trong và ngoài nước. Do đó Hải Dương cần có những chiến lược phù hợp để khai thác tốt nhất những điều kiện thuận lợi do vị trí địa lý mang lại, để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, hoà nhập vào sự phát triển chung của vùng du lịch Bắc Bộ cũng như du lịch Việt Nam.
2. Tài nguyên du lịch
2.1. Tài nguyên du lịch tự nhiên
2.1.1. Địa hình
          Địa hình Hải Dương nghiêng và thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam và được chia làm 2 phần rõ rệt là: phần đồi núi thấp và phần đồng bằng.
          Phần đồi núi thấp chiếm khoảng 11% diện tích đất tự nhiên phân bố ở phía Bắc bao gồm khu vực thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn. Địa hình chủ yếu là đồi, núi thấp, độ cao trung bình dưới 1000m. Đây là khu vực địa hình được hình thành trên miền núi tái sinh có nền địa chất trầm tích Trung Sinh. Trong vận động Tân kiến tạo, vùng này được nâng lên với cường độ trung bình đến yếu. Vùng đồng bằng chiếm 89% diện tích tự nhiên, thuộc lưu vực sông Thái Bình với độ cao trung bình từ 3 - 4m. Vùng được hình thành do quá trình tự bồi đắp phù sa của sông Thái Bình và sông Hồng, đất đai tương đối bằng phẳng. Có thể đánh giá, địa hình Hải Dương không phức tạp song cũng có một số dạng địa hình đặc biệt có giá trị khai thác cho du lịch như:
- Dạng địa hình đồi núi thấp
          Đây là dạng địa hình có ý nghĩa lớn nhất đối với sự phát triển của hoạt động du lịch của tỉnh, nơi thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động du lịch như: tham quan, thể thao, cắm trại, xây dựng các khu an dưỡng, sân golf…
Các khu vực tiêu biểu cho dạng địa hình này như: Khu vực đồi núi thấp Chí Linh với các dãy núi thấp ở khu Côn Sơn (Kỳ Lân 200m, Ngũ Nhạc 238m) với nhiều đỉnh mà từ đó có thể nhìn thấy toàn cảnh non nước Côn Sơn và vùng núi kế cận. Ngoài ra còn các núi như Phượng Hoàng, ngọn Nam Tào, Bắc Đẩu… đều là những địa danh có giá trị đối với hoạt động du lịch; Khu vực núi An Phụ (Kinh Môn) có hướng Tây Bắc - Đông Nam với chiều dài 14km. Dãy núi có nhiều đỉnh nhỏ, với các khe đèo có tên tuổi như: đèo Mông, khe Gạo… Đỉnh cao nhất là đỉnh Yên Phụ (246m) mang dáng vẻ uy nghi, sừng sững do nằm sát vùng đồng bằng thấp và bằng phẳng. Đứng trên đỉnh núi phóng tầm nhìn thấy xa xa về phía Đông Bắc là đỉnh Yên Tử cao ngút tầng mây, gần hơn là dãy núi đá vôi Dương Nham (Kính Chủ) như một hòn non bộ khổng lồ giữa mênh mông sóng lúa của thung lũng Kinh Thầy tạo nên một bức tranh sơn thuỷ hữu tình. Nhìn về phía Tây Nam của đỉnh Yên Phụ có thể bao quát toàn bộ miền đồng bằng châu thổ bát ngát của Hải Dương với sông ngòi uốn khúc quanh co nối tiếp nhau như những dải lụa.
          Một điểm đáng lưu ý khi nghiên cứu dạng địa hình đồi núi cho phát triển du lịch Hải Dương là hầu hết các đỉnh núi ở đây thường gắn liền với các di tích lịch sử, cuộc đời và sự nghiệp của các danh nhân văn hoá, các anh hùng dân tộc…như: Côn Sơn với Nguyễn Trãi; Kiếp Bạc với Trần Hưng Đạo; Đền Cao với An Sinh Vương Trần Liễu …chính điều này đã góp phần làm tăng thêm sức hấp dẫn đối với khách du lịch.
- Địa hình Karst
          Dạng địa hình Karst ở Hải Dương không nhiều, tập trung ở khu vực Nhị Chiểu, dãy núi Dương Nham (Kinh Môn). Tuy nhiên các dạng địa hình Karst ở đây lại có những nét độc đáo riêng trong đó đáng chú ý là những khối sót lởm chởm đá tai mèo và hệ thống hang động thuộc khu di tích quốc gia Động Kính Chủ đã được mệnh danh là “Nam thiên đệ lục động”.
Nam thiên đệ lục động
          Khu vực Nhị Chiểu có tổng thể 32 hang động Karst, trong đó có nhiều hang động đẹp có giá trị du lịch như hang Hàm Long, hang Tâm Long, hang Đốc Tít… nhiều hang động còn gắn với các di chỉ khảo cổ gắn liền với lịch sử hình thành người Việt cổ, là căn cứ kháng chiến của nhiều cuộc chiến tranh chống quân xâm lược. Bộ phận đồi núi thấp của Hải Dương tuy chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong tổng diện tích tự nhiên, song lại có vai trò và tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch của tỉnh. Với những đặc điểm địa hình vùng đồi núi như vậy rất thích hợp cho việc tổ chức các loại hình du lịch tham quan thắng cảnh, tìm hiểu lịch sử, văn hóa truyền thống; du lịch sinh thái; du lịch thể thao, leo núi, cắm trại v.v…
2.1.2. Khí hậu
          Cũng như các tỉnh thuộc đồng bằng châu thổ sông Hồng, Hải Dương nằm trong miền khí hậu nhiệt đới gió mùa, ẩm với hai mùa: mùa hè nóng, mưa nhiều và mùa đông tương đối lạnh, ít mưa.
          Sự phối hợp của địa hình và hoàn lưu gió mùa đông bắc, tây nam đã tạo sự phân hoá của khí hậu Hải Dương thành 2 vùng khí hậu đồng bằng và vùng khí hậu bán sơn địa. Sự phân hoá tuy không thật rõ rệt, song cũng tạo điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch tham quan, nghỉ mát trên núi… vào những khoảng thời gian thích hợp.
          Về chế độ nhiệt, hàng năm Hải Dương nhận được lượng bức xạ mặt trời phong phú với lượng bức xạ tổng cộng trung bình là 116.4kcal/cm2, cán cân bức xạ vượt trên 70kcal/cm2năm. Nhiệt độ không khí trung bình hàng năm là 23.30C và phân hóa theo mùa. Mùa hạ (từ tháng 5 đến tháng 10) nhiệt độ trung bình khoảng 250C, tháng nóng nhất là tháng 7 (28.40C). Mùa đông (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) nhiệt độ trung bình khoảng 18 - 200C, tháng 2 có nhiệt độ trung bình thấp nhất (16.60C).
          Đối với chế độ mưa, Hải Dương có lượng mưa trung bình từ 1400 - 1700mm. Khu vực mưa ít là vùng đồi núi thấp (lượng mưa trung bình năm khoảng 1400 - 1500mm), khu vực mưa nhiều là vùng đồng bằng với lượng mưa trung bình khoảng 1700mm.
          Chế độ mưa ở Hải Dương cũng được chia làm 2 mùa rõ rệt: Mùa mưa (Tháng 4 đến tháng 10) tập trung khoảng từ 80 – 85% lượng mưa cả năm. Mùa cạn (từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau) lượng mưa trung bình thấp chỉ khoảng 60 – 70mm, chiếm từ 15 – 20% tổng lượng mưa cả năm.
          Chế độ ẩm, độ ẩm tương đối trung bình của Hải Dương rất cao khoảng 85 - 87%. Thời kỳ ẩm nhất xảy ra vào cuối đông, thời kỳ khô nhất xảy ra vào đầu mùa đông. Tuy nhiên, sự chênh lệch về độ ẩm giữa hai thời kỳ này là không đánh kể.
          Nhìn chung khí hậu Hải Dương rất thuận lợi cho hoạt động du lịch ở mức độ khác nhau. Với những đặc điểm khí hậu ở Hải Dương, hàng năm có 5 tháng rất thích hợp với sức khoẻ con người (nhiệt độ trung bình tháng:15 - 24oC, độ ẩm:14mb - 21mb); 2 tháng có điều kiện tương đối thích hợp cho sức khoẻ con người và có khả năng thuận lợi cho phát triển du lịch; 5 tháng thời tiết oi bức (nhiệt độ: 28 - 29oC, độ ẩm tuyệt đối trên 28mb).
           Bên cạnh đó, một số dạng thời tiết đặc biệt như bão, áp thấp nhiệt đới (từ tháng 4 đến tháng 11), gió mùa đông bắc (từ tháng 11 đến tháng 5 năm sau) đã gây trở ngại cho hoạt động du lịch.
2.1.3. Nguồn nước
          Hải Dương có mạng lưới sông ngòi dày đặc và rải đều trên phạm vi toàn tỉnh với nhiều sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình như: sông Thái Bình, sông Luộc, sông Kinh Thầy, sông Mía, sông Kinh Môn, sông Văn Úc…Cùng với hệ thống sông chính còn có các sông đào như sông Cửu An, sông Sặt, sông Đình Đào, sông Cậy v.v…
          Do đặc điểm của địa hình, các dòng chảy của các sông lớn qua địa phận Hải Dương đều theo hướng Tây Bắc - Đông Nam và thuộc phần hạ lưu nên lòng sông thường rộng và không sâu, tốc độ dòng chảy chậm hơn phía thượng lưu.
          Đối với hoạt động du lịch, 16 tuyến sông chính nối với các sông nhỏ dài 400km cho phép tàu thuyền 500 tấn qua lại dễ dàng là điều kiện thuận lợi để Hải Dương đẩy mạnh hình thành và phát triển các tour du lịch bằng đường sông.
          Bên cạnh hệ thống sông ngòi, Hải Dương còn có diện tích hồ, ao, đầm khá lớn như: hồ Bến Tắm, hồ Côn Sơn, hồ Mật Sơn, hồ Bình Giang (Chí Linh); hồ Bạch Đằng (Tp Hải Dương), hồ An Dương (Thanh Miện)… Hệ thống hồ với đặc điểm thủy văn kết hợp với cảnh quan thiên nhiên là những điểm du lịch vui chơi, giải trí với nhiều hoạt động du lịch lý thú như bơi thuyền, câu cá, vãn cảnh…Một số hồ đã khai thác nhiều cho hoạt động dịch vụ như hồ Bạch Đằng - trung tâm vui chơi, giải trí của Tp Hải Dương; hồ An Dương (Thanh Miện) với sự phong phú về nguồn thuỷ sản và cư trú của hàng ngàn con cò, hiện đang là điểm du lịch sinh thái hấp dẫn của tỉnh.
          Ngoài nguồn nước mặt dồi dào, Hải Dương còn có một trữ lượng nước ngầm khá phong phú. Đối với hoạt động du lịch, nước ngầm có ý nghĩa cung cấp nước cho sinh hoạt khi đi du lịch và trực tiếp tạo ra các loại hình du lịch. Lượng nước ngầm tại các giếng khoan từ 30 - 50m3/ngày đêm. Nguồn nước ngầm ở Hải Dương nằm chủ yếu trong tầng chứa nước lỗ hổng Plutôxen, hàm lượng Cl < 200mg/l. Tầng khai thác phổ biến ở độ sâu trung bình từ 40 - 120m, có thể khai thác phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Ngoài ra còn phát hiện một số tầng nước ngầm có độ sâu từ 250 - 350m, nước có chất lượng tốt và trữ lượng lớn có thể khai thác phục vụ các mục địch khác nhau.
          Đáng chú ý là nguồn nước khoáng Thạch Khôi (Gia Lộc), mạch nước khoan ở độ sâu khoảng 800m, nhiệt độ nước là 440C, thành phần khoáng hoá chứa nhiều muối i-on và các nguyên tố vi lượng quý, có giá trị chữa bệnh cao có thể phát triển loại hình du lịch chữa bệnh.
2.1.4. Sinh vật
          Hải Dương hiện có hơn 10.6 nghìn ha rừng, bao gồm 1540.3ha rừng đặc dụng, 4718.4ha rừng phòng hộ và 4371.3ha rừng sản xuất. Rừng tập trung chủ yếu ở khu vực thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn, tuy nhiên có giá trị và quan trọng hơn cả là thảm thực vật khu vực thị xã Chí Linh. Rừng ở đây chủ yếu là kiểu rừng nhiệt đới ẩm, thường xanh ở đai núi thấp với thành phần loài khá phong phú và đa dạng bao gồm 117 họ, 304 chi và 400 loài thực vật.
          Khu di tích Côn Sơn còn có nhiều rừng thông mã vĩ, có cây tuổi đến vài thế kỷ. Ngoài ra còn có các loài khác như trúc, nứa, sim, mua, mẫu đơn tạo phong cảnh hữu tình, thu hút du khách gần xa
          Cây dược liệu đặc biệt phong phú với 128 loại chiếm 32% tổng số loài thực vật hiện có, cao hơn tỷ lệ của cả nước (28%). Trong lịch sử, Kiếp Bạc được Trần Hưng Đạo chọn làm nơi xây dựng “Dược Sơn” cung cấp dược liệu chữa vết thương cho quân lính cũng như cung cấp cho triều đình nhà Trần.
          Cùng với thảm thực vật rừng phong phú, rừng còn là nơi bảo tồn nhiều loài động vật. Nhiều loại động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam như cu li lớn, gấu ngựa, beo lửa, sóc bay lớn, tê tê vàng.
          Sự phong phú về thảm thực vật rừng và động vật với nhiều loại quý hiếm là sức hấp dẫn lớn đối với khách du lịch. Bên cạnh đó rừng còn góp phần tạo cảnh quan thiên nhiên đẹp, hài hoà cho một vùng có các di tích lịch sử - văn hoá đã được xếp hạng như đền Kiếp Bạc, chùa Côn Sơn, chùa Thanh Mai v.v…
          Đặc biệt, Hải Dương có làng Cò – Vạc ở Chi Lăng Nam (Thanh Miện). Đảo cò với hàng trăm loài cò, le le, mòng két, vạc… bay rợp trời giữa một đầm hồ mênh mông như một bức tranh thiên nhiên hoang dã tạo sức thu hút đối với du khách.
          Như vậy, tài nguyên sinh vật của tỉnh tuy không thực sự phong phú và nổi tiếng song lại có sự độc đáo, sức hấp dẫn riêng, tạo điều kiện để phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch dã ngoại, vãn cảnh, leo núi, du lịch sinh thái, thể thao, du lịch tâm linh gắn liền với tham quan nghỉ dưỡng.
2.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
2.2.1. Các di tích lịch sử - văn hoá
          Hải Dương là vùng đất phát triển gắn liền với lịch sử phát triển đất nước. Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã để lại cho vùng đất này một tài sản vô giá với hàng nghìn di tích lịch sử - văn hoá. Đây là vùng đất đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân như Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, nơi sinh ra và lớn lên của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh.
          Theo thống kê, hiện nay Hải Dương có 1098 di tích đã được kiểm kê, đăng kí, bảo vệ trong đó với 203 di tích và cụm di tích được xếp hạng quốc gia (chiếm 4% tổng số di tích được xếp hạng của cả nước) tính đến 31/12/2007. Trong số những di tích đã xếp hạng có 102 đình, 36 chùa, 35 đền, 3 nhà thờ họ, và 27 di tích khác (miếu, cầu đá, di tích lịch sử cách mạng, danh thắng, lăng mộ…).
          Với tổng diện tích tự nhiên 1651.8km2, mật độ di tích trung bình của tỉnh đạt 1.23 di tích/10km2 (trung bình của cả nước:0.3 – 0.4 di tích/10km2). Có thể đánh giá mức độ tập trung di tích của Hải Dương là khá cao và các di tích phân bố trải rộng trên địa bàn của toàn tỉnh. Đây là yếu tố rất thuận lợi cho hoạt động tham quan du lịch, nghiên cứu văn hoá lịch sử của khách du lịch.
          Các di tích lịch sử và danh thắng tiêu biểu tại Hải Dương đều có những nét kiến trúc độc đáo, có sự giao thoa giữa kiến trúc cổ và hiện đại, kiến trúc phương Đông và phương Tây. Nhiều di tích có giá trị có thể khai thác phục vụ hoạt động du lịch, trong đó có 2 di tích được Bộ VHTT&DL xếp hạng đặc biệt quan trọng của quốc gia là Côn Sơn và Kiếp Bạc.
2.2.2. Các lễ hội truyền thống
          Hải Dương là nơi có nhiều lễ hội, ngoài những lễ hội chung của cả nước còn có những lễ hội mang đậm bản sắc đặc trưng của địa phương. Các lễ hội thường diễn ra ở nơi có di tích lịch sử - văn hoá, góp phần thu hút đông đảo khách du lịch: hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh); hội Đền quan lớn Tuần Tranh (Đồng Tâm – Ninh Giang); hội Đền Yết Kiêu (Yết Kiêu – Gia Lộc); hội Đền Cao (An Lạc – Chí Linh); hội Đền An Phụ (Kinh Môn) v.v…Các lễ hội thường diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhất vào mùa xuân.
Một số lễ hội chính thu hút khách du lịch của tỉnh:
TT Tên lễ hội Địa điểm Thời gian Nội dung
1 Lễ hội Côn Sơn P.Cộng Hòa, Chí Linh 16-22/1 - Tưởng niệm Huyền Quang, Nguyễn Trãi
- Trò chơi đấu vật, cờ tướng, hát giao duyên
2 Lễ hội Kiếp Bạc Hưng Đạo, Chí Linh 20/8 - Lễ rước Đức Thánh Trần
- Trò chơi đua thuyền, thủy chiến, bơi chải, đấu vật
3 Lễ hội Đền Cao An Lạc, Chí Linh 22-24/1 - Lễ tưởng nhớ 5 anh em họ Vương
4 Lễ hội đền Gốm Cổ Thành, Chí Linh 13-21/8 - Tưởng nhớ vị tướng Trần Khánh Dư
- Trò chơi đua thuyền
4 Lễ hội pháo đất Minh Đức, Tứ Kỳ Tháng 3 - Lễ hội cầu Voi, cầu sấm, cầu mưa
5 Lễ hội đề An Phụ An Phụ, Kinh Môn 1/4 - Tưởng niệm An Sinh Vương Trần Liễu
6 Hội đền Yết Kiêu Yết Kiêu, Gia Lộc 15/1 - Tưởng niệm danh tướng Yết Kiêu
- Múa tứ linh, đàn bát cống, đánh cờ, đánh đáo đĩa …
7 Hội đền Quan lớn Đồng Tâm, Ninh Giang 25/2 - Cúng thần sông
- Hát chầu văn
       
 
 
2.2.3. Các tài nguyên du lịch nhân văn khác
- Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học
          Hải Dương là tỉnh có dân số vào loại trung bình, tổng dân số 1703492 người, chiếm 2.04% dân số cả nước. Dân cư sinh sống trên địa bàn tỉnh chủ yếu là người Kinh, ngoài ra còn có sự cư trú của một bộ phận nhỏ các dân tộc thiểu số như người Hoa, Tày, Mán, Sán Dìu… Tuy nhiên do số lượng người dân tộc là rất nhỏ nên ít tạo được những nét độc đáo riêng, hấp dẫn để thu hút khách du lịch.
          Yếu tố văn hoá, nhân văn được đánh giá có sức hấp dẫn hơn cả là vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng của người dân nơi đây. Hải Dương là một trong những trung tâm lớn của Thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn - Yên Tử - Quỳnh Lâm). Bên cạnh đó, Hải Dương cũng là mảnh đất có nền văn hoá dân gian đặc sắc thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc như: hát chèo, hát tuồng ở Thạch Lỗi (Cẩm Giàng); hát đối ở Gia Xuyên (Gia Lộc); hát trống quân ở Tào Khê (Bình Giang); xiếc ở Thanh Miện, Ninh Giang; múa rối ở Thanh Hào (Thanh Hà), Lê Lợi (Gia Lộc), Hồng Phong (Ninh Giang) v.v…
          Có thể nói yếu tố dân tộc học đã góp phần không nhỏ vào tổng thể nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh, góp phần thu hút du khách, tạo sức mạnh cho phát triển du lịch tỉnh Hải Dương trong hiện tại và tương lai.
- Nghề và các làng nghề truyền thống
          Hải Dương là quê hương của nhiều nghề truyền thống nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Theo số liệu thống kê của Sở văn hoá thông tin và bảo tàng Hải Dương, toàn tỉnh hiện có khoảng 35 nghề và làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm độc đáo, nổi tiếng. Việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống tạo điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần cải thiện kinh tế địa phương, giữ gìn bản sắc văn hoá, lịch sử, đồng thời làm phong phú thêm tiềm năng du lịch cho tỉnh.
          Một số làng nghề thủ công truyền thống của Hải Dương như :Làng Gốm Chu Đậu (Chu Đậu, Nam Sách); làng vàng bạc Châu Khê (Thúc Kháng, Bình Giang); làng nghề trạm khắc gỗ Đông Giao (Lương Điền, Cẩm Giàng); nghề thêu ren Tứ Kỳ (Hưng Đạo, Tứ Kỳ) v.v…
- Ẩm thực
          Cũng như nhiều làng quê Bắc Bộ khác, khách du lịch đến với Hải Dương còn có cơ hội được thưởng thức nét văn hoá ẩm thực phong phú với bánh đậu xanh Hải Dương, bánh gai Ninh Giang, vải thiều Thanh Hà… từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước.
Như vậy, có thể đánh giá, Hải Dương có tiềm năng rất lớn về tài nguyên du lịch. Là tỉnh có vị trí địa lý rất thuận lợi - nằm ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng, trong tam giác tăng trưởng kinh tế và du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Hải Dương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn. Đây được coi là một tiền đề, là cơ sở để phát triển du lịch với sự đa dạng về loại hình du lịch như du lịch văn hoá, tham quan, nghỉ dưỡng, sinh thái, du lịch cuối tuần v.v…Tuy nhiên hiện nay công tác tổ chức, quản lý, khai thác nguồn tài nguyên còn chưa hợp lí, hiệu quả kinh tế do du lịch đem lại còn chưa cao. Hoạt động du lịch còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp, chủ yếu còn dựa trên cơ sở khai thác các tài nguyên sẵn có, đầu tư cơ sở vật chất còn ở mức khiêm tốn, thiếu đồng bộ nên chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng riêng và hấp dẫn khách du lịch. Vì vậy, du lịch Hải Dương chưa thu hút được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
 
Tài liệu tham khảo
2. Phạm Trung Lương và nnk. Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam, NXB Giáo dục, 2000.
4. Nguyễn Minh Tuệ và nnk: Địa lý du lịch, NXB TP. Hồ Chí Minh, 1999.
5. Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hải Dương đến năm 2020, Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Hải Dương.
6. Quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH tỉnh Hải Dương đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương.
Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2008), Địa chí Hải Dương - tập I, Nxb chính trị quốc gia, Hà Nội.

Tác giả bài viết: Nguyễn Đăng Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Bạn biết khoa Du lịch & Ngoại ngữ - Trường Đại học Sao Đỏ qua kênh nào?

NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập98
  • Hôm nay25,313
  • Tháng hiện tại348,069
  • Tổng lượt truy cập7,418,687
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây