1. Du lịch cộng đồng
Thuật ngữ “du lịch cộng đồng” xuất phát từ hình thức du lịch làng bản khởi nguồn vào những năm 1970, lúc đó khách du lịch thường gọi là chuyến du lịch có sự hỗ trợ của người bản xứ. Khái niệm này đầu tiên do khách du lịch đưa ra khi du khách đi tham quan các làng bản, tìm hiểu phong tục tập quán, cuộc sống hoang dã, lễ hội, khám phá hệ sinh thái, núi non tại những vùng mang tính tự nhiên hoang dã, khi đó họ cần sự hỗ trợ giúp đỡ của người dân bản địa như dẫn đường, cung cấp đồ ăn thức uống… Đây là tiền đề cho phát triển du lịch cộng đồng.
Nhà nghiên cứu Tosun (1999) đã phân loại ra 3 hình thức tham gia của cộng đồng vào hoạt động du lịch đó là: tự phát, bị bắt buộc và được thuyết phục. Ở Sa Pa hiện nay, cộng đồng tham gia theo hình thức “được thuyết phục” là phổ biến, trong đó, chỉ một số nhóm cộng đồng tham gia thụ động do bị lôi cuốn mà không có nhận thức rõ ràng về khái niệm du lịch, còn hầu hết cộng đồng dân tộc thiếu số được tư vấn, tuyên truyền về lợi ích của du lịch mang lại như tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cải thiện đời sống.
2. Hoạt động du lịch cộng đồng tại Sa Pa
Tại Sa Pa, các chuyên gia tư vấn của các tổ chức trong và ngoài nước đã giúp chính quyền huyện và một số xã thành lập và vận hành mô hình “Ban Quản lý du lịch cộng đồng” (BQL) ở cấp xã. Nói đến mô hình BQL, đây là tổ chức đại diện cho chính quyền cấp xã làm nhiệm vụ quản lý hoạt động du lịch tại các thôn bản. Các thành viên trong BQL phần lớn là các cán bộ xã làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên trách về du lịch ở cấp xã.
Mức độ tham gia của cộng đồng dân tộc thiểu số tại Sa Pa còn thể hiện ở các hoạt động liên quan đến khách du lịch mà dân bản thực hiện. Sự phát triển mạnh mẽ của du lịch đã kéo theo vô số nhu cầu cần được đáp ứng của khách du lịch, làm xuất hiện hàng loạt các nghề mới như cho thuê nghỉ trọ, hướng dẫn, biểu diễn văn nghệ, bán hàng lưu niệm (thổ cẩm, đồ trang sức), hướng dẫn, chở xe ôm, dẫn khách leo núi, khuân vác… Cùng với tốc độ phát triển của du lịch tại Sa Pa, ngày càng thu hút nhiều người dân tộc thiểu số làm du lịch và thu nhập của họ được cải thiện. Ví dụ như: làng Cát Cát có 360 người thì có tới 112 người tham gia hoạt động du lịch (chiếm tỷ lệ 31,2% dân số). Làng Lý Lao Chải có 516 người thì có 102 người của 22 hộ gia đình (trên tổng số 28 hộ) tham gia vào các hoạt động du lịch.
Thứ nhất là hoạt động cho thuê nghỉ trọ (homestay). Tổng số các hộ đăng ký cho thuê nghỉ trọ là 84 hộ trên tổng số 5 xã, bao gồm: xã Tả Van là 40 hộ, xã Bản Hồ là 31 hộ, xã Thanh Phú có 6 hộ, xã Tả Phìn có 4 hộ và thôn Sín Chải xã San Sả Hồ có 3 hộ. Điều kiện nhà nghỉ ở thôn bản rất đơn giản, trước kia thường có khoảng 8 - 12 chiếc giường hoặc chiếu trải trên sàn nhà. Hiện nay, chủ nhà dành riêng cho khách một phòng có giường nhỏ và một chiếc ti vi. Thông thường, hướng dẫn và những người mang vác đồ sẽ lo thực phẩm và cùng chủ nhà nấu ăn cho khách. Chủ nhà có thể cung cấp thêm rau xanh, gia cầm hay rượu dân tộc (có thể tính tiền hoặc không). Trong số nhà nghỉ của các dân tộc thiểu số, nhà của dân tộc Tày ở hai xã Bản Hồ và Tả Van được đánh giá là sạch sẽ và tiện nghi nhất. Trước kia, các hộ kinh doanh lưu trú homestay chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú đơn thuần. Hiện nay, tình hình có dấu hiệu cải thiện hơn, một số gia đình mở mang công việc kinh doanh bằng việc cung cấp thêm các dịch vụ bổ sung như: bán đồ lưu niệm, bán đồ uống (bia, nước ngọt), bán hàng ăn, bánh kẹo, thuốc bắc... Đặc biệt, dân tộc Dao Đỏ có dịch vụ tắm thuốc bắc rất được du khách ưa thích.
Nhóm công việc thứ hai mà cộng đồng dân tộc thiểu số tham gia liên quan đến khách du lịch phải kể đến đó là nghề thêu dệt thổ cẩm. Theo điều tra của Tổ chức SNV, có tổng số khoảng 930 phụ nữ nhận thêu thổ cẩm cho các doanh nghiệp và cửa hàng đại lý ở thị trấn. Những cửa hàng này tự thiết kế và cắt may các sản phẩm, sau đó giao mẫu thêu và các nguyên liệu cần thiết như vải thêu, chỉ thêu cho các nhóm phụ nữ ở các thôn bản. Mỗi thôn bản cử ra một người làm đại diện nhóm có trách nhiệm nhận đơn đặt hàng và giao hàng đảm bảo chất lượng và thời hạn (theo từng tuần).
Hướng dẫn viên du lịch cũng được nhiều người lựa chọn, đặc biệt là người H’Mông (họ học tiếng Anh rất nhanh). Những công ty lữ hành địa phương thích thuê hướng dẫn người dân tộc thiểu số bởi vì khách du lịch quốc tế họ thấy giao tiếp với người thiểu số địa phương thú vị hơn. Hiện nay Sa Pa có 56 hướng dẫn viên là người dân tộc thiếu số với thu nhập trung bình khoảng hơn 2 triệu/tháng. Thêm vào đó, họ có thể nhận được tiền thưởng của khách du lịch. Theo một số công ty lữ hành, tiền thưởng mà hướng dẫn viên người H’Mông nhận được còn cao hơn mức lương tháng của họ. Phần lớn hướng dẫn viên người H’Mông đến từ bản Cát Cát, Sín Chải, Ý Linh Hồ, Lao Chải và Tả Van.
Bên cạnh nghề hướng dẫn viên, có một công việc đòi hỏi sức thanh niên (thường là thanh niên nam giới) khỏe mạnh và thông thạo địa hình đó là mang vác đồ đạc và dẫn đường leo núi. Công việc này khởi nguồn từ năm 1998 khi công ty lữ hành Sapa Topas Adventure thuê người H’Mông mang vác đồ cho khách trong những tuyến trekking dài và khó khăn như leo núi Fansipan và đi Seo Mi Tí - Tả Trung Hồ. Những người làm nghề khuôn vác đồ sau đó thường tổ chức thành một nhóm, cử người đứng đầu nhóm và phân công nhau khi được gọi. Nhiệm vụ chính của họ là mang vác hành lý, thức ăn, dụng cụ nấu nướng và thiết bị để ngủ cho khách du lịch. Hiện nay có một nhóm khoảng 30-40 người, được tập huấn về kỹ năng sơ cứu và trang bị kiến thức bảo vệ môi trường. Trung bình họ kiếm được 100.000 - 150.000 đồng/ngày.
Ngoài ra, người dân tộc thiểu số còn tham gia vào các công việc khác như biểu diễn văn hóa văn nghệ. Hầu hết các thôn bản đã thành lập đội văn nghệ, ví dụ như thôn Cát Cát thành lập đội văn nghệ với 16 thành viên, thôn Bản Dền thành lập 3 đội văn nghệ với 44 thành viên. Các đội văn nghệ chủ yếu là phục vụ khách đến tham quan tại làng bản.
3. Chính sách phát triển du lịch gắn với cộng đồng của chính quyền huyện Sa Pa
Với nhận thức sâu sắc về tiềm năng và lợi thế sẵn có phục vụ phát triển du lịch (vị trí địa lý là cửa ngõ của cả hai vùng Đông Bắc và Tây Bắc, lại ở vùng khí hậu nhiệt đới ôn hoà trong khu vực vườn Quốc gia Hoàng Liên với tài nguyên tự nhiên và nhân văn phong phú), trong những năm qua, chính quyền huyện Sa Pa đã có nhiều cố gắng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ XX của huyện
- Vai trò trở thành đô thị, khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Du lịch Sa Pa sẽ trở thành một điểm đến không thể thiếu đối với du khách trong nước và quốc tế. Sự phát triển du lịch Sa Pa sẽ làm tăng sức hấp dẫn của các tour, tuyến du lịch trong tỉnh và giữa tỉnh với các địa phương trong cả nước.
- Vai trò trở thành một trong những cửa ngõ, cầu nối đối với tỉnh Lào Cai để chia sẻ, trao đổi thông tin, xúc tiến thương mại, đầu tư giữa tỉnh với cả nước và quốc tế. Vai trò này đòi hòi Sa Pa cần phát triển mạnh hơn nữa lại hình du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác).
- Vai trò trở thành một trong những trung tâm thương hiệu quốc tế của tỉnh Lào Cai và của cả nước với các thương hiệu quốc tế nổi tiếng của Sa Pa về nông, lâm và thuỷ sản như cá Tầm, cá Hồi, thảo quả, thuốc tắm và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như sản phẩm thêu thổ cẩm, trang sức chạm bạc. Với vai trò này, UBND huyện Sa Pa đề ra phương hướng phát triển Sa Pa trở thành một trong những trung tâm chế biến lương thực, thực phẩm của cả huyện, của tỉnh và của cả nước dựa trên nguồn lao động và nguyên liệu sẵn có.
Nhận thức đầy đủ về phát triển du lịch là một thế mạnh ưu tiên của phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện, chính quyền huyện và cấp xã đã có những chính sách chăm lo phát triển du lịch. Để tạo điều kiện thuận lợi và thu hút khách tham quan du lịch, huyện đã hoàn thiện các biển thông tin chỉ dẫn tuyến, điểm du lịch trên địa bàn toàn huyện; tổ chức hội nghị các nhà đầu tư du lịch trên địa bàn; triển khai Thông tư số 88, 89 của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch về kinh doanh lưu trú và lữ hành; tổ chức hội thảo về quản lý tuyến điểm du lịch, tổ chức hội thảo phát triển du lịch; khuyến khích tổ chức và cá nhân xây dựng cơ sở lưu trú cả chuyên nghiệp và tại gia đình cư dân. Giai đoạn 2006 - 2009, UBND huyện đã cấp 130 giấy phép kinh doanh cho các hộ gia đình, quy hoạch điểm đỗ xe, điểm bán hàng, trung tâm thương mại phục vụ phát triển du lịch.
Đặc biệt, chính quyền huyện Sa Pa xác định bên cạnh sức hấp dẫn về tài nguyên tự nhiên (phong cảnh, khí hậu...), văn hóa của các dân tộc thiểu số tại Sa Pa được xem như linh hồn của phát triển du lịch bền vững. Các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện phát triển du lịch bền vững chủ yếu gắn với cộng đồng dân tộc thiểu số. Cơ sở hạ tầng về giao thông, điện nước, thông tin liên lạc, y tế, giáo dục ở các xã có lợi thế phát triển du lịch cộng đồng như Tả Phìn, San Sả Hồ, Tả Van, Bản Hồ, Nậm Cang, Nậm Sài... được đầu tư nâng cấp phục vụ phát triển du lịch. Chương trình Phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2006 - 2010 được triển khai tích cực là một trong bốn chương trình trọng tâm của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Sa Pa lần thứ XX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2006 - 2010.
Sa Pa là một huyện giàu tiềm năng du lịch tự nhiên và du lịch nhân văn, với địa hình và khí hậu đặc trưng rất thuận lợi cho phát triển du lịch. Đặc biệt, Sa Pa còn là nơi tập trung của nhiều nhóm dân tộc thiểu số khác nhau tạo nên bức tranh vô cùng phong phú đầy màu sắc về một nền văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc. Chính vì vậy phát triển du lịch gắn với cộng đồng dân tộc thiểu số tại Sa pa sẽ góp phần làm cho mối quan hệ giữa du lịch và người dân địa phương them mật thiết.
4. Kết luận
Sa Pa là một điểm du lịch nổi tiếng về tài nguyên du lịch (bao gồm cả tài nguyên du lịch tự nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn), hội tụ gần như đầy đủ các điều kiện để có thể phát triển du lịch cộng đồng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai các hoạt động du lịch tại Sa Pa, một số giải pháp nhằm phát triển du lịch gắn với cộng đồng một cách bền vững còn chưa được tính đến. Vì vậy, phát triển du lịch tại Sa Pa chưa thể gọi là phát triển bền vững. Muốn phát triển du lịch tại Sa Pa một cách bền vững, trước hết cần nghiên cứu kỹ lưỡng những nguyên tắc và tiêu chuẩn của phát triển du lịch bền vững, trong mối quan hệ biện chứng với điều kiện phát triển du lịch cộng đồng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lào Cai (2010), Báo cáo kết quả hoạt động du lịch cộng đồng, Lào Cai
- UBND huyện Sa Pa (2010), Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Sa Pa đến năm 2020, Sa Pa
- UBND huyện Sa Pa (2010), Chương trình phát triển du lịch bền vững giai đoạn 2010 - 2015, Sa Pa
- UBND huyện Sa Pa (2010), Báo cáo tình hình phát triển du lịch, dịch vụ giai đoạn 2005 - 2010 và phương hướng phát triển du lịch huyện Sa Pa đến năm 2015, Sa Pa