Phần mở đầu tuy không chiếm nhiều thời gian của hướng dẫn viên nhưng lại là phần gây ấn tượng ban đầu với du khách một cách sâu sắc nhất. Mục tiêu của phần này cần đạt được là thông tin tới du khách về bản thân hướng dẫn viên và công ty du lịch, thông báo chương trình tham quan, điểm tham quan hấp dẫn. Đồng thời đây cũng là thời gian làm quen với đoàn khách, vì vậy phần này cần phải diễn ra nhanh chóng nhưng thật ấn tượng. Hướng dẫn viên có thể dùng cách giới thiệu hài hước về bản thân mình và dùng ca dao, tục ngữ, điệu hát… để giới thiệu về chương trình tham quan, điểm tham quan của ngày hôm đó.
Sau phần mở đầu đầy hấp dẫn, thuyết phục, bài thuyết minh của hướng dẫn viên sẽ tập trung vào nội dung chính của tuyến tham quan đó chính là phần thân bài. Phần này, hướng dẫn viên cần tuân thủ theo trình tự giới thiệu đối tượng tham quan từ đối tượng tham quan đầu tiên tới đối tượng tham quan cuối cùng. Tùy vào phương tiện vận chuyển và loại hình đối tượng tham quan hướng dẫn viên sẽ xây dựng bài thuyết minh cho phù hợp nhất.
Nhìn chung trên phương tiện vận chuyển hướng dẫn viên thực hiện công việc thuyết minh nhiều nhất là trên ô tô. Do vừa di chuyển vừa quan sát đối tượng tham quan nên du khách bị hạn chế tầm nhìn, vì vậy bài thuyết minh cần phải ngắn gọn, cô đọng, tập trung vào nội dung chính và làm nổi bật giá trị của đối tượng tham quan. Trước khi phương tiện di chuyển tới gần đối tượng tham quan hướng dẫn viên có thể thông tin tới du khách một số nội dung như tên gọi, vị trí, nhân vật được thờ,… Khi phương tiện vận chuyển tới đối tượng tham quan hướng dẫn viên sẽ chỉ cho du khách những nét độc đáo, đặc sắc nhất của đối tượng tham quan, lúc này du khách vừa nghe thuyết minh vừa nhìn theo sự chỉ dẫn của hướng dẫn viên.
Đối tượng tham quan là các cảnh quan, các di tích lịch sử văn hóa, công trình kiến trúc, điêu khắc, các làng quê… đôi khi có nhiều đối tượng tham quan tập trung tại một điểm tham quan, do đó bài thuyết minh cũng cần xây dựng theo sự sắp xếp của các đối tượng tham quan đó và tránh sự trùng lặp, đơn điệu, dễ gây nhàm chán cho du khách. Số lượng các đối tượng tham quan cần chọn lựa cho vừa phải so với độ dài thời gian của toàn chuyến tham quan, với nhu cầu của khách, trạng thái sức khỏe, tâm lý của khách và loại phương tiện di chuyển,…
Bên cạnh đó, khi viết bài thuyết minh hướng dẫn viên cũng cần phải chú ý tới mục đích của chuyến tham quan và lứa tuổi, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, quốc tịch,… của khách du lịch để lựa chọn thông tin thuyết minh cho phù hợp. Có rất nhiều nguồn thông tin để hướng dẫn viên có thể tham khảo cho vào bài thuyết minh như từ các sách báo tạp chí du lịch, từ internet hay từ các chuyên gia, những người dân địa phương, đồng nghiệp… do đó hướng dẫn viên cần phải lựa chọn thông tin chính xác hoặc có nguồn trích dẫn cụ thể.
Ngoài phần tiểu kết tại mỗi điểm tham quan trong nội dung thì bài thuyết minh phải có phần kết luận chung, trong đó hướng dẫn viên đánh giá khái quát vấn đề đã giới thiệu trong chuyến tham quan du lịch. Phần này phải làm nổi rõ một lần nữa mục đích của chuyến tham quan và có sự so sánh, đánh giá với đối tượng tham quan cùng loại. Mặt khác, nội dung thông tin tuyên truyền quảng cáo cho chuyến tham quan tiếp theo và những lời nhắn nhủ, mời gọi cũng được thể hiện ở đây cùng với lời cảm ơn của hướng dẫn viên.