KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

VAI TRÒ CỦA NGÔN NGỮ CƠ THỂ TRONG HOẠT ĐỘNG HƯỚNG DẪN DU LỊCH

Thứ ba - 25/09/2018 23:49
Để trở thành một hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp và thành công đó là niềm hạnh phúc và ước ao của biết bao bạn trẻ ngày nay. Tuy nhiên, để đạt được điều đó nghề hướng dẫn viên du lịch cũng đòi hỏi nhiều kỹ năng bên cạnh những kiến thức về lịch sử, địa lý, văn hóa, phong tục tập quán…
          Khi thuyết minh trước đoàn khách, hướng dẫn viên du lịch không chỉ trình bày những kiến thức, hiểu biết của bản thân về tuyến điểm du lịch mà phải làm thế nào để du khách cảm thấy lời thuyết minh của hướng dẫn viên có “hồn” và hấp dẫn người nghe. Một trong những kỹ năng làm nên điều đó là kỹ năng sử dụng ngôn ngữ cơ thể trong hoạt động hướng dẫn du lịch.
          Có nhiều khái niệm về ngôn ngữ cơ thể. Nhìn chung ngôn ngữ cơ thể hay phi ngôn ngữ là những hành vi, cử chỉ, điệu bộ… của mỗi người khi giao tiếp. Một phần nào đó, thể hiện nội dung, thái độ, văn hóa… khi giao tiếp và là phương tiện trong giao tiếp. Theo các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực này thì giao tiếp phi ngôn ngữ chiếm tới 75% sự thành công trong toàn bộ quá trình giao tiếp. Nếu sử dụng không đúng cách, không đúng thời điểm thì hậu quả mang lại sẽ là vô cùng đáng tiếc...
          Đối với người hướng dẫn viên du lịch khi thực hiện công việc của mình thường sử dụng ngôn ngữ cơ thể sau:
          Ánh mắt: Đôi mắt được ví là cửa sổ của tâm hồn, là yếu tố bộc lộ rõ nhất cảm xúc của con người. Ánh mắt đi kèm theo lời nói sẽ làm cho lời nói truyền cảm hơn, tự tin hơn, thuyết phục hơn. Hướng dẫn viên du lịch khi giao tiếp bằng mắt với khách cần phải bao quát toàn bộ đoàn khách, tuyệt đối tránh nhìn vào khuyết điểm trên khuôn mặt hay tay, chân khách.
          Nụ cười: Nụ cười được xem là một trang sức trong giao tiếp và cũng là phương tiện làm quen hay xin lỗi rất tinh tế, ý nhị. Hướng dẫn viên du lịch cần phải biết sử dụng nụ cười đúng lúc, hợp lý. Khi đón tiếp đoàn khách nụ cười cần nở trên môi để du khách cảm nhận được niềm vui của hướng dẫn viên khi được phục vụ đoàn; ngược lại khi chia tay khách hay thuyết minh tại những điểm du lịch là những chứng tích chiến tranh cần phải hạn chế nụ cười mà thay vào đó là sự lưu luyến, nuối tiếc khi chia tay du khách hay thể hiện sự đau thương, mất mát trong chiến tranh.
          Nét mặt: Nét mặt là nơi biểu lộ rõ cảm xúc của con người. Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng trên khuôn mặt của con người thể hiện 250.000 cảm xúc. Là hướng dẫn viên du lịch khi thực hiện công việc của mình cần phải phù hợp với hoàn cảnh công việc đang làm, tránh để du khách cảm thấy như hướng dẫn viên đang làm việc chỉ vì nghĩa vụ.
Đôi tay: Theo các nhà nghiên cứu lượng thông tin được thu nhận qua mắt là 75%, và qua tai chỉ là 12%. Do đó, muốn thu hút được sự chú ý của người nghe, chuyển động của cơ thể càng phải linh hoạt, năng động. Mà trên cơ thể người, đôi tay là nơi linh hoạt nhất. Với hướng dẫn viên du lịch đôi tay được sử dụng rất nhiều trong khi chỉ dẫn, thuyết minh về đối tượng tham quan. Và như vậy, khi chỉ dẫn thuyết minh cho du khách, bàn tay cần phải được để ngửa, hơi khum với các ngón tay khép lại ở tư thế thoải mái. Bên cạnh đó cũng cần chú ý luôn giữ vệ sinh sạch sẽ đôi tay, bởi lẽ khi hướng dẫn viên dùng tay để chỉ dẫn đối tượng tham quan, du khách sẽ nhìn theo sự chỉ dẫn đó của hướng dẫn viên. Ngoài ra, cũng cần phải tránh chỉ tay một ngón hay chống nạnh, khoanh tay trước ngực khi nói chuyện với du khách. Điều này sẽ khiến du khách nghĩ hướng dẫn viên thiếu thân thiện hoặc đang tự cao, tự đại. 
          Tư thế ngồi, đứng, đi lại: Tất cả những điều này đều nói lên phong cách của một con người. Chỉ qua những hành động rất nhỏ trong việc ngồi, đứng, đi lại người giao tiếp đều có thể đánh giá đó là con người lịch sự hay thô thiển, hoạt bát hay chậm chạp… Với hướng dẫn viên khi thực hiện công việc của mình thường xuyên phải di chuyển trước đoàn khách làm nhiệm vụ dẫn đường và đứng khi chỉ dẫn thuyết minh cho du khách. Do đó cần phải chú ý, khi đứng cần lựa chọn vị trí thích hợp đảm bảo vừa quan sát đoàn khách, vừa chỉ dẫn được đối tượng tham quan. Đứng với tư thế lưng thẳng, đầu ngẩng vừa phải để có tầm bao quát rộng, hai chân dang rộng thích hợp để tạo sự thoải mái nhưng không được rộng quá hai bên vai. Khi di chuyển phải có mục đích để thuyết trình hay để dẫn đường cho đoàn khách. Không hấp tấp, vội vã nhưng đồng thời cũng không kéo lê giầy dép khi di chuyển.
          Tóm lại giao tiếp phi ngôn ngữ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình giao tiếp, trong một vài trường hợp thông điệp qua ngôn ngữ không lời còn có giá trị sâu sắc hơn cả ngôn ngữ nói. Là hướng dẫn viên du lịch cần phải biết sử dụng hiệu quả ngôn ngữ không lời trong hoạt động thuyết minh của mình. Việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa cử chỉ, điệu bộ, nét mặt… cùng với ngôn ngữ nói sẽ giúp hướng dẫn viên thành công hơn trong công việc của bản thân./.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hương Huyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập58
  • Hôm nay7,332
  • Tháng hiện tại139,539
  • Tổng lượt truy cập11,872,944
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây