KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

ẢNH HƯỞNG CỦA BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU ĐẾN PHÁT TRIỂN KINH TẾ VIỆT NAM

Thứ năm - 15/11/2018 21:55
Tóm tắt:
Hiện nay chúng ta phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như lạm phát, thất nghiệp, tỷ lệ gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên…Trong đó biến đổi khí hậu luôn được xem là vấn đề môi trường nóng bỏng nhất và hơn thế nữa còn được coi là vấn đề quan trọng tác động đến tiến trình phát triển bền vững hiện nay của toàn thế giới trong đó có Việt Nam.
            Trong các thập niên gần đây việc tăng trưởng kinh tế quá nóng, tăng trưởng dựa trên việc khai thác tài nguyên thiên nhiên; cạnh tranh, tranh giành nguồn tài nguyên phục vụ cho nhu cầu tăng trưởng khiến tài nguyên cạn kiệt, môi trường ô nhiễm, khí hậu biến đổi. Mặc dù biến đổi khí hậu không hoàn toàn chỉ có tác động tiêu cực, mà cũng có những tác động tích cực nhất định đối với một số cộng đồng, một số khu vực, một số ngành nghề,... nhưng xét về tổng thể thiệt - hơn, thì tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu lớn hơn tác động tích cực. Những tổn thất kinh tế do tác động của biến đổi khí hậu cộng với các chi phí khắc phục thiệt hại làm giảm mức tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia và trên phạm vi toàn cầu.
            Xét trên phạm vi toàn thế giới, biến đổi khí hậu sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo nên các chu kỳ tăng trưởng không bền vững. Sử dụng các mô hình đánh giá hiệu ứng kinh tế toàn cầu, các nghiên cứu chỉ ra rằng, biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng và làm giảm tốc độ tăng trưởng ở các nước chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở các nước đang phát triển
            Theo đà phát triển của Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung, những hoạt động phát triển kinh tế - xã hội với mức độ ngày càng cao trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, giao thông, nông – lâm nghiệp và sinh hoạt làm tăng các nồng độ khí gây “Hiệu ứng nhà kính” trong khí quyển, làm cho Trái Đất nóng lên, biến đổi hệ thống khí hậu và ảnh hưởng tới môi trường toàn cầu.
            Sự nóng lên của Trái Đất có thể sẽ nhấn chìm nhiều thành phố của các quốc gia ven biển do mực nước bển dâng lên – hậu quả trực tiếp của sự tan băng ở Bắc và Nam cực. Việt Nam cũng nằm trong số các quốc gia chịu tác động nhiều nhất của khí hậu thay đổi và mực nước biển dâng cao

            Các chuyên gia nhận định tình trạng biến đổi khí hậu đang có xu hướng gây nhiều thiệt hại cho Việt Nam, nhất là ở khu vực ven biển. Vì vậy, việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như thực hiện các giải pháp ứng phó đang trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đối với nước ta trong giai đoạn hiện nay

Từ khoá: Khí hậu, biến đổi khí hậu, tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững, hiệu ứng nhà kính
1. Đặt vấn đề
            Cho đến nay, mặc dù chất lượng tăng trưởng kinh tế đã được quan tâm nhiều hơn, nhưng tốc độ tăng GDP vẫn là chỉ số quan trọng để đánh giá sức khỏe, quy mô của nền kinh tế. Cuộc chạy đua đạt tốc độ GDP cao đang tiến đến trần giới hạn chịu đựng của tự nhiên, khiến môi trường sống bị ô nhiễm, khí hậu biến đổi. Đến lượt mình, biến đổi khí hậu làm giảm mức tăng trưởng kinh tế, gây nên những bất ổn đối với an sinh xã hội và trở thành một trong những vấn đề an ninh phi truyền thống mang tính toàn cầu, đe dọa sự tồn vong của nhân loại.

            Các chuyên gia nhận định tình trạng biến đổi khí hậu đang có xu hướng gây nhiều thiệt hại cho một loạt quốc gia, nhất là các nước ven biển. Vì vậy, việc ngăn chặn những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu cũng như thực hiện các giải pháp ứng phó đang trở thành nhiệm vụ cấp bách hàng đầu đối với nhiều nước, trong đó có Việt Nam

            Là nước nông nghiệp (nông nghiệp đóng góp khoảng gần 20% GDP), có bờ biển dài 3.260km, đạt mức thu nhập trung bình thấp của thế giới, phần đông người nghèo sống dựa vào nông nghiệp và đánh bắt thủy sản, nên Việt Nam, theo đánh giá của Tổ chức Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), là một trong 5 nước đứng đầu thế giới dễ bị tổn thương nhất và tổn thương trực tiếp do quá trình biến đổi khí hậu. Theo chỉ số về mức độ tổn thương do biến đổi khí hậu (CCVI), đánh giá mức độ tổn thương do tác động của biến đổi khí hậu trong 30 năm tới thông qua 42 yếu tố kinh tế, xã hội và môi trường tại 193 quốc gia, Việt Nam xếp hạng thứ 23 trong tổng số 193 quốc gia và là một trong 30 nước chịu “rủi ro rất cao”.
            Biến đổi khí hậu tác động tới tất cả các vùng, miền, các lĩnh vực của nước ta, nhưng trong đó, sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp và vùng ven biển sẽ chịu tác động mạnh nhất. Biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng tới hơn 12% diện tích đất nông nghiệp và khoảng 25% dân số của Việt Nam, đe dọa nghiêm trọng đến an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp, là nguy cơ hiện hữu đối với thực hiện mục tiêu xoá đói, giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước.
            Trước những biến đổi của khí hậu, thực tế đòi hỏi phải có các chính sách phù hợp nhằm thích ứng, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững trong dài hạn thông qua tái cơ cấu lại các ngành kinh tế. Đồng thời, hạn chế bớt những ngành phụ thuộc nhiều vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, nhất là tài nguyên không tái tạo, giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế thấp. 
2. Biến đổi khí hậu ở Việt Nam
            Thời tiết ở Việt Nam những năm gần đây ngày càng bất thường. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH) do có bờ biển dài. Nếu nước biển dâng 1 mét, 40% diện tích Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 10% diện tích Đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập, ảnh hưởng trực tiếp đến 20-30 triệu người dân.
            Nhìn lại năm 2016 và đầu năm 2017 sẽ thấy tính bất thường của thời tiết ngày càng gay gắt, xảy ra trên khắp cả nước. Cụ thể với mùa khô 2016, nhiều nơi ở miền Nam và miền Trung khô hạn do lượng mưa thiếu hụt từ 30 - 40%, lượng dòng chảy trên các sông nhỏ dẫn đến tình trạng xâm nhập mặn đến sớm hơn 1 tháng ở các vùng cửa sông miền Trung và đặc biệt ở ĐBSCL, nhiều nơi mặn đã vào sâu 80 - 100 km hoặc hơn, bà con nông dân điêu đứng vì hạn mặn, thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất rất nghiêm trọng.
            Ở miền Trung mưa lũ đến muộn nhưng lại dồn dập, lũ chồng lũ kéo dài nhiều ngày vào những tháng cuối năm 2016, gây thiệt hại lớn về tài sản và người. Miền Bắc đợt rét đầu tiên đến sớm so với bình thường, tuy nhiên người dân lại ít cảm nhận được không khí lạnh của mùa đông, do xen kẽ các đợt lạnh lại có những ngày nhiệt độ khá cao gây tiết trời oi nóng.
            Trong mùa khô 2016 – 2017, Nam Bộ cũng như Thành phố Hồ Chí Minh đã xuất hiện một số trận mưa trái mùa với lượng lớn, số ngày xuất hiện mưa và tổng lượng mưa các tháng trong mùa khô cũng vượt trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mưa trái mùa gây thiệt hại cho sản xuất vụ đông xuân cũng như hoa màu cây trái. Theo chuyên gia dự báo khí tượng, có nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn do BĐKH đã làm thay đổi một số quy luật tự nhiên. Chuyên gia dự báo khí tượng cho biết, hiện nay thời tiết đang ở giai đoạn trung tính và có xu hướng nhích sang El Nino (thường gắn với hiện tượng khô hạn) nên mùa mưa ở Nam Bộ đã đến sớm hơn trung bình nhiều năm
            Các tác động của biến đổi khí hậu, như nước biển dâng, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, thời tiết cực đoan,... đang hiện hữu ngày càng nhiều hơn, rõ rệt hơn, thu hẹp diện tích đất canh tác nông nghiệp, gây thiệt hại cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo của nước ta. Việt Nam là một trong 84 quốc gia đang phát triển ở vùng ven biển bị ảnh hưởng nặng nề nhất do nước biển dâng. Hai vựa lúa lớn của cả nước là đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nặng nề, trong đó đồng bằng sông Cửu Long - vựa lúa của cả nước, vùng nguyên liệu đầu vào quan trọng cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, dệt, may mặc,... là một trong 4 - 5 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng, mưa ít, hạn hán, thiếu nước tưới, các hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan liên quan đến biến đổi khí hậu, lũ theo mùa tự nhiên ít khiến đất thiếu phù sa bồi đắp đứng trước nguy cơ bị bạc màu, suy thoái, ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất cây trồng.
            Cùng với tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước, không khí, đất đai tại các đô thị, khu dân cư lớn, các làng nghề; các sự cố môi trường ngày càng gia tăng do những nỗ lực tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, gia tăng dân số,... sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của Việt Nam trong trung và dài hạn. Xung đột giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường ngày càng bộc lộ rõ, chất lượng môi trường ngày càng xấu đi. Các sự cố về môi trường, tranh chấp môi trường và xung đột môi trường diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, có nguy cơ lan rộng cả về không gian, thời gian và tần suất ở nhiều địa phương trên cả nước.
3. Tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế Việt Nam
* Tác động của biến đổi khí hậu đến ngành nông nghiệp và thuỷ sản
            Hoạt động sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào các yếu tố tự nhiên như: đất đai, nguồn nước, khí hậu, chế độ thủy văn, nhiệt độ, độ ẩm… nên sẽ là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu ở Việt Nam {2}
            Thứ nhất, tình trạng ngập lụt do nước biển dâng sẽ làm mất đất canh tác trong nông nghiệp. Nếu mực nước biển dâng thêm 1m, ước tính khoảng 40% diện tích đồng bằng sông Cửu Long, 11% diện tích đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các tỉnh khác thuộc vùng ven biển sẽ bị ngập. Ngập lụt sẽ làm mất đất canh tác ở hai khu vực nông nghiệp quan trọng nhất của Việt Nam là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng vì khoảng 80% diện tích đồng bằng sông Cửu Long và 30% diện tích đồng bằng sông Hồng có độ cao dưới 2,5 m so với mực nước biển. Hiện tại, diện tích đất gieo trồng của Việt Nam là khoảng 9,4 triệu ha (trong đó có 4 triệu ha đất trồng lúa). Tính trên phạm vi cả nước, Việt Nam sẽ bị mất đi khoảng hơn 2 triệu ha đất trồng lúa (khoảng 50%) nếu mực nước biển dâng thêm 1m.
            Thứ hai, tình trạng xâm nhập mặn ở khu vực ven biển cũng sẽ làm thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Một phần diện tích đáng kể đất trồng trọt ở vùng đồng bằng sông Hồng và đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị nhiễm mặn vì 2 đồng bằng này đều là những vùng đất thấp so với mực nước biển. Xâm nhập mặn làm cho diện tích đất canh tác giảm, từ đó hệ số sử dụng đất có thể giảm từ 3-4 lần/năm xuống còn 1-1,5 lần/năm. Ngập mặn sẽ đặc biệt nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m thì khoảng 1,77 triệu ha đất sẽ bị nhiễm mặn, chiếm 45% diện tích đất ở đồng bằng sông Cửu Long và ước tính rằng, có khoảng 85% người dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cần được hỗ trợ về nông nghiệp.
            Thứ ba, nhiệt độ tăng, hạn hán (và thiếu nước tưới) sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố của cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất, cụ thể là năng suất lúa của vụ xuân có xu hướng giảm mạnh hơn so với năng suất lúa của vụ mùa; năng suất ngô vụ đông có xu hướng tăng ở đồng bằng Bắc Bộ và giảm ở Trung Bộ và Nam Bộ. Ước tính rằng, năng suất lúa xuân ở vùng đồng bằng sông Hồng có thể giảm 3,7% vào năm 2020 và giảm tới 16,5% vào năm 2070; năng suất lúa mùa sẽ giảm 1% vào năm 2020 và giảm 5% vào năm 2070 nếu không có các biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả.
            Mất đất canh tác trong nông nghiệp và năng suất cây trồng suy giảm sẽ đặt ra những thách thức và đe dọa đến đời sống của nông dân, vấn đề xuất khẩu gạo và an ninh lương thực quốc gia đối với một quốc gia mà nông nghiệp đóng vai vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân như Việt Nam: nông nghiệp chiếm 52,6% lực lượng lao động và 20% GDP của cả nước. Dự báo đến năm 2100, nếu mực nước biển dâng 1m, vựa lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ bị mất đi khoảng 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,5% sản lượng lúa của cả vùng. Do đó, Việt Nam sẽ có nguy cơ đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng vào năm 2100 vì mất đi khoảng 21,39% sản lượng lúa (mới tính riêng cho vùng đồng bằng sông Cửu Long). Trong một tương lai gần hơn, dự báo đến năm 2020, dân số Việt Nam sẽ đạt khoảng 120 triệu người. Trong bối cảnh BĐKH ngày càng gia tăng thì mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực cho 120 triệu người sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.
            Đối với ngành thuỷ sản, Việt Nam hiện có khoảng 480.000 người trực tiếp tham gia vào đánh bắt; 100.000 người làm việc ở ngành chế biến thủy sản và khoảng 2.140.000 người tham gia vào các dịch vụ nghề cá. Các sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, là những sinh kế phụ thuộc vào nguồn nước và sự phong phú của nguồn lợi ven biển, nên là một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất và dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu.
            Nhìn chung, biến đổi khí hậu có xu hướng làm thay đổi môi trường sống của các loài thuỷ sản, dẫn đến thay đổi trữ lượng các loài thuỷ hải sản do di cư hoặc do chất lượng môi trường sống bị suy giảm; từ đó làm thu hẹp ngư trường đánh bắt, sản lượng đánh bắt và sản lượng nuôi trồng. Kết quả khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội năm 2011 cho thấy, các địa phương được khảo sát đều có tỷ lệ lao động đang làm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy hải sản khá cao, dao động từ trên 50% đến 90% lực lượng lao động. Do hạn chế về vốn đầu tư và kiến thức/kỹ thuật nên hoạt động nuôi trồng thủy sản của người dân hầu như phụ thuộc vào môi trường tự nhiên, thời tiết,… Thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây do ảnh hưởng của nước biển dâng, khô hạn, xâm nhập mặn, mưa lũ trái mùa, thay đổi môi trường nước. Thiệt hại về sản lượng nuôi trồng thủy sản ở một số tỉnh, ví dụ như Bạc Liêu, Bến Tre, Cà Mau,… đã tăng tới 30-40%/năm.
 *  Tác động của biến đổi khí hậu đến ngành công nghiệp
            Các ngành công nghiệp, đặc biệt là khu công nghiệp ven biển, sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu:
            Nước biển dâng khoảng 1m vào cuối thế kỷ 21 sẽ làm cho hầu hết các khu công nghiệp bị ngập, thấp nhất là trên 10% diện tích, cao nhất là khoảng 67% diện tích.
             Nguồn nguyên liệu cho công nghiệp, đặc biệt là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, dệt, may mặc sẽ bị suy giảm đáng kể vì không được tiếp ứng từ các vùng nguyên liệu ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long vốn bị ngập lụt nặng nề nhất ở Việt Nam. Điều này càng gây sức ép đến việc chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp về loại hình công nghiệp, tỷ lệ công nghiệp chế biến, công nghệ cao.
             Nhiệt độ tăng làm tăng tiêu thụ năng lượng trong các ngành công nghiệp: tăng chi phí thông gió, làm mát hầm lò khai thác và làm giảm hiệu suất, sản lượng của các nhà máy điện. Tiêu thụ điện cho sinh hoạt gia tăng và chi phí làm mát trong các ngành công nghiệp thương mại cũng gia tăng đáng kể khi nhiệt độ có xu hướng ngày càng tăng.
            Mưa bão thất thường và nước biển dâng sẽ tác động tiêu cực đến quá trình vận hành, khai thác hệ thống truyền tải và phân phối điện, dàn khoan, đường ống dẫn dầu và khí vào đất liền, cấp dầu vào tàu chuyên chở dầu; làm gia tăng chi phí bảo dưỡng và sửa chữa các công trình năng lượng; ảnh hưởng tới việc cung cấp, tiêu thụ năng lượng, an ninh năng lượng quốc gia.
*  Tác động của biến đổi khí hậu đến một số lĩnh vực lao động và xã hội
            BĐKH tác động đến lao động, việc làm theo hai xu hướng rõ rệt là: (i) BĐKH làm cho việc làm trong nông nghiệp trở nên bấp bênh hơn, rủi ro hơn và điều kiện làm việc tồi tệ hơn; (ii) BĐKH làm cho một bộ phận lao động phải chuyển đổi việc làm (ví dụ từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ), làm giảm thời gian làm việc, giảm thu nhập và làm tăng lượng lao động di cư của địa phương.
            Tác động của BĐKH đến nghèo đói thường được thể hiện thông qua tác động đến các nguồn lực sinh kế của hộ gia đình có các sinh kế nhạy cảm với khí hậu như nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, … BĐKH sẽ là trở ngại lớn đối với những nỗ lực giảm nghèo của quốc gia và từng người dân.
*  Tác động của biến đổi khí hậu tới hạ tầng kỹ thuật
            Hệ thống đê biển: mực nước biển dâng cao có thể làm hệ thống đê biển không thể chống chọi được nước biển dâng khi có bão, dẫn đến nguy cơ vỡ đê trong các trận bão lớn.
             Hệ thống đê sông, đê bao và bờ bao: mực nước biển dâng cao làm cho khả năng tiêu thoát nước ra biển giảm, kéo theo mực nước ở các con sông trong nội địa dâng lên, kết hợp với sự gia tăng dòng chảy lũ từ thượng nguồn sẽ làm cho đỉnh lũ tăng lên, ảnh hưởng đến sự an toàn của các tuyến đê sông ở các tỉnh phía Bắc, đê bao và bờ bao tại các tỉnh phía Nam.
             Các công trình cấp nước: Mực nước biển dâng làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn của biển vào đất liền, làm cho các tầng nước dưới đất vùng ven biển cũng có nguy cơ bị nhiễm mặn, gây khó khăn cho công tác cấp nước phục vụ sản xuất.
            Cơ sở hạ tầng đô thị: Nước biển dâng và triều cường sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng các khu đô thị ven biển, gây ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt và các hoạt động sản xuất.
4. Giải pháp để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đến kinh tế Việt Nam
            Việt Nam - một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Xác định bảo vệ môi trường, ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu là vấn đề có ý nghĩa sống còn. Vấn đề bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu nhằm mục tiêu phát triển bền vững đã được đưa vào kế hoạch phát triển của các ngành, địa phương {3}
            Để có thể đưa các chủ trương, chính sách đó của Đảng và Nhà nước đi vào cuộc sống, đồng thời tổng kết, phát huy được các sáng kiến của người dân trong quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu, “sống chung với lũ”, “sống chung với mặn”... có một số nội dung cần được quan tâm nhiều hơn:
            Một là, nghiên cứu mối quan hệ, tác động qua lại giữa ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu và tăng trưởng kinh tế, trong đó đánh giá cụ thể hơn những hoạt động của con người vì mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà làm ô nhiễm môi trường, dẫn tới biến đổi khí hậu.
            Hai là, phân tích rõ hơn những ngành, nghề, lĩnh vực có tiềm năng phát triển, khai thác những nguồn lợi do tác động của biến đổi khí hậu mang lại để có hướng phát triển, khai thác và tận dụng. Chẳng hạn như “nắng nóng cao kéo dài, lượng mưa ít đi thì có thể tạo những thuận lợi cho các ngành nghề, như từ làm ruộng muối, phơi sấy nông, hải sản và thực phẩm... đến các hoạt động du lịch bãi biển hay sản xuất quang điện...”{1}.
            Ba là, nâng cao năng lực của nền kinh tế để tăng sức chịu đựng đối với biến đổi khí hậu qua việc đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới tăng trưởng xanh, đầu tư xanh; cơ cấu lại nền kinh tế, lựa chọn các ngành kinh tế phù hợp để tập trung phát triển; nâng cao tính thiết thực và hiệu quả liên kết vùng trong tổng thể nền kinh tế, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi.
            Bốn là, khảo sát, tổng hợp những sáng kiến của người dân trong việc ứng phó với các hiện tượng biến đổi khí hậu và tăng cường nguồn lực để hỗ trợ, nâng cao hơn nữa tính chủ động cũng như tính dài hạn trong các biện pháp đó. Đã có nhiều khảo sát tìm hiểu cách người dân ứng phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan, ứng phó với biến đối khí hậu và thích nghi với quá trình đó. Rất nhiều nhận xét cho rằng người dân đặc biệt sáng tạo và có nhiều sáng kiến ứng phó.
            Sử dụng năng lượng sạch như khí thiên nhiên, nhiên liệu sinh học, năng lượng mới, năng lượng tái tạo cũng như cấp phép hạn mức phát thải các chất ô nhiễm không khí cho các doanh nghiệp.
            Bên cạnh đó, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; trong đó, có những chế tài xử phạt mạnh để đủ răn đe các đối tượng vi phạm. Tăng cường giám sát xả thải, bảo đảm đúng quy định về công nghệ và bảo vệ môi trường đối với các dự án phát triển công nghiệp. Ngoài ra, tăng tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp môi trường, đặc biệt cần đầu tư cho công tác thu thập số liệu và xây dựng mô hình đánh giá, cảnh báo tác động của biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đến nền kinh tế. 
            Những phân tích trên đây cho thấy biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là vấn đề về môi trường mà còn là vấn đề về phát triển bởi nó tác động sâu sắc và nhiều mặt đến cuộc sống của mỗi người dân và môi trường sống toàn cầu. Biến đổi khí hậu là một mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh toàn cầu, có mức độ nguy hiểm xếp ngang hàng với xung đột vũ trang, buôn lậu vũ khí hay nghèo đói. Vì thế “xanh hóa” nền kinh tế gồm tăng trưởng, đầu tư, công nghệ, năng lượng, tiêu dùng đến các lĩnh vực khác, như giáo dục, đào tạo, việc làm, y tế,... cần trở thành mục tiêu và cơ hội đối với Việt Nam.
Tài liệu tham khảo
1.  PGS, TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế “Kinh tế Việt Nam trong trung hạn: triển vọng và một số ảnh hưởng của yếu tố môi trường”, tháng 11-2016
2.Trần Thọ Đạt và Vũ Thị Hoài Thu (2013), Tổng quan về kinh tế học biến đổi khíhậu, Hội thảo Khoa học Quốc tế“Kinh tế học biến đổi khí hậu và gợi ý chính sách đối với Việt Nam”, Hà Nội, tháng 3/2013
3.  Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr. 141
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 14 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 3.5 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Bạn biết khoa Du lịch & Ngoại ngữ - Trường Đại học Sao Đỏ qua kênh nào?

NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập108
  • Hôm nay10,996
  • Tháng hiện tại138,580
  • Tổng lượt truy cập7,209,199
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây