KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

MỐI QUAN HỆ MÔI TRƯỜNG DU LỊCH VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH

Thứ sáu - 02/07/2021 10:52
Du lịch là ngành kinh tế đã và đang chiếm giữ một vị trí quan trọng, đóng góp đánh kể trong tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó còn góp phần thực thi chiến lược hoà bình, hợp tác hữu nghị giữa các nước trên thế giới.
Trong quá trình phát triển, ngành du lịch đã và đang bộc lộ những mặt hạn chế như việc quản lý và sử dụng chưa hợp lý tài nguyên, đặc biệt những vấn đề về môi trường. Do đó, cần phát triển du lịch một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hài hoà với các ngành sản xuất, kinh tế khác và bảo vệ được môi trường.
Nguyễn Đăng Tiến, Khoa DL & NN
 
1. Đặt vấn đề
        Du lịch là ngành kinh tế đã và đang chiếm giữ một vị trí quan trọng, đóng góp đánh kể trong tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia. Bên cạnh đó còn góp phần thực thi chiến lược hoà bình, hợp tác hữu nghị giữa các nước trên thế giới.
Trong quá trình phát triển, ngành du lịch đã và đang bộc lộ những mặt hạn chế như việc quản lý và sử dụng chưa hợp lý tài nguyên, đặc biệt những vấn đề về môi trường. Do đó, cần phát triển du lịch một cách bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, hài hoà với các ngành sản xuất, kinh tế khác và bảo vệ được môi trường.
        Đối với ngành du lịch, môi trường là không gian tổ chức, triển khai các hoạt động du lịch và là những tài nguyên tạo ra các sản phẩm du lịch, đảm bảo cho sự tồn tại của ngành du lịch. Chính vì vậy, việc tìm hiểu các vấn đề về môi trường du lịch, mối quan hệ với phát triển du lịch không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn ý nghĩa thực tiễn rất lớn.
2. Môi trường du lịch với phát triển du lịch
2.1. Quan niệm về môi trường du lịch
        Khái niệm môi trường du lịch theo nghĩa rộng bao gồm các nhân tố về tự nhiên, kinh tế xã hội và nhân văn trong đó hoạt động du lịch tồn tại và phát triển.
        Như vậy, môi trường du lịch được xem xét tới bao gồm: môi trường du lịch tự nhiên, môi trường kinh tế xã hội và môi trường du lịch nhân văn.
        Môi trường du lịch tự nhiên : bao gồm:
        Môi trường địa chất : Là các tai biến địa chất có ảnh hưởng tới hoạt động du lịch như sụt lún, trượt lở, động đất....
Môi trường nước: Khả năng cấp nước và chất lượng nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí, tắm biển và nghỉ dưỡng của du khách.
        Môi trường không khí: Mức độ ô nhiễm không khí, mức độ thuận lợi và thích hợp của thời tiết và khí hậu đối với việc tổ chức các hoạt động du lịch, nghỉ dưỡng phục hồi sức khoẻ của du khách.
        Môi trường sinh học: Tính đa dạng sinh học, cảnh quan rừng tạo hấp dẫn đối với du khách.
        Các sự cố môi trường: lũ quét, cháy rừng, tràn dầu…ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp tới hoạt động du lịch.
        Môi trường kinh tế - xã hội cần được xem xét chủ yếu là thể chế chính sách, trình độ phát triển khoa học công nghệ, mức độ phát triển cơ sở hạ tầng, mức sống của dân cư, tổ chức xã hội và quản lí môi trường.
        Môi trường du lịch nhân văn: dân cư, dân tộc, truyền thống và quan hệ cộng đồng, trình độ văn minh và dân trí, chất lượng cuộc sống dân cư lao động và trình độ nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ du lịch.
2.2. Quan hệ và tác động giữa môi trường du lịch và phát triển du lịch
        Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, sự tồn tại phát triển của nó gắn liền với môi trường mà bản chất là sự khai thác môi trường để phục vụ du lịch và sự tác động trở lại góp phần làm thay đổi các đặc tính của môi trường. Các mối quan hệ này thuận nghịch, xoay vòng phức tạp.
2.2.1. Các kiểu quan hệ
Quan hệ cùng tồn tại: Mối quan hệ giữa du lịch và bảo tồn tồn tại một cách độc lập hoặc có quan hệ rất hạn chế. Thường đây là giai đoạn đầu của phát triển du lịch khi mức độ sử dụng tài nguyên và các tác động đến môi trường còn thấp. Tuy nhiên, du lịch là một ngành kinh tế nên tuân theo qui luật vận động và phát triển. Do vậy, kiểu quan hệ này khó duy trì lâu dài bởi du lịch càng phát triển thì mức độ sử dụng nguồn tài nguyên càng cao và rõ rệt hơn.
Quan hệ cộng sinh: Trong mối quan hệ này, du lịch và bảo tồn đều nhận được những lợi ích và có sự hỗ trợ lẫn nhau. Trong quá trình phát triển, các giá trị của tự nhiên được bảo tồn, thậm chí được cải thiện tốt hơn trong khi đó số khách du lịch vẫn tăng lên, chất lượng du lịch được đảm bảo, đem lại lợi ích kinh tế, góp phần nâng cao giá trị bảo tồn. Như vậy đã đem lại lợi ích cho cả du lịch và môi trường phù hợp với yêu cầu của sự phát triển bền vững trong du lịch.
Quan hệ mâu thuẫn: Mối quan hệ này xảy ra khi du lịch phát triển quá mức không quan tâm đến bảo tồn. Đây là kiểu phát triển ồ ạt, chỉ quan tâm tới những lợi ích kinh tế trước mắt trong khi chưa có các qui hoạch thận trọng, quan tâm đến bảo tồn. Cùng một môi trường nhưng chịu sự tác động của nhiều ngành khác nhau dẫn tới mâu thuẫn về xu hướng và lợi ích giữa các ngành.
Quan hệ xung đột: Xảy ra khi môi trường và du lịch mâu thuẫn quá mức, sự tranh chấp về lợi ích giữa các ngành khó tìm được giải pháp trung hoà thoả đáng. Khi có quan hệ xung đột sẽ gây thiệt hại cho cả ngành du lịch, các ngành kinh tế trên lãnh thổ và môi trường tự nhiên, xã hội của lãnh thổ đó.
Như vậy, du lịch có khả năng kích thích sự bảo tồn tài nguyên, mặt khác nó góp phần làm suy thoái môi trường. Chỉ có du lịch được quy hoạch, quản lí trên cơ sở khoa học sẽ tạo ra được mối quan hệ cộng sinh với môi trường.
2.2.2. Tác động giữa môi trường du lịch và phát triển du lịch
* Tác động tích cực
        - Đối với môi trường tự nhiên
        Bổ sung vẻ đẹp cảnh quan cho khu vực phát triển du lịch nếu như công trình được phối hợp hài hoà.
Góp phần cải thiện các điều kiện vi khí hậu nhờ các dự án thường có yêu cầu tạo thêm các công viên cảnh quan, hồ nước, thác nước nhân tạo...
        Góp phần đảm bảo chất lượng nước trong và ngoài khu vực phát triển du lịch nếu như các giải pháp trong cấp thoát nước được áp dụng. Đặc biệt trong trường hợp khu vực phát triển du lịch nằm ở thượng nguồn các lưu vực sông, vấn đề giữ gìn nguồn nước sẽ đạt hiệu quả tốt hơn nếu như các hoạt động phát triển tại đây được quy hoạch và xử lí kỹ thuật hợp lí.
        Góp phần làm tăng thêm mức độ đa dạng sinh học tại những điểm du lịch nhờ các dự án có phát triển công viên cây xanh, khu nuôi chim thú...hoặc bảo tồn các đa dạng sinh học thông qua các hoạt động nuôi trồng nhân tạo phục vụ du lịch.
        Tăng hiệu quả sử dụng đất nhờ những dự án nơi các hoạt động phát triển du lịch cần đến các quĩ đất còn bỏ hay sử dụng không có hiệu quả.
        Giảm sức ép do khai thác tài nguyên quá mức từ các hoạt động dân sinh kinh tế trong những dự án phát triển du lịch tại các khu vực nhạy cảm như : vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên v.v…
        Hạn chế các lan truyền ô nhiếm cục bộ trong khu vực nếu như các giải pháp kĩ thuật đồng bộ được áp dụng hợp lí.
        - Đối với môi trường kinh tế - xã hội và nhân văn
        Các lợi ích về kinh tế như: Cải thiện cán cân thương mại quốc gia; Tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới; Quảng bá cho sản phẩm địa phương; Tăng nguồn thu cho Nhà nước; Tạo cơ sở giúp phát triển các vùng đặc biệt; Khuyến khích nhu cầu nội địa.
        Góp phần tăng trưởng kinh tế khu vực
        Tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho một bộ phận cộng đồng dân cư địa phương (tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào các hoạt động du lịch)
        Góp phần cải thiện điều kiện về hạ tầng và dịch vụ xã hội cho dân địa phương: Y tế, vui chơi giải trí...kèm theo các hoạt động phát triển du lịch.
        Góp phần thúc đẩy, khôi phục các làng nghề và nghề truyền thống
        Bảo tồn và phát triển văn hoá truyền thống (dân ca, nhạc cụ dân tộc, tập quán...)
        Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giao lưu văn hoá giữa các dân tộc và cộng đồng.
* Tác động tiêu cực
        - Tác động đối với môi trường tự nhiên
        Các hoạt động leo núi, tham quan hang động, thu lượm mẫu đã, khoáng sản làm kỉ niệm…có thể làm ảnh hưởng, mất dấu vết địa chất và ảnh hưởng tới lớp phủ mùn thực vật. Việc xây dựng các cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch đã làm thay đổi địa hình.
        Việc sử dụng các phương tiện vận chuyển (ôtô, tầu hỏa, máy bay, tầu thuyền …), các thiết bị làm lạnh (điều hòa, tủ lạnh…) và vấn đề rác thải…đã làm ô nhiễm môi trường không khí, góp phần làm biến đổi khí hậu khu vực và toàn cầu.
Ảnh hưởng tới chất lượng nguồn nước kể cả nước mặt và nước ngầm do việc sử dụng nước cho sinh hoạt, nước cho các hoạt động du lịch, quá tải trong xử lý xả thải, đặc biệt thời mùa du lịch.
        Việc xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch làm tăng sức ép lên quĩ đất, đặc biệt khu vực ven biển, các khu đô thị lớn. Ngoài ra, làm tăng nguy cơ xói mòn đất, sa mạc hóa làm phá vỡ cảnh quan.
        Một số hoạt động như vui chơi, giải trí, săn bắn và việc sử dụng sản phẩm từ sinh vật đã làm suy thoái tính đa dạng sinh học của vùng về số lượng loài, số lượng cá thể, nguồn gen, nơi sống và hệ sinh thái. Tạo điều kiện một số loài mới phát triển, nhập cư loài ngoại lai gây nguy cơ phá vỡ hệ sinh thái vốn có, làm thay thế các loại đặc sắc. Tài nguyên thiên nhiên như các rạn san hô, các vùng rong biển, các khu rừng ngập mặn, các hệ động vật biển...bị biến mất hoặc biến đổi theo chiều hướng xấu.
        - Tác động đối với môi trường kinh tế- xã hội và nhân văn
        Du lịch có tính thời vụ nên lao động và hoạt động kinh doanh cũng mang tính thời vụ làm mất ính ổn định về việc làm cũng như thu nhập cho người lao động. Sự phụ thuộc kinh tế vào du lịch làm thay đổi cơ cấu sản xuất, giá cả và nó ảnh hưởng đến mọi người dân của địa điểm du lịch
        Sự phân hóa phân phối lợi nhuận từ du lịch dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh.
        Phát triển gây lấn át các ngành kinh tế khác.
        Phát triển du lịch không kiểm soát có thể nảy sinh những thay đổi và phá vỡ trật tự xã hội, làm mất dần thuần phong mỹ tục, xói mòn nền văn hóa địa phương. Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cư dễ bị biến đổi do tiếp xúc văn hóa, thị trường hóa các hoạt động văn hóa, tương phản về lối sống. Các di sản văn hóa lịch sử, khảo cổ bị xuống cấp do chúng phân bố trên diện tích hẹp và được xây dụng bằng các vật liệu dễ bị hủy hoại do tác động của môi trường.
        Do tính chất mùa vụ trong hoạt động du lịch, tại mùa du lịch, các nhu cầu có thể vượt quá khả năng đáp ứng (nước, năng lượng, hệ thống xử lí môi trường, hàng hóa, giao thông...) của địa phương. Từ đó làm giảm chất lượng dịch vụ phục vụ du khách và cả nhân dân địa phương.
        Các hoạt động du lịch chuyên đề như khảo cổ học có thể nảy sinh mâu thuẫn với các hoạt động tín ngưỡng truyền thống ở địa phương.
        Việc xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch có thể làm phá vỡ cảnh quan tự nhiên, văn hóa - xã hội và các vấn đề khác như tái định cư v.v…
        Lan truyền các tiêu cực xã hội, bệnh tật một cách ngoài ý muốn. Các tệ nạn xã hội như tội phạm, cờ bạc, nghiện hút, rượu chè, mại dâm mà du lịch có thể là một trong những nguyên nhân tạo ra những căng thẳng về văn hóa - xã hội.
        Mâu thuẫn dễ nảy sinh giữa những người làm du lịch với dân ở địa phương do việc phân bố lợi ích và chi phí của du lịch trong nhiều trường hợp chưa được công bằng. Mặt khác cũng góp phần làm gia tăng khoảng cách giàu, nghèo.
        Ngoài ra cũng nảy sinh những nhu cầu mới trong đảm bảo an ninh quốc gia và an toàn xã hội. Đặc biệt khi mối quan hệ giữa du khách và cư dân cư phương trở nên “bức bối, khó chịu” sẽ dẫn đến những thái độ tiêu cực của người dân đối với du khách cũng như ngành du lịch.
3. Kết luận
        Hoạt động phát triển du lịch luôn gắn liền với việc khai thác các tiềm năng tài nguyên môi trường tự nhiên như cảnh đẹp hùng vĩ của núi, sông, biển… và các giá trị văn hoá, nhân văn. Sự đa dạng và thuận lợi trong môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế-xã hội và nhân văn tạo tiền đề tốt cho sự phát triển du lịch.
        Tài nguyên, môi trường luôn chịu những tác động của hoạt động kinh tế - xã hội, trong đó bao gồm hoạt động phát triển du lịch. Mối quan hệ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng đóng vai trò quan trọng hơn cả là mức độ sử dụng, quản lí nguồn tài nguyên và môi trường. Quá trình phát triển du lịch không thể không tránh khỏi những tác động có thể là tích cực, có thể là tiêu cực đến môi trường.
        Để phát triển du lịch bền vững cần có những định hướng, giải pháp trước mắt và lâu dài trong khai thác và bảo vệ môi trường, tài nguyên nhằm bảo vệ, giữ gìn, tôn tạo và phát triển môi truờng sống nói chung và môi truờng du lịch nói riêng
Tài liệu tham khảo
1. Trương Quang Hải, Nguyễn Thị Hải (2006). Kinh tế Môi trường. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội. Hà Nội.
2. Phạm Ngọc Hổ, Hoàng Xuân Cơ (2000). Đánh giá tác động môi trường. NXB Đại học quốc gia Hà Nội.
3. Nguyễn Đình Hoè (2007). Môi trường và Phát triển bền vững. NXB Giáo dục. Hà Nội.
4. Lê Văn Khoa và nnk (2007). Khoa học môi trường. NXB Giáo dục.
5. Phạm Trung Lương và nnk (1996). Du lịch sinh thái. NXB Tp. Hồ Chí Minh.
6. Phạm Trung Lương, Đặng Duy Lợi và nnk (2000). Tài nguyên và Môi trường du lịch Việt Nam. NXB Giáo dục.
7. Nguyễn Minh Tuệ và nnk (1997). Địa lí du lịch Việt Nam. NXB Tp. Hồ Chí Minh.
8. Các trang Web: https://www.google.com.vn/; https://www.cangioresort.com/; https://www.thiennhien.com/;https://www.gso.gov.vn/‎;https://www.vietnamtourism.gov.vn/‎
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đăng Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập63
  • Hôm nay7,563
  • Tháng hiện tại139,770
  • Tổng lượt truy cập11,873,175
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây