Người Việt Nam ta từ ngàn xưa đã có truyền thống hiếu học, “tôn sư trọng đạo” vô cùng quý báu. Qua thời gian, truyền thống ấy vẫn được nhân dân và bao thế hệ học trò gìn giữ, phát huy. Ai đó đã nói: “Cuộc đời mỗi con người như một dòng sông chảy xuôi dòng lịch sử”. Dòng sông ấy có êm đềm hay đầy ghềnh thác, sóng gió, dòng sông ấy có đưa ta đến ngọn nguồn hạnh phúc, đến bến bờ vinh quang hay không chính là nhờ một phần lớn ở công lao của những người lái đó thầm lặng. Họ là những người thầy rất mực khả kính, những người dành cuộc đời mình tận tụy, chắt chiu phù sa từ “dòng sông cuộc đời” của chính mình để nuôi dưỡng tâm hồn nhiều thế hệ học sinh. Có lẽ, người Việt Nam ở mọi thế hệ, dù đã đi đến bến bờ nào trong cuộc đời, thì mỗi khi thấy gió heo may thổi, lại tự lắng lòng mình để hướng về bến bờ yêu thương ấy - bình yên.
“Con đò mộc - mái đầu sương
Mãi theo ta khắp muôn phương vạn ngày
Khúc sông ấy vẫn còn đây
Thầy đưa tiếp những đò đầy sang sông”
Những câu thơ xúc động tri ân người thầy luôn có sức mạnh lay động lớn lao, đủ để ta phải tự vấn lòng mình: “Mấy ai qua sông còn trở lại thăm bến đò xưa?” Sự thật lại có khi nghiệt ngã. Vậy nhưng, thầy cô vẫn thầm lặng yêu thương dìu dắt biết bao thế hệ học trò sang sông. Rồi mai đây, ta bước tiếp trên đường đời đầy gian khó mới thấy hành trang thầy cô cho ta chính là điểm tựa vững chắc để thành công. Có những khi “sóng cả, gió lớn”, ta chòng chành giữa dòng đời xuôi ngược, phải chăng ai cũng nghĩ đến những yêu thương, những kiến thức quý báu mà thầy cô đã trang bị cho ta, để rồi lại vững vàng vượt qua sóng gió, ngẩng cao đầu tiến đến vinh quang…
Bến bình yên - xin được dành những từ ngữ thiêng liêng ấy để tri ân những thầy giáo, cô giáo nhân ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam. Bến bình yên là nơi yêu thương ấp ủ, nơi tâm hồn nương náu và tri thức vươn cao. Bằng trái tim ấm áp đầy bao dung, người thầy thương những học sinh khó khăn, buồn những sai phạm của trò và hân hoan khi các em thành công. Trái tim ấy truyền lửa không mệt mỏi, cho lớp lớp người học với những đạo lý, những kiến thức, kinh nghiệm cần thiết. Nơi ấy, mỗi học sinh đều cảm thấy mình được quan tâm đầy đủ, được thể hiện hết mình, không lo bị phán xét, bị vùi dập. Đó chẳng phải là nơi tâm hồn muốn hướng về để mà bé lại, để mà thơ dại, để được bình yên hay sao?
Thời gian cứ trôi, vô hình, có đôi khi nghiệt ngã. Xã hội hiện đại kéo theo những biến đổi lớn lao từ đời sống vật chất đến tinh thần của con người. Một số giá trị tinh thần cao đẹp vô tình bị lãng quên. Đáng quý thay, người Việt Nam trọng đạo lý vẫn nâng niu tình cảm thầy-trò qua nhiều thế hệ. Có thể nói người thầy nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam là “vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời) - thầy giáo Chu Văn An. Thầy nổi tiếng với học vấn sâu rộng, tư cách thanh cao, sửa mình trong sạch, giữ gìn tiết tháo, không màng danh lợi. Danh tiếng của thầy lan xa khắp chốn. Cho đến tận ngày nay và mãi mãi về sau, cả dân tộc vẫn tôn kính tìm đến thầy để đến với ngọn nguồn của sự học chân chính. Lịch sử ta còn ghi ơn biết bao thầy giáo vĩ đại như Nguyễn Bỉnh Khiêm, , Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Thiếp, Lê Quý Đôn… Những tấm gương sáng ngời ấy không chỉ để học trò noi theo, mà còn là những hình tượng mẫu mực để người thầy đời sau soi mình.
Mỗi phút giây ta nhớ về thầy cô là khoảng thời gian ta thả trôi lòng mình ngược dòng về với bến bình yên ấy. Dòng sông cuộc đời vẫn hối hả trôi, dù cho hôm nay ta đã đến được bến đỗ thành công hay vẫn đang mải miết tìm bờ, vẫn xin được dừng lại để hướng về nơi ấy, nơi có “bến đò thầm lặng”, có tình thầy bao la, ấm áp để con tìm thấy bình yên trong tâm hồn, để con vững vàng đi tiếp trên đường đời.