Trong khung chương trình đào tạo đại học chính quy ngành Ngôn ngữ Anh Trường Đại học Sao Đỏ, định hướng biên - phiên dịch là định hướng quan trọng đối được giảng dạy tại Nhà trường. Các học phần biên - phiên dịch được giảng dạy cho sinh viên chủ yếu vào năm thứ ba và năm thứ tư. Tuy nhiên sinh viên còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình luyện tập. Bài viết này tổng hợp một số thủ pháp, phương pháp dịch thuật và một số lưu ý trong quá trình dịch thuật nhằm nâng cao chất lượng bản dịch.
2. Định nghĩa dịch thuật nói chung
Có rất nhiều quan điểm được đưa ra bởi các nhà nghiên cứu về khái niệm dịch thuật trong suốt lịch sử phát triển của nó.
Dịch thuật thường được biết đến như là một quá trình chuyển nghĩa từ ngôn ngữ gốc (Source language) sang ngôn ngữ dịch (Target language). Hartman & Stock (1972) cho rằng: dịch là thay thế một văn bản trong một ngôn ngữ bằng một văn bản tương đương trong ngôn ngữ thứ hai. Còn theo Nida & Taber (1974), dịch thuật là tái tạo lại trong ngôn ngữ tiếp nhận (receptor language) sự tương đương tự nhiên và sát với thông điệp của ngôn ngữ nguồn (source language), trước hết là về nghĩa (meaning) và sau đó là phong cách (style). Theo Larson (1998), dịch thuật là nghiên cứu từ vựng, cấu trúc kết học, hoàn cảnh giao tiếp và ngữ cảnh văn hóa của văn bản ngữ nguồn, phân tích văn bản để xác định nghĩa, rồi sử dụng từ vựng và cấu trúc kết học phù hợp trong ngôn ngữ tiếp nhận để tái lập cùng nghĩa. Song, Newmark (1981) lại cho rằng: dịch thuật là chuyển một văn bản này thành một văn bản khác theo cùng cách tác giả thể hiện khi viết văn bản đó.
Tuy các định nghĩa trên có chút khác biệt nhưng chúng có cùng một điểm chung đó là sự tương đương trong dịch thuật (equivalence). Nghĩa là tìm ra sự tương đương hoặc tương đương gần nhất nhưng vẫn giữ được nghĩa và phong cách.
Trong việc chuyển nghĩa từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ dịch, người dịch cần một cách dịch hoặc một chiến lược dịch. Một số nhà lý thuyết dịch gọi nó là phương pháp dịch (translation methods) như Newmark (1988) và một số nhà lý thuyết dịch khác gọi là phương thức dịch (translation procedures) như Graedler (2000), Nida (1964). Tuy nhiên Newmark cho rằng trong khi phương pháp dịch liên quan đến các văn bản đầy đủ thì phương thức dịch được dùng cho các câu và các đơn vị ngôn ngữ nhỏ hơn câu
3. Các tiêu chí đánh giá bản dịch
Các tiêu chí cho một bản dịch tốt được Massoud (1988: 19-24) đặt ra như sau: “là một bản dịch dễ hiểu; là một bản dịch gãy gọn và lưu loát; là một bản dịch sử dụng các cụm từ phổ biến hoặc thành ngữ; truyền đạt, đến mức độ nào đó, sự tinh tế của văn bản gốc; có khả năng phân biệt ngôn từ ẩn dụ và ngôn ngữ văn chương; là một bản dịch có thể dựng lại bối cảnh văn hóa/lịch sử của văn bản gốc; dịch rõ ràng những chữ viết tắt, và các từ, cụm từ phiếm chỉ, bài hát, và lời ru; là bản dịch truyền tải càng nhiều càng tốt ý nghĩa của văn bản gốc”.
El Shafey (1985: 83) lại đưa ra các tiêu chí khác đối với người dịch và một bản dịch tốt, đó là: “kiến thức về ngữ pháp của ngôn ngữ nguồn cộng với kiến thức về từ vựng, cũng như sự hiểu biết tốt về văn bản cần dịch; khả năng của người dịch trong việc chuyển thể văn bản cần dịch (văn bản ngôn ngữ nguồn) sang ngôn ngữ đích; bản dịch cần nắm bắt được phong cách hoặc văn phong của văn bản gốc, bản dịch cần truyền tải được thông điệp của văn bản cần dịch”.
El Zeini (1994: xvii) đề xuất một mô hình thực tế để đánh giá chất lượng trong dịch thuật, bà đặt các tiêu chí về nội dung cũng như các tiêu chí về phong cách trong dịch thuật ở vị trí quan trọng ngang nhau. Mô hình này bao gồm một tập hợp các tiêu chuẩn chính: tiêu chuẩn liên quan đến nội dung và tiêu chuẩn liên quan đến hình thức. Bà hy vọng “dịch giả có thể giảm thiểu được các lỗi hoặc thiệt hại mà các lỗi dịch này mang lại, cũng như loại bỏ được các vấn đề về việc nội dung bản dịch không trong sáng”.
Như vậy, trong khi Massoud (1988) và El Shafey (1985) quan tâm đến chất lượng bản dịch trên khía cạnh nội dung, kiến thức về từ vựng, ngữ pháp hoặc kiến thức nền thì El Zeini (1994) chú ý đến cả hai tiêu chí nội dung và hình thức.
Trong một nghiên cứu khảo sát lỗi dịch thuật trong các biển báo, Nguyễn Thị Minh Tâm và các cộng sự (2017: 90-104) đưa ra 4 tiêu chí đánh giá bản dịch dựa trên mô hình phân tích bản dịch của Munoz (2012) và Keshavarz (1993) bao gồm các vấn đề sau: vấn đề về chính tả, ngữ pháp; vấn đề về lựa chọn từ vựng (từ và cấu trúc); vấn đề về nội dung dịch; ngữ dụng và phong cách ngôn ngữ. Như vậy ngoài vấn đề về chính tả, Nguyễn Thị Minh Tâm và các cộng sự có thiên hướng phân tích bản dịch về mặt nội dung hơn là hình thức.
4. Các thủ pháp dịch thuật cơ bản
4.1 Dịch dựa trên ngữ pháp (Grammar translation)
Là phương pháp dịch căn cứ vào cấu trúc ngữ pháp của câu. Phương pháp này yêu cầu người dịch phải nắm vững và nhận định được các thành tố của một câu.
4.2 Dịch từng chữ (Word- For-Word )
Là phương pháp chuyển đổi ngôn ngữ gốc (source language) sang ngôn ngữ dịch (target language) chỉ bằng cách dịch tuần tự: từ sang từ, vế sang vế và câu sang câu. Phương pháp dịch này hay được dùng khi tìm thấy sự tương đồng về mặt cấu trúc câu giữa 2 ngôn ngữ.
4.3 Dịch nguyên văn (Literal Translation)
Cấu trúc ngữ pháp của ngôn ngữ gốc được chuyển sang cấu trúc gần nhất của ngôn ngữ dịch nhưng từ vựng được dịch theo nghĩa thông thường nhất, tách rời ngữ cảnh nhưng vẫn bám sát nghĩa đen.
4.4 Dịch thoát (Free translation)
Là cách dịch trong đó người dịch thoát ra khỏi ràng buộc của ngôn ngữ gốc, dùng ngôn ngữ dịch để diễn giải ý nghĩa của bản gốc một cách tự nhiên và phù hợp với ngữ cảnh, văn hóa của ngôn ngữ dịch. Đó cũng là lý do mà với phương pháp này, bản dịch thường dài hơn bản gốc.
Lợi điểm của cách dịch này là lời văn nghe tự nhiên hơn. Trái lại, nhược điểm của nó là vì được tự do, cho nên thường xảy ra hiện tượng biến tấu tùy tiện, quá đà, đặc biệt là đối với những văn bản mang tính tinh thần như triết học, thần học, văn chương.
Nên nhớ, mỗi văn bản đều gắn chặt với mối tương quan văn hóa nhất định; người dịch cần tôn trọng điểm này của văn bản gốc. Thiếu kỷ luật, người dịch dễ làm hỏng tính tương đương mỹ hình, dễ làm lệch ý văn bản gốc; thậm chí công việc đang làm không còn có nghĩa là dịch nữa mà là phỏng tác, phỏng dịch.
4.5 Dịch đa nghĩa (polysemous)
Ða nghĩa là một vấn đề lớn của dịch thuật. Đôi khi có một từ đa nghĩa trong bản gốc được hiểu theo nhiều nghĩa mà không thể diễn tả được hết bằng ngôn ngữ dịch.
Ví dụ: "Bà già đi chợ cầu Ðông, Hỏi thăm thày bói có chồng lợi chăng. Thày bói xem quẻ nói rằng, Lợi thì có lợi nhưng răng không còn." Chữ "lợi" trong bài ca dao trên có hai nghĩa: ích lợi và nướu răng. Có lẽ không có một thứ tiếng nào ngoài tiếng Việt có một từ chứa hai nghĩa ấy. Nếu vậy, muốn diễn tả đủ ý thì phải dùng đến hai từ, và vì thế mà bản dịch sẽ mất hay. Đây là một trường hợp mà giới trung thành với nguyên tắc khả diễn phải bó tay. Trong trường hợp này, nếu chấp nhận giải pháp dịch sát, người dịch phải kèm theo chú thích.
4.6 Dịch tỉnh lược (ellipsis)
Tỉnh lược được hiểu là lược bỏ một từ, đoạn câu, câu của văn bản gốc vì một lý do nào đó trong quá trình dịch. Hành động này có thể dẫn đến hai kết quả: bản dịch hoặc mất thông tin cần thiết, hoặc mất thông tin không cần thiết.
Mất thông tin cần thiết là hậu quả của việc dịch thiếu. Dịch thiếu có thể vì lý do kiểm duyệt, hoặc chủ ý dịch lướt, dịch tóm tắt, hoặc thiếu kiến thức ngôn ngữ.
Ngược lại, lược bỏ những thông tin dư thừa, không thực dụng đối với ngôn ngữ dịch thì lại hữu lý. Câu người Anh nói"Good morning Mr. Bush" dịch sang tiếng Việt thành "Chào ông Bush" là hữu lý. Từ "morning" được lược bỏ vì người Việt không có lối hành ngôn "chào buổi sáng".
4.7 Dịch bổ sung ( complementary)
Thường thì không có lý do gì để bổ sung vào bản dịch những ý tưởng không tồn tại trong bản gốc. Bổ sung chỉ có ý nghĩa khi người dịch muốn lập câu cho đúng ngữ pháp ngôn ngữ dịch hoặc muốn làm rõ ý tác giả, ẩn dụ bằng cách ghi chú, giải thích.
Ví dụ: Lập câu đúng ngữ pháp:
Tiếng Anh (văn bản gốc): He has done his duty, as we have ours.
Tiếng Việt (văn bản dịch): Hắn đã làm tròn bổn phận của hắn cũng như chúng ta đã làm tròn bổn phận của chúng ta.
Mệnh đề sau của văn bản gốc được hiểu ngầm là "as we have done our duty". Hai phần tử "done" và "duty" bị lược bỏ, một dạng tỉnh lược (Ellipse) thường dùng trong tiếng Anh.
Về mặt ngữ dụng, người Anh có thể hành ngôn như thế nhưng người Việt thì không. Không thể dịch văn bản tiếng Anh bên trên sang tiếng Việt thành "Hắn đã làm tròn bổn phận của hắn cũng như chúng ta đã của chúng ta" (= "as we have ours"). Bởi mệnh đề sau ("chúng ta đã của chúng ta") không đúng ngữ pháp tiếng Việt, nên mới cần được bổ sung bằng cụm từ "làm tròn bổn phận": "cũng như chúng ta đã làm tròn bổn phận của chúng ta".
5.8. Dịch biến thái (modulation)
Phương thức “biến thái” có nghĩa là sự thay đổi trong thông điệp do có một sự thay đổi về quan điểm (modulation means a variation in the message due to a change in the point of view): hiểu một điều gì đó theo một cách nhìn khác. Phương thức này thích hợp khi dịch nguyên văn hoặc chuyển vị có được một câu dịch đúng ngữ pháp nhưng lại không tự nhiên trong ngôn ngữ dịch. Trong phương thức biến thái, ta có thể phân biệt biến thái tự do / không bắt buộc (free / optional) với biến thái cố định / bắt buộc (fixed / obligatory).
4.9 Dịch tên riêng (proper name)
Tên riêng được ví như một nhãn hiệu, một biểu tượng có nghĩa dành riêng cho một cá thể. Theo nguyên tắc tôn trọng biểu tượng cá nhân, không nên dịch tên riêng.
Ví dụ, "Formel 1" là tên một giải đua xe quốc tế thường thấy báo chí quốc nội dịch sang tiếng Việt thành "Công thức 1". Nếu cái tên đã có nghĩa thì nó nên nói với người đọc bản dịch đúng cái nghĩa mà nó đã nói với người đọc bản gốc (Güttinger 1963:79). Do đó, thay vì dịch, chỉ nên ghi chú khi cần thiết. Ngoài ra, phiên âm tên riêng cũng là một điểm cần được cân nhắc kỹ lưỡng.
Cách thức này chỉ hợp lý và cần thiết khi chữ viết của ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ dịch không có cùng một hệ thống ký tự (v.d. tiếng Việt dùng hệ thống ký tự Latinh, tiếng Hoa dùng hệ thống ký tự Hán). Còn không, nên giữ đúng tên riêng của nguyên bản, không nên biến hóa tên riêng bằng cách phiên âm như "Goethe" thành "Gớt", "Karl Marx" thành "Các Mác", "Alexandre de Rhodes" thành "A-lếch-xăng Đờ Rốt" ... .
4.10. Ẩn dụ, thành ngữ (Metophor, Idomatics)
Ẩn dụ là một phép dùng một đối tượng cụ thể có nghĩa đen ngầm ám chỉ một điều gì đó theo nghĩa bóng. Thành ngữ cũng có tính nói bóng gió tương tự. Ẩn dụ, thành ngữ thường mang tính địa phương, dân tộc (mang tính văn hoá); cho dù có dịch được nhưng chưa chắc người lạ đã hiểu được nghĩa ám chỉ, nếu không nhờ chú thích.
Ví dụ: "Carry coals to Newcastle." -> "Chở than đá về Newcastle"= "chở củi về rừng". (Newcastle là thành phố ở Anh có cảng xuất khẩu than lớn nhất thế giới, tức là đừng mang thứ gì đó tới một nơi đã quá thừa thãi rồi.)
Tiếng Việt, do đặc điểm văn hóa lúa nước, thường dùng con trâu (bufalo) trong các câu thành ngữ, tục ngữ, trong khi tiếng Anh thường dùng con chim (bird). Ví dụ: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, “Birds of the same feather flocks together”. Hoặc ví dụ khác như “hiền như củ khoai”, “hiền như bụt” or “hiền như cục đất” trong tiếng Việt thì tiếng Anh lain nói “as mild as a lamb” (hiền như một chú cừu non).
5. Một số lưu ý trong quá trình dịch thuật
Để khắc phục các lỗi về nội dung trong các bản dịch, chúng ta cần thực hiện một số thao tác dưới đây để rèn luyện, trau dồi kỹ năng để dịch tiếng Anh hiệu quả hơn:
1- Trước khi dịch một văn bản, cần đọc cẩn thận, đánh dấu các đoạn khó dịch hoặc chưa hiểu rõ nghĩa. Lưu ý rằng một từ/ cụm từ có thể có nhiều nghĩa và cách diễn đạt khác nhau, khi dịch hãy cố gắng hướng tới ý nghĩa mà tác giả đang đề cập để có thể dịch chính xác.
2- Trong quá trình dịch, để diễn đạt được chính xác ý nghĩa đoạn dịch từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh hoặc ngược lại, sử dụng xác cụm từ Tiếng Anh/ Việt đồng nghĩa, tương đương dịch các cụm từ, thành ngữ cho chuẩn xác.
3- Tuyệt đối tránh việc dịch hoàn toàn theo nghĩa đen (hoặc word by word), vì có thể dịch sai không đảm bảo chính xác ý tưởng của tác giả. Đặc biệt để hiểu ý nghĩa tài liệu, cần phải hiểu nghĩa theo từng câu, từng đoạn chứ không phải theo từng từ.
4- Tuy nhiên, cũng không nên tránh việc dịch không sát nghĩa đen vì như thế bản dịch có thể không thực, không sát nghĩa. Do đó, cần biết chọn lọc nên giữ lại những ý nào và lược bỏ ý không cần thiết, có thể biên tập lại các câu dịch sao cho không thay đổi với bản gốc.
5- Hạn chế dùng những từ ngữ không phổ biến, hoặc thuật ngữ cũ ít được sử dụng hoặc không hiện hành. Chỉ nên lựa chọn các từ mình nắm rõ và người đọc cũng có thể dễ dàng hiểu được để dịch. Không nên sử dụng các từ ngữ quá khoa trương, cao siêu sẽ làm cho người đọc khó hiểu và không đem lại hiệu quả.
6- Không sử dụng quá nhiều từ đồng nghĩa trong một tài liệu dịch sẽ làm bản dịch trở nên rời rạc.
7- Trong quá trình dịch, khi gặp các câu dài với nhiều mệnh đề và khó dịch, hãy tách thành các câu ngắn để dịch sẽ dễ dàng hơn nhưng phải đảm bảo ý nghĩa để khi ghép các đoạn với nhau sẽ không thay đổi so với bản gốc.
8- Phải luôn đảm bảo các câu trong văn bản dịch không bị rời rạc mà phải có sự gắn kết, liền mạch với nhau, văn phong rõ ràng rành mạch mà vẫn chuẩn xác nghĩa so với bản gốc.
9- Bên cạnh việc luyện tập, rèn luyện các kỹ năng trên, cần phải đọc và tìm hiểu thêm tiếng Anh chuyên ngành ở nhiều lĩnh vực khác nhau: tiếng Anh kinh doanh, tiếng Anh chuyên ngành ngân hàng, tiếng Anh chuyên ngành xây dựng, tiếng Anh chuyên ngành Y, tiếng Anh chuyên ngành môi trường...để có sự am hiểu phục vụ tốt hơn trong quá trình dịch tiếng Anh chuyên ngành.
6. Kết luận
Theo Lâm Quang Đông (2007: 26-27), “Người làm công tác dịch thuật cần nhiều loại kiến thức: ngôn ngữ, văn hoá, kiến thức phổ thông hay kiến thức nền (general or background knowledge) và kiến thức chuyên môn. Họ cần phải thông thạo, có vốn từ vựng phong phú, hiểu biết thấu đáo những vấn đề ngôn ngữ học của cả hai ngôn ngữ, hiểu biết những tương đồng và khác biệt giữa hai ngôn ngữ không những chỉ về ngữ pháp mà còn về ngữ nghĩa và ngữ dụng. Những hiểu biết đó gắn chặt với tri thức văn hoá về đất nước, con người, lối sống, thói quen, phong tục tập quán của hai cộng đồng ngôn ngữ. Đến lượt chúng, tri thức văn hoá lại phải dựa trên một nền tảng tri thức bách khoa vững chắc và liên tục được cập nhật. Cuối cùng, mỗi một chuyên ngành có những thuật ngữ, cách diễn đạt riêng, phong cách riêng, đòi hỏi người làm công tác dịch thuật phải hiểu được chí ít là ý nghĩa, nội hàm của chúng, dẫu rằng không thể sâu như một nhà chuyên môn.” Những yêu cầu đối với một biên dịch viên về các kiến thức như trên không phải là điều dễ dàng đối với những sinh viên bắt đầu tham gia các học phần về biên dịch. Tuy nhiên, một số thủ pháp và các vần đề cần lưu ý trong quá trình dịch thuật đề cập trên có thể góp phần giúp sinh viên thuận lợi hơn trong quá trình luyện dịch.
Tài liệu tham khảo
1. Baker M. (1992), In Other Words, A Course-book on Translation, Routledge.
2. Baker, M. (1992). A Coursebook on Translation. London and NewYork: Routledge.
3. Catford J.C (ed), “Translation Shifts” p.p 70-79 in Chesterman.A. (1989), Readings in Translation Theory, Loimaan Kirjapaino Oy.
4. Delisle J. & et al. (ed), Translation Terminogogy, Amsterdam and Philadelphia: Jonh Benjamins (1999).
5. El Zeini, N. T. (1994).
Criteria for the Evaluation of Translation: A Pragma-stylistic approach (Unpublished doctoral dissertation). Faculty of Arts, Cairo University.
6. Hà Quang Minh (1997), Giải Thích Thuật Ngữ Kinh Tế Anh-Việt Thông Dụng, NXB Giao Thông Vận Tải.
7. Hans. Kathy L (2004), Business Idioms From Silicon Valley. Lê Thành Tâm và Lê Ngọc Phương Anh giới thiệu. NXB Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh.
8. Hartman, K., & Stock, C. (1972). Dictionary of Language and Linguistics. Longman, New York.
9. Hồ Canh Thân, Vương Xuân Huy, Thân Vân Trinh (2007), Soạn Thảo và Dịch Hợp Đồng Thương Mại Quốc Tế. Nguyễn Thành Yến dịch. NXB Tổng Hợp Thành Phố HCM.
10.
http://nnh.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=d40c6b88-29ea-4ee6-a4c5-44d418e8ce31
11. Jones, Roderick (2002), Conference Interpreting Explained, St. Jerome Publishing.
12. Kelly, L. G. (2004). The History of Translation.
13. Koller, W. (1979). Equivalence in Translation. Prentice Hall International (UK) Ltd.
14. Larson, L. (19980. Meaning-based Translation: A Guide to Cross language Equivalence. Lanham, MD:University Press of America and Summer Institute of Linguistics.
15. Meetham, A. & Hudson, R. (1969). Encyclopedia of Linguistics Information and Control. Oxfort: Pergamon.
16. Munday J. (2009), Nhập Môn Nghiên Cứu Dịch Thuật: Lý Thuyết và Ứng Dụng (Trịnh Lữ dịch), NXB Trí Thức.
17. Newmark P. (1981), Approaches to Translation, Pergamon, Oxford.
18. Newmark P. (1988), A Textbook of Translation, Prentice Hall, New York and London.
19. Newmark, P. (1981) Approaches to Translation. Oxford: pergamon Press.
20. Newmark, P. (1995). A Textbook of Translation. B and Jo Enterprise Pre Ltd.
21. Nguyễn Phước Vĩnh Cố (2012)
Các phương pháp và phương thuecs dịch tiếng anh thương mại sang tiếng Việt
22. Nida, E. A., (1984). Approacches to Translating in the Wesstern World, Foreign Languages and Research.
23. Nida, E., & Taber, C. (1974). The Theory and Practice of Translation. Leiden: Koninklijke.
24. Vinay J.P. & Darbelnet J. (ed), “Translation Procedures” p.p 61-69 in Chesterman .A. (1989), Readings in Translation Theory, Loimaan Kirjapaino Oy.
25. Whorf, B. L., Language, Thought and Reality (1956). Cambridge. Mass., MIT Press.