KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO NHÂN LỰC DU LỊCH ĐÁP ỨNG NHU CẦU XÃ HỘI

Thứ năm - 07/06/2018 05:40
Du lịch là một trong những ngành kinh tế có tốc độ tăng trưởng vào loại nhanh nhất và nhu cầu về lao động trong ngành du lịch cũng tăng lên đáng kể. Ở nước ta hiện nay, có khá nhiều trường cao đẳng, đại học đào tạo du lịch nhưng nhìn chung chất lượng đào tạo nhân lực du lịch trên thực tế còn thấp, thiếu tính chuyên nghiệp, yếu về trình độ ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp và hạn chế kinh nghiệm thực tế.
          Có nhiều nguyên nhân của những yếu kém nêu trên, một trong các nguyên nhân chính là công tác đào tạo tại các trường còn non yếu, quy mô, chất lượng chưa đủ để đáp ứng yêu cầu và đòi hỏi của xã hội. Liên kết đào tạo giữa 3 nhà (nhà nước- nhà trường - nhà doanh nghiệp) còn rời rạc, chưa chặt chẽ và kém hiệu quả. Thực tế này đã được nhiều cuộc hội thảo bàn bạc để nhằm tìm ra giải pháp, đã đánh giá về tình hình đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội và đề ra phương hướng mục tiêu, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nhân lực ngành Du lịch theo nhu cầu xã hội đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Việc nâng cao chất lượng trong đào tạo nhân lực du lịch sẽ giúp các trường cao đẳng, đại học tìm được đầu ra phù hợp cho sinh viên của mình, mặt khác giúp các trường đào tạo về du lịch tìm được giải pháp cho việc đào tạo nhân lực có chất lượng hơn. Do vậy, việc nghiên cứu để nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực phục vụ cho du lịch sao cho đáp ứng được với đòi hỏi của thực tế là vấn đề cấp thiết, có ý nghĩa quyết định cho sự tồn tại và phát triển của chính cơ sở đào tạo đó cũng như sự tồn tại của Du lịch Việt Nam. Bản thân là 1 giảng viên với mong muốn sinh viên của mình luôn có được những kiến thức bám sát với thực tế để khi ra trường dễ dàng tìm được việc làm phù hợp với ngành nghề đã được học. Vì thế, tác giả đã lựa chọn chủ đề: “Nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu xã hội” làm chủ đề seminar.
          Từ năm 2007, Bộ GD-ĐT bắt đầu khuyến khích các trường triển khai đào tạo theo nhu cầu xã hội. Theo đó “Các trường phải tiến hành rà soát, đánh giá và điều chỉnh lại tất cả các ngành và chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động; đồng thời khảo sát, đánh giá, dự báo nhu cầu nhân lực của địa phương để có thể tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng cho lao động của các DN”.
          Năm 2008, Hội thảo Quốc gia về “HSSV với đào tạo đáp ứng như cầu xã hội, nhu cầu DN” được Bộ GD-ĐT tổ chức tại TPHCM và đầu cầu Hà Nội đã đặt ra vấn đề là: cần có 1 “tam giác cân” giữa nhà trường - DN - HSSV trong việc tạo ra “sản phẩm” đạt yêu cầu.
          Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long cũng đã khẳng định "Các trường phải dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, tạo các mối liên kết ngang dọc, trên dưới, thường xuyên rà soát chương trình cho phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, phải thành lập Hội đồng trường gồm cả đại diện là DN. Đặc biệt phải điều tra dữ liệu thông tin HSSV sau khi tốt nghiệp để biết hiệu quả đào tạo”.
          Thực trạng: Sau nhiều năm đổi mới, đào tạo nghề du lịch có những bước phát triển, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của xã hội, bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập. Chưa đẩy mạnh các hoạt động phổ biến kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp ở mọi trình độ nhằm đáp ứng nhu cầu của DN.
          Rõ ràng “Hiện nay, mối quan hệ trường và DN còn lỏng lẻo (cả về trách nhiệm và quyền lợi), nên trên thực tế các trường vẫn chủ yếu đào tạo theo khả năng “cung” của mình chứ chưa thực sự đào tạo theo“cầu” của DN.
          Hiện nay có ba nhóm nhu cầu (Nhà nước, DN và người học). Ba nhóm này thường xuyên biến động, thay đổi theo từng giai đoạn; để có thể đào tạo theo nhu cầu xã hội, trước hết phải dự báo được số lượng theo ngành nghề và trình độ đào tạo ở tất cả các cấp từ quốc gia cho đến các vùng miền và địa phương.
          Mặc dù đã có rất nhiều “cái bắt tay” giữa nhà trường và DN trong việc đào tạo nhân lực du lịch đáp ứng với nhu cầu thực tế của xã hội, của DN. Tuy nhiên, sự chủ động phối hợp tham gia của DN, đơn vị sử dụng lao động vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực “đủ tiêu chuẩn” còn rất hạn chế; các DN vẫn"ngại" bắt tay với trường do chưa có ưu đãi hợp lý.
          Điển hình nhất là việc thiếu quan tâm của DN, đơn vị sử dụng lao động đến việc thực hành, thực tập của HSSV. Nhiều em cho rằng, trong quá trình đi thực tập thì cái “điều kiện” được tiếp cận với thực tế và cũng là để vận dụng những kiến thức đã được học là không nhiều; đi thực tập nhưng lại tham quan là chính, gây lãng phí thời gian và công sức.
          Còn các trường vẫn đào tạo theo khả năng sẵn có của mình, hoặc đào tạo theo dự báo của trường; gây ra hiện tượng thiếu thừa cục bộ về nguồn nhân lực, gây lãng phí không chỉ về nguồn lực nhà nước, tiền bạc của dân mà còn lãng phí về thời gian và cơ hội của người học. Mặt khác, sự chồng chéo và trùng lặp trong đào tạo của hệ thống giáo dục cũng là một nguyên nhân của việc thiếu gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu xã hội, giữa đào tạo ban đầu với đào tạo thường xuyên, giữa đào tạo nâng cao và chuyên sâu.
          Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, nhiều trường chưa dựa trên kết quả khảo sát thị trường, phân tích nhu cầu đào tạo, tiêu chuẩn năng lực nghề nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo (yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo). Ngoài ra, do nhu cầu của người học rất lớn, nhưng những bất cập trong cơ cấu hệ thống giáo dục về thời gian, hình thức đào tạo, các loại hình trường lớp, chương trình, văn bằng chứng chỉ còn thả nổi khâu quản lý đầu ra; tạo nên sự chồng chéo, trùng lặp trong đào tạo là một trong các nguyên nhân của việc thiếu gắn kết giữa đào tạo và nhu cầu xã hội.
          Định hướng và các giải pháp: Đào tạo theo nhu cầu xã hội: Cần 1 “tam giác cân”, là ưu tiên hàng đầu, chuyển mạnh từ “cung” sang “cầu”; đẩy mạnh hợp tác với các DN.
          Bộ GD-ĐT: Thành lập cơ quan dự báo, xây dựng cơ chế chính sách năng động để thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội. Tăng cường cơ chế hợp tác giữa nhà trường và nhà tuyển dụng. Xây dựng danh mục nghề và các tiêu chuẩn nghề nghiệp; nới lỏng chương trình khung, tạo điều kiện để nhà trường chủ động trong việc bố trí thời lượng và thuê các kỹ sư, kỹ thuật viên, công nhân giỏi để tham gia đào tạo kỹ năng cho sinh viên.
          Trao nhiều quyền tự chủ cho các trường; đồng thời ưu đãi thuế cho DN đầu tư đào tạo và giám sát chặt chẽ sẽ thúc đẩy quá trình đào tạo nhân lực theo nhu cầu. Tạo cơ chế mở, chuyên biệt, quy định mức học phí gắn với DN, tạo động lực thắt chặt mối quan hệ giữa DN và nhà trường. Xây dựng trung tâm dự báo và hỗ trợ đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực. Đây sẽ là các đơn vị "khám chữa bệnh" của ngành giáo dục.
          Ngoài ra, nhà nước sớm có chủ trương mạnh để xúc tiến thực thi đào tạo theo nhu cầu:
          Thứ nhất là từng DN không thể dự báo được nhu cầu nhân lực của ngành mình và đưa thông tin đó cho các trường và từng trường cũng khó dự báo được. Do đó, Nhà nước phải làm việc dự báo nhu cầu nhân lực và đem thông tin chuyển giao cho các trường.
          Thứ hai là trong quá trình triển khai, các trường cũng cần Nhà nước sử dụng sức mạnh tài chính để phối hợp, hỗ trợ kinh phí.
          Thứ ba là tạo điều kiện để 2 bên gặp gỡ nhau. Hiện nay, không có cơ hội để các DN và cơ sở đào tạo gặp nhau trên diện rộng, có thể trao đổi sâu về  ngành nghề cần tuyển dụng nhằm dự báo tổng thể nhu cầu sắp tới ra sao và làm thế nào để đáp ứng nhu cầu đó.
          Cuối cùng là, địa phương và DN cần coi trọng chính sách liên kết với các trường trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện thực tập cho SV.
          Muốn thực hiện tốt mục tiêu “đào tạo theo nhu cầu xã hội” thì ba nhà bao gồm: nhà nước, nhà trường, nhà DN… phải ngồi lại. Trong đó, tính chủ động của nhà trường vẫn là quan trọng nhất, nhà nước tạo chính sách thông thoáng, phù hợp để nhà trường thực hiện nhiệm vụ của mình và nhà DN được đề cập ở mức độ hỗ trợ chi phí cho đào tạo.
          Các trường: Thâm nhập thực tế, tìm hiểu nhu cầu của các DN và tạo mối liên lạc thường xuyên với DN, đẩy mạnh tư vấn hướng nghiệp cho HSSV. Phải tìm được tiếng nói chung cùng DN qua việc thiết lập quan hệ hợp tác, hỗ trợ đào tạo để rút ngắn khoảng cách trong hoạt động đào tạo, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động với yêu cầu của DN.
Bên cạnh đó, cần thành lập các trung tâm dịch vụ, giới thiệu việc làm và theo dõi HSSV sau khi tốt nghiệp, có liên hệ chặt chẽ với cơ quan dự báo nhu cầu xã hội cấp địa phương và cấp quốc gia góp phần phân luồng sau THCS và THPT đi theo các con đường học vấn khác nhau nhưng vẫn có thể thành công trong tương lai. Mời DN tham gia vào công tác giảng dạy và góp ý về chương trình đào tạo. Việc đào tạo ra những “sản phẩm” đáp ứng nhu cầu của xã hội, DN cũng chính là đáp ứng nhu cầu của HSSV; vì thế, không chỉ DN hay sự nỗ lực của HSSV là đủ, các GV phải tự cập nhất kiến thức, kỹ thuật mới.
          Đơn vị sử dụng lao động: Cùng các trường tham gia đào tạo, không đơn thuần là “bỏ tiền” cho các trường mà các DN nên cùng tham gia vào quá trình đào tạo và tái đào tạo lao động. Không chỉ đơn giản sử dụng “sản phẩm” mà cũng phải cùng với trường đóng góp ý kiến cho chương trình đào tạo được tốt hơn, mở các seminar chuyên sâu cho HSSV.
          Đồng thời, tham gia vào công tác giảng dạy và góp ý về chương trình đào tạo, chất lượng HSSV ra trường và kỳ vọng với các “sản phẩm” của nhà trường. Nếu DN tự tổ chức dạy nghề, cần được hưởng những chính sách chung về chi phí đào tạo theo quy định của Nhà nước. Ngược lại, nếu DN không tự đào tạo, cần đóng góp kinh phí cho đào tạo.
          Giải pháp:Từng bước xây dựng các công cụ giám sát, đánh giá nhằm duy trì và nâng cao tốc độ phát triển nhà trường. Đánh giá chất lượng đầu ra, tiếp tục thu thập các dữ liệu giám sát như: Sự tiến bộ của người học; tỷ lệ tốt nghiệp; phản hồi có tổ chức từ thị trường lao động, từ cựu HSSV,khả năng được tuyển dụng. Đồng thời, thu thập các dữ liệu đánh giá: về sự hài lòng của HSSV; môn học, khóa học, các dịch vụ hỗ trợ HSSV nhằm phản ánh được chất lượng đào tạo nói chung và nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng đối với HSSV tốt nghiệp của trường thông qua khảo sát, phỏng vấn,thống kê, phân tích, đánh giá, so sánh hàng năm.
          Để đạt được mục tiêu của GDĐH là giáo dục trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành, giao tiếp, sáng tạo, giải quyết vấn đề, khả năng thích ứng với môi trường, khả năng tự học, nghiên cứu… phải “xã hội hoá” quá trình đào tạo, hợp tác và lôi cuốn được các đối tác tiềm năng trong xã hội, đặc biệt là các DN và người sản xuất, cùng tham gia vào quá trình đào tạo, làm cho người học gần hơn với môi trường mà họ sẽ làm việc và học được những gì mà sau khi ra trường họ cần sử dụng. Chú trọng khắc phục hiện tượng “cái trường có thì xã hội không cần, cái xã hội cần thì trường không có” hay trường “đơn phương” đào tạo, còn DN lại đứng ngoài cuộc, chỉ biết “tuyển chọn” sản phẩm có sẵn để rồi lại “phê phán” nhà trường đào tạo không sát với nhu cầu. Thực tiễn cho thấy, bản thân các DN cũng không muốn kéo dài tình trạng đó; ngược lại, họ sẽ rất sẵn sàng sát cánh tham gia một khi họ có cơ hội.
          Trong nhiều năm qua, vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo đã được cả xã hội quan tâm và nó đang bước đầu được thể hiện ở những hành động cụ thể; Cơ hội phát triển của nhà tr­ường và khoa cũng có nhiều thuận lợi (các công ty du lịch trên địa bàn đã và đang hình thành phát triển). Đồng thời, trên cơ sở phân tích thực trạng chất lượng đào tạo, những điểm mạnh, yếu, cơ hội và thách thức của Nhà trường, xin đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội như sau:
          1. Điều tra khảo sát nhu cầu lao động thực tế tại các DN để có định hướng xác định nhu cầu tuyển sinh và thay đổi khung chương trình cho phù hợp. Gửi phiếu khảo sát nhu cầu đến các DN; tổ chức hội thảo, giao lưu với các DN hàng năm. Phỏng vấn trực tiếp người sử dụng lao động, cử cán bộ đi tham quan học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị đào tạo khác. Bên cạnh đó việc tổ chức quảng cáo, giới thiệu về hình ảnh, quy mô, ngành nghề đào tạo tới các trường phổ thông để xác định nhu cầu học tập.
          2. Phân loại thành từng nhóm đối tượng để có kế hoạch đào tạo sao cho đem lại hiệu quả và chất lượng, điều chỉnh chương trình trên cơ sở những yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất mà người học cần phải có sau khi ra trường; xác định mục tiêu đào tạo, nội dung, cơ cấu tỷ lệ lý thuyết, thực hành phù hợp với yêu cầu thực tế, không bị chồng chéo. Để đáp ứng nhanh và kịp thời nhu cầu thị trường, nhà trường cần có quyền chủ động quyết định trong việc lựa chọn ngành đào tạo;
          3. Áp dụng phương pháp dạy học nêu vấn đề, tăng cường tổ chức thảo luận, làm bài tập nhóm để giúp HSSV làm quen với các phương pháp NCKH. Nâng cấp CSVC, thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá để đáp ứng yêu cầu đào tạo toàn diện, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Thường xuyên tổ chức hội giảng để GV trau rồi rèn luyện kỹ năng sư phạm. Có quy chế ưu tiên, ưu đãi trong tuyển dụng GV đảm bảo cơ cấu về chuyên môn theo các ngành nghề cân đối; tạo điều kiện cho GV được đi thực tế tại các DN, các cơ sở đào tạo ở trong và ngoài nước. Việc đề bạt, bố trí sử dụng cán bộ, nhất là trình độ sau đại học phù hợp với năng lực, yêu cầu công tác và mức độ cống hiến.                            
          4. Cùng với đầu tư trang thiết bị dạy học, các công trình phụ trợ như nhà đa năng, thư­ viện, cần cải tạo nâng cấp số phòng học hiện có đáp ứng quy mô đào tạo. Tập trung xây dựng uy tín và thương hiệu từ nay đến năm 2020; đào tạo chuẩn theo hình thức tín chỉ và xúc tiến việc liên kết với các cơ sở đào tạo nước ngoài (các trình độ).
          5. Khuyến khích các đơn vị chuyên môn (trung tâm, khoa) đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các cá nhân, đơn vị ngoài trường, theo nguyên tắc “Tôn trọng, bình đẳng đôi bên cùng có lợi”, không làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hoạt động nhà trường. Tiếp tục nhờ các chuyên gia cộng tác với trường thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, nghiên cứu./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Bạn biết khoa Du lịch & Ngoại ngữ - Trường Đại học Sao Đỏ qua kênh nào?

NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập123
  • Hôm nay8,300
  • Tháng hiện tại331,056
  • Tổng lượt truy cập7,401,674
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây