KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

NHỮNG DI SẢN VĂN HÓA VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH HẢI DƯƠNG

Thứ bảy - 28/12/2019 10:42
NHỮNG DI SẢN VĂN HÓA VỚI PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH HẢI DƯƠNG
Nguyễn Đăng Tiến, Khoa Du lịch & Ngoại ngữ

1. Đặt vấn đề
        Di sản văn hoá (di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể) là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Nó bao gồm các di tích cho tới mọi sinh hoạt nghệ thuật, lễ hội, tín ngưỡng, tôn giáo, phong tục tập quán, lối sống nếp sống, hoặc các tri thức dân gian về ngành nghề thủ công, ẩm thực v.v...Các di sản văn hóa này khi được khai thác phục vụ mục đích du lịch được gọi là tài nguyên du lịch nhân văn.
        Những giá trị di sản văn hóa thể hiện rõ nhất những thành tựu, trình độ và bản sắc văn hóa của một cộng đồng tại một không gian và ở một thời gian nhất định, là yếu tố quan trọng hàng đầu góp phần tạo nên các đặc điểm địa - văn hóa của địa phương, là cơ sở chủ đạo quyết định tính "đặc sản, đặc trưng" cho du lịch tại địa phương đó và là một trong những yếu tố tạo nên nhũng sản phẩm du lịch có tính hấp dẫn lớn đối với du khách.
        Hải Dương là tỉnh văn hiến, giàu về bản sắc văn hóa, tuy trải qua những biến cố của lịch sử, sự tàn phá của tự nhiên, nhưng với truyền thống đoàn kết, tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng những giá trị lịch sử văn hóa mà hiện nay Hải Dương còn gìn giữ được nhiều những di sản văn hóa. Đây là những tài sản vô giá, là linh hồn và là niềm tự hào của nhân dân địa phương. Những lợi thế về các di sản văn hóa là điều kiện đặc biệt quan trọng để Hải Dương có thể phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau.
2. Di sản văn hóa - nguồn tài nguyên du lịch nhân văn cho phát triển du lịch
2.1. Các di tích lịch sử - văn hoá
        Hải Dương là vùng đất phát triển gắn liền với lịch sử phát triển đất nước. Lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc đã để lại cho vùng đất này một tài sản vô giá với hàng nghìn di tích lịch sử - văn hoá. Đây là vùng đất đã gắn bó với tên tuổi và sự nghiệp của nhiều danh nhân như Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Mạc Đĩnh Chi, Phạm Sư Mạnh, nơi sinh ra và lớn lên của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, Tuệ Tĩnh.
        Theo thống kê, hiện nay Hải Dương có 1098 di tích đã được kiểm kê, đăng kí, bảo vệ trong đó với 203 di tích và cụm di tích được xếp hạng quốc gia (chiếm 4% tổng số di tích được xếp hạng của cả nước) tính đến 31/12/2007. Trong số những di tích đã xếp hạng có 102 đình, 36 chùa, 35 đền, 3 nhà thờ họ, và 27 di tích khác (miếu, cầu đá, di tích lịch sử cách mạng, danh thắng, lăng mộ…).
        Với tổng diện tích tự nhiên 1651.8km2, mật độ di tích trung bình của tỉnh đạt 1.23 di tích/10km2 (trung bình của cả nước:0.3 - 0.4 di tích/10km2). Có thể đánh giá mức độ tập trung di tích của Hải Dương là khá cao và các di tích phân bố trải rộng trên địa bàn của toàn tỉnh. Đây là yếu tố rất thuận lợi cho hoạt động tham quan du lịch, nghiên cứu văn hoá lịch sử của khách du lịch.
        Các di tích lịch sử và danh thắng tiêu biểu tại Hải Dương đều có những nét kiến trúc độc đáo, có sự giao thoa giữa kiến trúc cổ và hiện đại, kiến trúc phương Đông và phương Tây. Nhiều di tích có giá trị có thể khai thác phục vụ hoạt động du lịch, trong đó có 2 di tích được Bộ VHTT&DL xếp hạng đặc biệt quan trọng của quốc gia là Côn Sơn và Kiếp Bạc.
2.2. Các lễ hội truyền thống
        Hải Dương là nơi có nhiều lễ hội, ngoài những lễ hội chung của cả nước còn có những lễ hội mang đậm bản sắc đặc trưng của địa phương. Các lễ hội thường diễn ra ở nơi có di tích lịch sử - văn hoá, góp phần thu hút đông đảo khách du lịch: hội Côn Sơn - Kiếp Bạc (Chí Linh); hội Đền quan lớn Tuần Tranh (Đồng Tâm - Ninh Giang); hội Đền Yết Kiêu (Yết Kiêu - Gia Lộc); hội Đền Cao (An Lạc - Chí Linh); hội Đền An Phụ (Kinh Môn) v.v…Các lễ hội thường diễn ra quanh năm, nhưng tập trung nhất vào mùa xuân.
        Một số lễ hội chính thu hút khách du lịch của tỉnh:
TT Tên lễ hội Địa điểm Thời gian Nội dung
1 Lễ hội Côn Sơn P.Cộng Hòa, Chí Linh 16-22/1 - Tưởng niệm Huyền Quang, Nguyễn Trãi
- Trò chơi đấu vật, cờ tướng, hát giao duyên
2 Lễ hội Kiếp Bạc Hưng Đạo, Chí Linh 20/8 - Lễ rước Đức Thánh Trần
- Trò chơi đua thuyền, thủy chiến, bơi chải, đấu vật
3 Lễ hội Đền Cao An Lạc, Chí Linh 22-24/1 - Lễ tưởng nhớ 5 anh em họ Vương
4 Lễ hội đền Gốm Cổ Thành, Chí Linh 13-21/8 - Tưởng nhớ vị tướng Trần Khánh Dư
- Trò chơi đua thuyền
4 Lễ hội pháo đất Minh Đức, Tứ Kỳ Tháng 3 - Lễ hội cầu Voi, cầu sấm, cầu mưa
5 Lễ hội đề An Phụ An Phụ, Kinh Môn 1/4 - Tưởng niệm An Sinh Vương Trần Liễu
6 Hội đền Yết Kiêu Yết Kiêu, Gia Lộc 15/1 - Tưởng niệm danh tướng Yết Kiêu
- Múa tứ linh, đàn bát cống, đánh cờ, đánh đáo đĩa …
7 Hội đền Quan lớn Đồng Tâm, Ninh Giang 25/2 - Cúng thần sông
- Hát chầu văn
       
2.3. Các tài nguyên du lịch nhân văn khác
- Các đối tượng du lịch gắn với dân tộc học
        Hải Dương là tỉnh có dân số vào loại trung bình, tổng dân số 1703492 người, chiếm 2.04% dân số cả nước. Dân cư sinh sống trên địa bàn tỉnh chủ yếu là người Kinh, ngoài ra còn có sự cư trú của một bộ phận nhỏ các dân tộc thiểu số như người Hoa, Tày, Mán, Sán Dìu… Tuy nhiên do số lượng người dân tộc là rất nhỏ nên ít tạo được những nét độc đáo riêng, hấp dẫn để thu hút khách du lịch.
        Yếu tố văn hoá, nhân văn được đánh giá có sức hấp dẫn hơn cả là vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng của người dân nơi đây. Hải Dương là một trong những trung tâm lớn của Thiền phái Trúc Lâm (Côn Sơn - Yên Tử - Quỳnh Lâm). Bên cạnh đó, Hải Dương cũng là mảnh đất có nền văn hoá dân gian đặc sắc thuộc khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng. Nơi đây còn lưu giữ nhiều loại hình văn nghệ dân gian đặc sắc như: hát chèo, hát tuồng ở Thạch Lỗi (Cẩm Giàng); hát đối ở Gia Xuyên (Gia Lộc); hát trống quân ở Tào Khê (Bình Giang); xiếc ở Thanh Miện, Ninh Giang; múa rối ở Thanh Hào (Thanh Hà), Lê Lợi (Gia Lộc), Hồng Phong (Ninh Giang) v.v…
        Có thể nói yếu tố dân tộc học đã góp phần không nhỏ vào tổng thể nguồn tài nguyên du lịch của tỉnh, góp phần thu hút du khách, tạo sức mạnh cho phát triển du lịch tỉnh Hải Dương trong hiện tại và tương lai.
- Nghề và các làng nghề truyền thống
        Hải Dương là quê hương của nhiều nghề truyền thống nổi tiếng cả trong và ngoài nước. Theo số liệu thống kê của Sở văn hoá thông tin và bảo tàng Hải Dương, toàn tỉnh hiện có khoảng 35 nghề và làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm độc đáo, nổi tiếng. Việc khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống tạo điều kiện cải thiện chất lượng cuộc sống, góp phần cải thiện kinh tế địa phương, giữ gìn bản sắc văn hoá, lịch sử, đồng thời làm phong phú thêm tiềm năng du lịch cho tỉnh.
        Một số làng nghề thủ công truyền thống của Hải Dương như :Làng Gốm Chu Đậu (Chu Đậu, Nam Sách); làng vàng bạc Châu Khê (Thúc Kháng, Bình Giang); làng nghề trạm khắc gỗ Đông Giao (Lương Điền, Cẩm Giàng); nghề thêu ren Tứ Kỳ (Hưng Đạo, Tứ Kỳ) v.v…
- Ẩm thực
        Cũng như nhiều làng quê Bắc Bộ khác, khách du lịch đến với Hải Dương còn có cơ hội được thưởng thức nét văn hoá ẩm thực phong phú với bánh đậu xanh Hải Dương, bánh gai Ninh Giang, vải thiều Thanh Hà… từ lâu đã nổi tiếng trong và ngoài nước.
        Như vậy, Hải Dương có tiềm năng rất lớn về tài nguyên du lịch nhân văn, đó là những di sản văn hóa mang những nét đặc trưng của địa phương. Với những giá trị di sản văn hóa này là cơ sở tạo nên những loại hình, những sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng cao và có sức hấp dẫn đối với khách du lịch. Nhằm đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của địa phương theo định hướng văn hóa, sinh thái cần dựa trên sự nghiêm túc trong nghiên cứu khai thác, phát huy gắn với tôn tạo, giữ gìn tốt mọi tiềm năng tài nguyên di sản vốn là những thế mạnh hàng đầu của du lịch Hải Dương để có thể có được những sản phẩm du lịch mang nét đặc sắc, đặc thù của địa phương.
3. Kết luận
        Trước hết, phải khẳng định rằng, Hải Dương là vùng đất ẩn tàng nhiều vốn di sản văn hóa mang những giá trị đặc sắc, là những tài nguyên du lịch nhân văn có ý nghĩa và giá trị đặc biệt đối với phát triển du lịch. Sự đa dạng trong di sản văn hóa bao gồm cả di sản văn hóa vật thể (di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di vật, cổ vật …) và di sản văn hóa phi vật thể (lễ hội, văn hóa nghệ thuật, ẩm thực…) là tiềm năng rất lớn cho phát triển du lịch, là cơ sở hình thành nên những loại hình và sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa của khách du lịch trong nước cũng như khách quốc tế.
        Để khai thác triệt để những giá trị di sản văn hóa nhằm phát triển du lịch nói chung và du lịch văn hóa nói riêng, việc quan trọng hàng đầu là phải thường xuyên thực hiện điều tra, thẩm định lại và tiến hành xây dựng kế hoạch nghiên cứu tôn tạo, phát huy các di sản văn hóa trên cơ sở đề cao tính khoa học - nghệ thuật nhằm có thể đạt chất lượng, hiệu quả cao nhất và sự phát triển bền vững cho mọi sản phẩm du lịch của tỉnh. Việc phát triển các hoạt động du lịch trong hiện tại không được mâu thuẫn đối với việc quản lý bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho phát triển du lịch trong tương lai.
 
Tài liệu tham khảo
[1]. Luật di sản Việt Nam (2001, 2009)
[2]. Nguyễn Minh Tuệ và nnk (1999), Địa lý du lịch, NXB TP. Hồ Chí Minh.
[3]. Phạm Trung Lương và nnk (2000), Tài nguyên và môi trường du lịch Việt Nam, NXB Giáo dục.
[4]. Sở Văn hoá - Thể thao - Du lịch Hải Dương, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hải Dương đến năm 2020.
[5]. Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hải Dương (2008), Địa chí Hải Dương - tập I, II, III, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[6]. Tăng Bá Hoành và nnk (1999), Hải Dương di tích và danh thắng tập 1, Sở Văn hóa thông tin Hải Dương.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đăng Tiến

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Bạn biết khoa Du lịch & Ngoại ngữ - Trường Đại học Sao Đỏ qua kênh nào?

NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập89
  • Hôm nay11,812
  • Tháng hiện tại408,269
  • Tổng lượt truy cập7,883,558
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây