KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

NÂNG CAO KỸ NĂNG HOẠT ĐỘNG NGOẠI KHÓA CHO SINH VIÊN NGÀNH VIỆT NAM HỌC ĐÁP ỨNG NHU CẦU HỘI NHẬP

Thứ hai - 14/05/2018 03:13
1. Đặt vấn đề
Hoạt động ngoại khóa là một hình thức tổ chức dạy học, là một dạng hoạt động của sinh viên tiến hành ngoài giờ lên lớp chính thức, ngoài phạm vi quy định của chương trình bộ môn nhằm hỗ trợ cho chương trình nội khóa, góp phần hoàn thiện và phát triển nhân cách, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng sáng tạo của sinh viên, giúp sinh viên không chỉ củng cố và khắc sâu kiến thức, rèn luyện kỹ năng bồi dưỡng tình cảm mà còn tạo ra sự thoải mái, hòa nhập với tập thể, nâng cao ý thức cuộc sống cộng đồng, đáp ứng tâm lý ưa sôi động, thích khám phá cái mới của tuổi trẻ.
        Đối với khoa Du lịch & Ngoại ngữ, trường Đại học Sao Đỏ, SV ngành Việt Nam học chuyên ngành hướng dẫn du lịch sau khi ra trường đều được trạng bị một khối lượng lớn kiến thức lý thuyết cũng như thực tế chung đảm bảo yêu cầu đào tạo nghề nghiệp. Tuy nhiên, kiến thức lý thuyết chưa có sự gắn kết với thực tế, học sinh sinh viên tìm hiểu, tiếp cận các điểm du lịch chủ yếu qua các thông tin đại chúng, sách vở, việc tìm hiểu từ thực tế tại các điểm bằng các chương trình học ngoại khóa còn ít nên sự hiểu rõ, ghi nhớ các thông tin còn nhiều hạn chế. Trong những yêu cầu nghề nghiệp của hướng dẫn viên, ngoài những kiến thức, nghiệp vụ và kỹ năng hướng dẫn, người hướng dẫn viên phải biết tự xây dựng, thiết kế các tuyến điểm du lịch, chương trình du lịch cho phù hợp với sự phát triển du lịch và nhu yêu cầu hiện tại nhằm thỏa mãn những nhu cầu của khách du lịch. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho SV chuyên ngành hướng dẫn du lịch là một việc làm hết sức quan trọng, có tác dụng rất lớn trong việc giúp HSSV khi ra trường có khả năng thích ứng nhanh với môi trường xã hội, rèn luyện tính tự chủ, độc lập và sáng tạo công việc.
2. Mối quan hệ giữa hoạt động ngoại khóa với các hoạt động giáo dục khác trong nhà trường
        Là một yếu tố nằm trong hệ thống giáo dục của trường học, hoạt động ngoại khóa có sự gắn kết chặt chẽ với các hoạt động khác trong nhà trường, nhằm cùng đạt tới mục tiêu chung là giáo dục HSSV phát triển một cách toàn diện.
Đối với công tác chuyên môn chính khóa, công tác giảng dạy trên lớp (hay còn gọi là nội khóa), hoạt động ngoại khóa có sự hỗ trợ tích cực giúp HSSV tiếp thu kiến thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn. Hoạt động ngoại khóa như một sự tiếp nối sinh động, mở rộng cho kiến thức mà học sinh đã lĩnh hội trên lớp, giúp HSSV say mê tìm tòi nghiên cứu nâng cao kết quả học tập của bản thân. Khi bàn về công tác đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường. “Đổi mới phương pháp dạy và học, phát huy tư duy sáng tạo và năng lực tự đào tạo của người học, coi trọng thực hành, thực nghiệm, ngoại khóa, làm chủ kiến thức, tránh nhồi nhét, học vẹt, học chay” [1 ].
        Như vậy, hoạt động ngoại khóa góp phần nâng cao kết quả học tập của sinh viên trong nhà trường, nâng cao kết quả công tác đào tạo, góp phần tích cực vào công tác đổi mới phương pháp dạy và học trong nhà trường.
        Đối với công tác rèn luyện đạo đức, phẩm chất nhân cách cho HSSV, hoạt động ngoại khóa trong nhà trường là môi trường tốt để sinh viên tự giáo dục và rèn luyện, rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân về mọi mặt, rèn luyện bản lĩnh, niềm tin, nhân cách, giao tiếp ứng xử, đối nhân xử thế… học tập những điều tốt và hạn chế cái xấu.
        Đối với công tác giáo dục quản lý đánh giá sinh viên: Hoạt động ngoại khóa sẽ là một yếu tố quan trọng để giáo viên chủ nhiệm, và những người làm công tác quản lý theo dõi trực tiếp học sinh sinh viên đánh giá đúng, đầy đủ, thực chất và toàn diện về HSSV về cả mặt rèn luyện phẩm chất đạo đức và học tập. Nhằm khắc phục tình trạng đánh giá HSSV một chiều, phiến diện. Sinh viên hoặc chỉ là chú trọng kết quả học tập của cá nhân, không quan tâm đến hoạt động chung, không quan tâm đến người khác, không có ý thức tập thể, sống ích kỷ, thu mình… Hay ngược lại chỉ ham các hoạt động giải trí vui chơi mà sao nhãng chuyện học tập. Từ đó các thầy cô giáo có sự giáo dục uốn nắn điều chỉnh kịp thời, giúp các em thấy rõ những khiếm khuyết của mình. Động viên khuyến khích các em nỗ lực học tập và tham gia tích cực các hoạt động chung trong nhà trường. Có phương pháp học tập một cách khoa học đồng thời biết sống vì mọi người, vì tập thể.
3. Thực trạng tổ chức hoạt động ngoại khóa của sinh viên ngành Việt Nam học
3.1. Thuận lợi
        Đảng bộ, Ban giám hiệu nhà trường quan tâm định hướng chỉ đạo sâu sát các hoạt động ngoại khóa thường xuyên của sinh viên, hiểu được vai trò tầm quan trọng của công tác hoạt động ngoại khóa trong công tác đào tạo giáo dục sinh viên một cách toàn diện trong nhà trường.
        Có đội ngũ giảng viên trẻ nhiệt tình, năng động đã hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động chung, đặc biệt các hoạt động ngoại khóa có liên quan đến văn hóa nghệ thuật.
        Có đội ngũ công đoàn vững mạnh, cán bộ đoàn thanh niên chuyên trách, có nghiệp vụ về hoạt động Đoàn và hoạt động phong trào.
        Có cơ sở vật chất khá đầy đủ phục vụ cho hoạt động ngoại khóa như: âm, loa máy, ánh sáng, máy chiếu, máy vi tính...
3.2.  Khó khăn
        Quy mô hoạt động ngoại khóa không thể triển khai thực hiện tập trung vì số lượng sinh viên chưa nhiều.Quỹ thời gian và địa điểm dành cho hoạt động ngoại khóa khó khăn. Thiếu một địa điểm rộng và thích hợp để tổ chức với quy mô toàn trường. Thời gian tổ chức hoạt động ngoài giờ học không thuận lợi.Ý thức trách nhiệm và nhiệt tình của cán bộ, giảng viên đối với hoạt động ngoại khóa cho sinh viên trong nhà trường chưa cao.
3.3. Nội dung chương trình hoạt động ngoại khóa                        
        Nội dung của chương trình hoạt động ngoại khóa chủ yếu tập trung giáo dục tuyên truyền chính trị tư tưởng, lối sống hoặc vui chơi giải trí đơn thuần, chưa có sự gắn kết với nội dung chuyên môn, nội dung giáo dục nghề nghiệp trong sinh hoạt ngoại khóa. Tác dụng giáo dục tuyên truyền chưa sâu rộng đến mọi sinh viên.
 Bảng 1: Một số hoạt động ngoại khóa đã triển khai thực hiện
Chính trị,
 đạo đức,
 lối sống
Tình yêu,
 thanh niên
VHVN,
TDTT
Chuyên môn
Tuần sinh hoạt chính trị đầu năm học Câu lạc bộ tình bạn Các cuộc giao lưu, văn nghệ thể thao. Các cuộc thi chuyên ngành
Các cuộc thi tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh, phòng chống AIDS, phòng chống ma túy... Các cuộc thi nữ sinh thanh lịch, thời trang trẻ, phong cách nhạc trẻ. Các cuộc thi đua chào mừng các ngày 3/2; 26/3; 19/5; 20/11... Các cuộc ngoại khóa chuyên môn, nói chuyện chuyên đề.
Các hoạt động từ thiện      
          
        Nội dung hoạt động ngoại khóa phần lớn đều thể hiện qua các hình thức như biểu diễn văn nghệ, thi đấu thể thao... ít có những cuộc giao lưu trao đổi giữa các lớp, các khoa trong nhà trường hoặc giao lưu với các đơn vị ngoài giờ học ở  trường. Hoạt động ngoại khóa chiếm đa số là hình thức sân khấu, VHNT, tiếp đó là thuyết trình còn các hình thức diễn đàn và giao lưu, câu lạc bộ chiếm tỉ lệ thấp.
3.4. Tổ chức hoạt động ngoại khóa
        Hoạt động ngoại khóa của khoa được Đoàn thanh niên và Công đoàn lên kế hoạch, tổ chức dưới sự chỉ đạo của Khoa. Hoạt động ngoại khóa được tổ chức với rất nhiều hình thức như các hoạt động VHNT và TDTT chào mừng các ngày lễ lớn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, chính trị, pháp luật, giáo dục giới tính, sức khỏe..., tổ chức phong trào thi đua học tập và nghiên cứu khoa học, phát động phong trào thanh niên tình nguyện, phát động phong trào phòng chống tệ nạn xã hội, xây dựng nếp sống lành mạnh trong sinh viên.
        Nhìn chung, các hình thức tổ chức hoạt động ngoại khóa khá phong phú, phù hợp và nhiều hoạt động đã mang lại kết quả tốt.
        Song có thể nhận thấy rằng các hoạt động ngoại khóa này vẫn chưa thực sự hấp dẫn và chưa tạo được sự quan tâm của các em. Các buổi ngoại khóa được tổ chức giáo dục, tìm hiểu về chính trị, pháp luật, sức khỏe, giới tính, phòng chống ma túy, HIV/AIDS... thu hút ít sinh viên tham gia. Các buổi văn nghệ để chào mừng các ngày lễ lớn, các cuộc thi của các chi đoàn, trừ những em tham gia trực tiếp và một số sinh viên có ý thức đến cổ vũ cho lớp, số còn lại nếu như không có công tác điểm danh, và đánh giá vào ý thức hạnh kiểm của các em thì số lượng không tham gia chiếm tỷ lệ khá nhiều.
        Với đặc thù đào tạo của khoa là đào tạo 4 chuyên ngành Ngoại ngữ du lịch, hướng dẫn Du lịch, vì vậy các hoạt động ngoại khóa như tổ chức văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều các hoạt động ngoại khóa phục vụ cho chính chuyên ngành học của mình.
Bảng 2: Các hoạt động ngoại khóa của khoa DL&NN đã được tổ chức
TT Khóa Nội dung ngoại khóa Hình thức tổ chức Kết quả
1 2 - Biểu diễn hoạt động  văn nghệ, thời trang chào mừng ngày 20/11
- Tham quan thực tế tại Ninh Binh,  Hà Nội
Hoạt động văn hóa - văn nghệ
Thực tế, dã ngoại
   Hoàn thành    
Đạt yêu cầu
2 3 - Hội thi nữ sinh thanh lịch
- Cắm trại chào mừng 40 năm ngày thành lập trường Đại học Sao Đỏ
- Thi cắm hoa, nấu ăn, văn nghệ
- Tham quan thực tế tại Nam Định, Hà Nội, Hà Tây
 
 
Hoạt động văn hóa - văn nghệ
 
Thực tế, dã ngoại
Thành công
 
Đạt giải 3
3 4 - Hội thi nữ sinh thanh lịch
- Đêm văn nghệ chào mừng trường lên Đại học cùng khoa Hóa Thực Phẩm
- Thi cắm hoa, nấu ăn
- Nhóm Tình nguyện Thiện Nguyện, Tay chung tay
Hoạt động văn hóa - văn nghệ, tổ chức sự kiện giao lưu
 
Hoạt động câu lạc bộ
 
Thành công
 
Đang thực hiện tốt
4 5 - Thi bóng đá nữ
- Cầu lông, bóng chuyền
- Câu lạc bộ du lịch
Hoạt động văn hóa
 
Câu lạc bộ
Giải 3 toàn trường
Chưa duy trì được hoạt động
5 TCK8,9,10 - Hoạt động cắm hóa, nấu ăn
- Hoạt động thể thao, văn nghệ
- Đón Noen
- Câu lạc bộ du lịch
- Tham quan thực tế tại Hải Dương, Hà Nội
Hoạt động văn hóa - văn nghệ
 
Câu lạc bộ
Thực tế, dã ngoại
Hoạt động nhỏ lẻ chưa có quy mô, sự thành công chưa cao

3.5. Kết quả
        Do công tác đánh giá thi đua khen thưởng sau các đợt tổ chức hoạt động ngoại khóa chưa được thực hiện kịp thời và thường xuyên, vì vậy chưa tạo được động lực khích lệ thúc đẩy ý thức tham gia của cán bộ giảng viên và HSSV. Chưa tạo hiệu quả trong hoạt động, nhiều cá nhân cán bộ giảng viên, sinh viên còn thờ ơ với các hoạt động phong trào, hoạt động ngoại khóa, chưa nhiệt tình tham gia.
3.6. Nguyên nhân
        Vì sao hoạt động ngoại khóa chưa đạt hiệu quả cao, trong khi thực tế chúng ta có rất nhiều yếu tố thuận lợi cho hoạt động ngoại khóa.
        Cán bộ giảng viên chưa nhận thức đúng về vai trò của hoạt động ngoại khóa, chưa thấy được trách nhiệm của mình trong tổ chức hướng dẫn sinh viên tham gia hoạt động ngoại khóa.
        Trên thực tế phiếu điều tra, khi được hỏi về vai trò của hoạt động ngoại khóa đối với công tác giáo dục sinh viên trong nhà trường. 100% cán bộ giảng viên đuợc hỏi đều trả lời với kết quả là quan trọng và rất quan trọng. Song trong thực tế kết quả lại ngược lại. Rõ ràng vẫn còn có một số giảng viên chưa hiểu hết được tầm quan trọng của công tác hoạt động ngoại khóa, điều đó dẫn đến tình trạng giáo viên chưa thật sự nhiệt tình trong các hoạt động ngoại khóa. Vì vậy, giảng viên chưa quán triệt công tác hoạt động ngoại khóa đến sinh viên, chưa đưa ra được các hình thức để phổ biến mục tiêu, nội dung và ý nghĩa của hoạt động để thu hút sự quan tâm và tham gia nhiệt tình từ phía sinh viên.
4. Giải pháp nâng cao việc tổ chức hoạt động ngoại khóa cho sinh viên ngành VNH
        Hoạt động ngoại khóa là một trong những mảng hoạt động giáo dục quan trọng ở nhà trường, hoạt động này có ý nghĩa hỗ trợ cho giáo dục, góp phần phát triển nhân cách toàn diện cho sinh viên. Cụ thể:
        - Tham gia các hoạt động ngoại khóa giúp sinh viên giải tỏa căng thẳng trong việc học, nâng cao sức khỏe.
        - Hoạt động ngoại còn có tác dụng bổ sung, củng cố mở rộng kiến thức, kỹ năng của môn học trong chương trình chính khóa cho sinh viên.
        - Đặc biệt, tham gia hoạt động ngoại khóa còn giúp sinh viên phát triển kĩ năng: kỹ năng nói trước đám đông, kỹ năng giao tiếp - ứng xử , kỹ năng giải quyết tình huống; kỹ năng làm việc nhóm…
        Trong những năm học qua, các khoa, bộ môn trong nhà trường cũng đã tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa cho sinh viên dưới các hình thức phong phú như: Tìm hiểu về đất nước và con người  Vương Quốc Anh (Khoa Ngoại ngữ); Sân khấu hóa (Khoa KH xã hội và nhân văn); Thi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh (Bộ môn Lý luận chính trị); Tìm hiểu về Luật phòng chống tham nhũng (Bộ môn Lý luận chính trị); các hoạt động xã hội (hoạt động từ thiện), văn nghệ, thể dục thể thao, tình nguyện...đã góp phần bổ sung, mở rộng kiến thức trong môn học cho sinh viên.         Tuy nhiên, các hoạt động ngoại khóa bổ trợ cho kỹ năng nghề nghiệp thì ít được quan tâm.
        Giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho sinh viên là một trong những hoạt động có vai trò to lớn trong việc bổ trợ kỹ năng nghề nghiệp cho các em. Từ năm học 2014-2015 cho tới nay  Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự đã đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên trong tuần sinh hoạt công dân bước đầu sinh viên cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của kỹ năng sống, kỹ năng mềm và cũng đã trang bị cho sinh viên một số kỹ năng. Tuy nhiên, thời gian rèn luyện kỹ năng quá ít, hơn nữa việc thực hiện giáo dục kỹ năng sống cho sinh viên chưa được thực hiện thường xuyên mà chỉ tập trung vào đầu năm học nên hiệu quả chưa cao.
        Vì vậy, để nâng cao chất lượng giáo dục nhà trường không chỉ nâng cao chất lượng dạy học nhà trường mà còn phải nâng cao chất lượng các hoạt động ngoại khóa, tôi xin đề xuất một số biện pháp sau đây:
        * Đối với Nhà trường:
        - Nhà trường tuyển chọn những giảng viên trẻ nhiệt tình, tâm huyết, có khả năng lực tổ chức các hoạt động ngoại khóa  để bồi dưỡng, tạo điều kiện cho các giảng viên tham gia các lớp tập huấn nghiệp vụ công tác Đoàn Đội; tham gia các lớp giáo dục kỹ năng sống để giảng viên được nâng cao năng lực bản thân, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
        - Tạo điều kiện về cơ sở vật chất, đầu tư hơn nữa kinh phí cho các hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục kỹ năng sống. 
        * Đối với Khoa, Bộ môn:
        - Mỗi giảng viên và sinh viên cần nâng cao nhận thức về vai trò của hoạt động ngoại khóa, xác định ý thức trách nhiệm đối với hoạt động. Tự bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho bản thân.
        - Cùng với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hằng năm Bộ môn Hướng dẫn du lịch chung phối kết hợp với các giảng viên làm công tác Đoàn, Đội giáo dục những kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho sinh viên như: Kỹ năng tư duy tích cực, kỹ năng giao tiếp-ứng xử; kỹ năng nói trước đám đông; kỹ năng làm việc nhóm; kỹ năng tìm kiếm việc làm; kỹ năng hoạt động tập thể…hoạt động này sẽ được thực hiện theo học kỳ trong năm học, bởi lẽ rèn luyện bất kì một kỹ năng nào cũng phải được rèn luyện thường xuyên thì kĩ năng mới được củng cố vững chắc., nhờ đó kỹ năng nghề nghiệp của sinh viên sẽ được nâng cao. 
        - Khoa và bộ môn tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa gắn nội dung hoạt động với nội dung môn học chuyên ngành và các hoạt động giao lưu kết nghĩa với các trường THPT kết nghĩa và lân cận, các doanh nghiệp...
- Bộ môn Hướng dẫn du lịch tăng cường đi thực tế phổ thông, dự giờ dạy mẫu, dự các hoạt động trải nghiệm trong môn học, các hoạt động ngoại khóa để nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực tổ chức các hoạt động, từ đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho nhà trường.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Dục Quang (Chủ biên) – Ngô Quang Quế, Hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, NXB Đại học sư phạm, 2007.  
2. Nguyễn Thanh Bình, Giáo dục chuyên đề Giáo dục kĩ năng sống, NXB Đại học sư phạm, 2010.
3. Nhóm tác giả Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, Nghiên cứu, xây dựng chương trình hoạt động ngoại khóa cho SV chuyên ngành hướng dẫn du lịch khoa Du lịch và Ngoại ngữ”Đề tài nghiên cứu khoa học năm 2016

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Sao

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập38
  • Hôm nay7,437
  • Tháng hiện tại171,923
  • Tổng lượt truy cập11,905,328
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây