KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

SỰ ẢNH HƯỞNG CỦA TÔN GIÁO, TÍN NGƯỠNG ĐẾN DU LỊCH VIỆT NAM

Thứ hai - 04/12/2017 05:49
Tôn giáo luôn là một vấn đề nhạy cảm, nhưng không vì thế mà chúng ta tránh né hay không bàn đến khía cạnh khai thác các giá trị của tôn giáo trong phát triển du lịch. Chúng ta có thể xem tôn giáo như là một nguồn lực (một dạng tài nguyên) để phát triển du lịch, không chỉ là một nguồn lực thông thường mà là “một nguồn lực trí tuệ” như một chuyên gia về tôn giáo học đã phát biểu.
            Việc khai thác các giá trị của tín ngưỡng, tôn giáo trong hoạt động du lịch đã được nhiều nước trên thế giới khai thác dưới các hình thức chẳng hạn như du khách Islam đi hành hương đến thánh địa Mecca ở Ả Rập Saudi, tín đồ đạo Phật đến Nepal chiêm bái những thánh tích của đạo Phật... Ở Việt Nam, số lượng người tham gia vào các chuyến du lịch tôn giáo ngày càng tăng lên và trở thành một nhu cầu thật sự, cần được các nhà hoạch định phát triển du lịch quan tâm và nghiên cứu. Trong bài thảo luận này, tôi chỉ đề cập đến hướng phát triển du lịch tôn giáo ở Việt Nam và ảnh hưởng của tôn giáo đến du lịch VN trong những năm gần đây.
1. Tôn giáo và tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam
            Ðạo Phật
            Phật giáo được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ thứ 2, đến đời Lý (thế kỷ thứ 11) Phật giáo ở vào giai đoạn cực thịnh và được coi là hệ tư tưởng chính thống. Phật giáo được truyền bá rộng rãi trong nhân dân và có ảnh hưởng sâu sắc tới đời sống xã hội, để lại nhiều dấu ấn trong lĩnh vực văn hoá, kiến trúc. Nhiều chùa, tháp được xây dựng trong thời kỳ này.
            Cuối thế kỷ thứ 14, Phật giáo phần nào bị lu mờ, nhưng những tư tưởng của Phật giáo còn ảnh hưởng lâu dài trong đời sống xã hội và sinh hoạt của Việt Nam. Hiện nay, số người theo đạo Phật và chịu ảnh hưởng của đạo Phật khoảng trên 70% số dân cả nước.
            Công giáo
            Ðược du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 17, nơi tập trung nhiều tín đồ Thiên Chúa giáo ở Việt Nam hiện nay là vùng Bùi Chu - Phát Diệm (tỉnh Ninh Bình) và vùng Hố Nai - Biên Hoà (tỉnh Ðồng Nai). Số lượng tín đồ theo đạo Kitô chiếm khoảng trên 5 triệu người.
            Ðạo Tin Lành
            Ðược du nhập vào Việt Nam vào năm 1911 nhưng ít được phổ biến. Hiện nay, các tín đồ theo đạo Tin Lành sống chủ yếu ở vùng Tây Nguyên. Tại Hà Nội cũng có nhà thờ đạo Tin Lành tại phố Hàng Da. Số tín đồ theo đạo Tin Lành khoảng trên 400 nghìn người.
            Ðạo Hồi
            Ðạo Hồi du nhập vào Việt Nam khá sớm, tín đồ đạo Hồi chủ yếu là người Chăm ở miền Trung , có khoảng hơn 60 nghìn người.
            Ðạo Cao Ðài
            Xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1926. Toà thánh Tây Ninh là trung tâm hội tụ những người theo đạo Cao Ðài ở miền Nam. Số tín đồ theo đạo này khoảng hơn 2 triệu người.
            Ðạo Hoà Hảo
            Xuất hiện ở Việt Nam năm 1939. Số tín đồ theo đạo này khoảng trên 1 triệu người, chủ yếu ở miền Tây Nam bộ.
            Tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu
            Trong đời sống tâm linh của người Việt Nam đã từng tồn tại nhiều hình thức tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Người Việt có tục thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng làng, thờ Phật, thờ các thần linh, thờ các anh hùng có công với nước, với dân..., đặc biệt thờ Mẫu (Mẹ).
            Thờ Mẫu có nguồn gốc của tục thờ thần thời cổ đại, thờ các nữ thần núi, rừng, sông, nước. Sau này, Mẫu được thờ ở các đền, phủ, và Mẫu luôn được đặt ở vị trí trang trọng nhất.  Thờ Mẫu có nguồn gốc ở miền Bắc, vào đến miền Nam, "Ðạo" này đã hoà nhập "Mẫu" với các nữ thần trong tín ngưỡng địa phương: Thánh Mẫu Thiên Y A Na (Huế), Thánh Mẫu Linh Sơn (Tây Ninh)
            Trong thực tế việc thờ cúng của "Ðạo" Mẫu có sự hội nhập các hình thức của nhiều tôn giáo khác. Ngày nay, tín ngưỡng dân gian được coi trọng nên nhiều đền, phủ đã và đang được phục hồi và hoạt động sôi nổi.
2. Thực trạng hoạt động du lịch tâm linh
            Từ trước đến nay người ta vẫn thấy được thế mạnh của các điểm tôn giáo, tín ngưỡng trong kinh doanh du lịch. Các điểm này luôn tiêu biểu cho giá trị văn hóa của một quốc gia, dân tộc nên có sức hấp dẫn tự nhiên đối với du khách từ nơi khác đến. Còn đối với người dân trong vùng, đó là nơi họ thường xuyên lui tới cho những ước vọng về đời sống tinh thần. Khi cuộc sống của con người ngày càng đề cao các giá trị tinh thần thì việc đi thăm viếng các công trình tôn giáo, tín ngưỡng để thưởng ngoạn cảnh quan thanh bình, xa rời thế tục, tham gia vào các hoạt động tại đây như nghe giảng kinh pháp, tọa thiền, ăn chay, làm từ thiện … đang trở thành một xu hướng của cuộc sống hiện đại. Hoạt động “du lịch tâm linh” từ đó ra đời với ý nghĩa giúp du khách: “thăm viếng trái tim và tâm trí của những bậc hiền triết” (Cựu tổng thống Ấn Độ, tiến sỹ A. P. J Abdul Kalam), hướng con người tới thiện tâm.
            Tuy nhiên, cùng với sự tham gia của hoạt động du lịch là quá trình thương mại hóa các giá trị tâm linh, dẫn đến nhiều mâu thuẫn nội tại. Đó là mâu thuẫn giữa những người tham gia vào hoạt động tại các điểm tôn giáo, tín ngưỡng khi mục đích của họ không đồng nhất. Đó là mâu thuẫn về việc sử dụng và đáp ứng các dịch vụ cho du khách. Đó là mâu thuẫn về chi phí và đóng góp cho các công tác nảy sinh khi có hoạt động du lịch. Đây là những vấn đề tiêu biểu nhất mà khi xem xét khai thác bất cứ một điểm tôn giáo, tín ngưỡng nào phục vụ hoạt động du lịch cần quan tâm giải quyết.
            Việt Nam là quốc gia có tiềm năng du lịch tâm linh rất lớn với hệ thống các đình, đền, chùa, miếu, quán, lăng … dọc theo chiều dài của đất nước, rộng cùng 54 dân tộc anh em và sâu trong bốn ngàn năm lịch sử. Các nhà kinh doanh du lịch cũng đang từng bước khám phá và khai thác các giá trị này với một số các công trình mới có quy mô như khu Bái Đính Tràng An (Ninh Bình), khu Đại Nam Quốc Tự (Bình Dương), công viên Tâm Linh (Đà Nẵng) … Để việc kinh doanh du lịch tại cả các công trình cũ và mới đi đúng hướng, bài trao đổi đề cập đến một số vấn đề vướng mắc trên để các nhà quy hoạch, quản lý có được cái nhìn chiến lược trong từng bước phát triển loại hình du lịch này ở nước ta.
            Nắm bắt được nhu cầu của đông đảo người dân, các công ty du lịch lữ hành đã đầu tư vào lĩnh vực du lịch tâm linh. Du lịch tâm linh không chỉ đơn thuần là hoạt động hành hương, tôn giáo tín ngưỡng thuần túy mà còn là động lực thúc đẩy sự giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội. Đó cũng là cách thức để thế hệ hôm nay bày tỏ sự tưởng nhớ đối với công lao của các bậc tiền bối.
            Du lịch tâm linh thực chất là loại hình du lịch văn hóa, lấy yếu tố văn hóa tâm linh làm mục tiêu nhằm thỏa mãn nhu cầu tâm linh của con người trong đời sống tinh thần. Do đó, việc sử dụng có trách nhiệm và bền vững các giá trị văn hóa và tự nhiên trong phát triển du lịch tâm linh sẽ mang lại cơ hội việc làm, tạo thu nhập cho người dân địa phương, góp phần thúc đẩy giao lưu văn hóa, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc, tôn giáo, khôi phục và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia cũng như toàn nhân loại. Mô hình du lịch này hiện đang rất phát triển tại nhiều nước theo Phật giáo trên thế giới như Nepal, Ấn Độ và các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Myanmar… 
            Hầu hết các địa phương ở nước ta đều có những điểm du lịch tâm linh như: đền Hùng (Phú Thọ), chùa Hương (Hà Nội), chùa Bái Đính và nhà thờ đá Phát Diệm (Ninh Bình), chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên-Huế), núi Bà Đen và Thánh thất Cao Đài (Tây Ninh)… Một trong những tỉnh đi đầu và thành công trong loại hình du lịch này là Ninh Bình nơi có chùa Bái Đính, ở đây, người dân địa phương được chủ động tham gia vào các hoạt động phục vụ khách du lịch tại các điểm du lịch tâm linh: chèo đò, xích lô, bán hàng lưu niệm, hướng dẫn, tiêu thụ sản vật địa phương, phục vụ ăn uống… mang lại nguồn thu đáng kể. . 
            Hội nghị quốc tế về du lịch tâm linh vì sự phát triển bền vững lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam đã cho thấy sự quan tâm của Việt Nam trước sự phát triển của loại hình du lịch này. Trong quá trình phát triển du lịch tâm linh phải luôn gắn với phát huy các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan để du khách có thể cảm nhận được nét đẹp văn hóa của con người ở vùng đất đó. Bên cạnh đó, phải có sự tham gia của chính người dân địa phương trong việc bảo tồn và gìn giữ các giá trị di sản văn hóa của địa phương, tạo sự kết nối để hình thành các tuyến du lịch tâm linh chuyên đề tạo ra những trải nghiệm hết sức ấn tượng cho du khách.
            Việt Nam có gần 8.000 lễ hội truyền thống, trong đó có rất nhiều lễ hội lớn mang tầm quốc gia. Cả nước có khoảng 40.000 khu di tích, thắng cảnh, tập trung chủ yếu ở đền, chùa, miếu mạo, tòa thánh, đài, lăng tẩm, phủ, khu tưởng niệm, trong đó hơn 3.000 địa danh được xếp hạng di tích quốc gia. Đi kèm di tích là các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, thể thao như thờ cúng tổ tiên, dòng tộc, tri ân anh dùng dân tộc, danh nhân, báo hiếu, chiêm bái, tụng kinh, thiền, yoga.
            Chính kho tàng văn hóa và tín ngưỡng phong phú trên đã tạo hình cho cốt cách và bản sắc của dân tộc Việt Nam, làm nên nét riêng cho du lịch Việt Nam.
            Văn hóa và tín ngưỡng là sản phẩm cốt lõi của du lịch tâm linh. Phát triển du lịch tâm linh chính là biến văn hóa thành hàng hóa. Do vậy, những lợi ích của ngành kinh tế này không chỉ về kinh tế mà hơn hết là giá trị tinh thần.
            Theo Ts Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Văn Hóa Hà Nội, một vài bộ phận công chúng do chưa có sự hiểu biết đúng đắn về giá trị của các di sản văn hóa và tín ngưỡng đã đánh đồng việc đi chùa, đi lễ, hát văn, hầu đồng là mê tín dị đoan. Dưới góc nhìn văn hóa, những phong tục, truyền thống và tín ngưỡng thuần Việt không chỉ mang giá trị nghệ thuật, mà còn là bản sắc dân tộc. Một số đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
            Du lịch tâm linh có thể xem là một công cụ đặc hữu giúp xóa đi cái nhìn khiên cưỡng về di sản văn hóa, tôn giáo và tín ngưỡng. Du lịch tâm linh còn là cách tiếp cận hữu hiệu giúp nâng cao hiểu biết của công chúng về giá trị nghệ thuật của loại hình di sản phi vật thể này. Thông qua hoạt động du lịch, du khách được trực tiếp tiếp xúc, thẩm nhận, và trải nghiệm, từ đó nuôi dưỡng và phát triển các giá trị tâm linh tín ngưỡng từ trong tiềm thức của mình.
            Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cho biết các điểm du lịch tâm linh thường gắn với đền, chùa, lăng tẩm, tòa thánh và lễ hội. Cả nước có gần 500 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia. Đây chính là những điểm thu hút du khách tới tham quan, trải nghiệm, chiêm bái, nghe giảng và trải nghiệm đời sống thiền tu. Đạo Phật và các tôn giáo, tín ngưỡng chính thống khác đều hướng con người tới giá trị Chân – Thiện - Mỹ.
            Những trải nghiệm tâm linh tại nơi thờ tự giúp con người thư giãn, đạt tới sự cân bằng trong tâm hồn. Hòa mình vào không khí thân thiện, cởi mở của lễ hội cổ truyền cũng giúp con người dễ hòa hợp với nhau hơn. Vì vậy, du lịch tâm linh giúp phát triển hành vi hướng thiện, nâng cao tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn, xây dựng xã hội hài hòa, tốt đẹp.
            Trong bối cảnh thế giới đang ngày đối mặt với nhiều thách thức về chính trị, tôn giáo và môi trường, văn hóa và tín ngưỡng sẽ là sợi dây kết nối con người với nhau. Du lịch tâm linh góp phần xây dựng mối quan hệ thân thiện, khuyến khích tình bằng hữu, giúp vượt qua các thành kiến văn hóa và tôn giáo. Có thể xem du lịch tâm linh là công cụ kiến tạo hòa bình, Hòa thượng nói.
            Những năm qua, ngành du lịch Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp to lớn và bền vững từ du lịch tâm linh. Trong quy hoạch phát triển du lịch tổng thể, gồm bốn nội dung: du lịch sinh thái, du lịch thành thị, du lịch biển đảo và du lịch văn hóa - tâm linh – lịch sử, thì dòng thứ tư này có vị trí đặc biệt quan trọng. Năm 2016, ngành du lịch phục vụ 62 triệu du khách nội địa. Riêng du khách đến các địa điểm du lịch tâm linh chiếm tới một phần ba.
            Theo Ts Dương Văn Sáu, chiến lược phát triển du lịch của bất kỳ quốc gia nào cũng lấy chính người dân sở trị làm gốc. Nước ta có hơn 90 triệu dân. Thu nhập bình quân đầu người tăng hàng năm. Đời sống tinh thần ngày càng được chú trọng, dẫn tới nhu cầu du lịch ngày càng cao. Tâm lý người Việt lại trọng tín ngưỡng. Hoạt động du lịch tâm linh vừa đáp ứng nhu cầu thư giãn, vừa tìm hiểu các trang lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng thông qua các di tích và lễ hội. Vì vậy, đẩy mạnh phát triển du lịch tâm linh chính là đánh trúng tâm lý du khách nội địa.
            Tâm linh và các giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng gắn bó và tồn tại song hành cùng dân tộc từ hàng ngàn năm nay. Còn con người thì còn tôn giáo tín ngưỡng. Các di sản văn hóa, tín ngưỡng thuần Việt không chỉ được thể hiện qua các loại hình nghệ thuật, lễ hội dân gian, bài học lịch sử, mà còn ăn sâu vào đời sống dân gian của người Việt. “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”, “Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng Ba” chính là những lời nhắc nhở các thế hệ về công ơn của Đức thánh Trần, thánh Mẫu Liễu Hạnh và các Vua Hùng.
            Truyền thống và tín ngưỡng sẽ thổi hồn vào di sản văn hóa. Du lịch tâm linh hay bất cứ loại hình du lịch nào khác sẽ vững chắc hơn nếu lấy các giá trị cốt lõi, trong đó có di sản văn hóa và tín ngưỡng truyền thống làm bản lề, và dựa vào người dân của chính dân tộc mình, Ts Dương Văn Sáu đánh giá.
            Việt Nam có 11 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh là di sản thế giới, trong đó có 9 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, 2 di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Những di sản văn hóa và tín ngưỡng này chính là những giá trị làm nên nét riêng biệt của du lịch Việt Nam.
            Một du khách người Mỹ tại khu di tích chùa Hương nói: “Tôi đến Việt Nam không phải để các bạn chiều lòng chúng tôi. Tôi đến để xem văn hóa bản địa của các bạn, những điều chúng tôi không có. Cho nên, các bạn muốn lôi cuốn chúng tôi thì hãy làm những gì như các bạn vẫn làm hàng nghìn năm nay”.
            Giá trị văn hóa tín ngưỡng truyền thống là thế mạnh, làm nên sức hấp dẫn cho du lịch Việt Nam. Ngành du lịch cần giới thiệu du khách đến với giá trị đích thực của các di sản văn hóa và tín ngưỡng truyền thống từng vùng miền. Mỗi tour du lịch tâm linh cần đọng lại trong tâm trí du khách, đặc biệt là du khách quốc tế một cách sâu sắc và riêng biệt và khi đó, số du khách đến Việt Nam sẽ không dừng lại ở 10 triệu lượt, Ts Dương Văn Sáu nói.
3. Giải pháp nhằm phát triển bền vững loại hình  du lịch tâm linh
            Ngành kinh tế du lịch cũng như nhiều ngành kinh tế khác, muốn phát triển trước hết, nó phải dựa vào nguồn tài nguyên du lịch (còn được gọi là nguồn lực để phát triển du lịch). Nhìn chung, những điểm du lịch tôn giáo đã và đang được khai thác du lịch tôn giáo (hay du lịch tâm linh) nhưng vấn đề là làm thế nào để khai thác nguồn lực tôn giáo tại các điểm du lịch tôn giáo nói trên theo hướng bảo tồn và phát huy các giá trị của chúng để có thể khai thác bền vững theo tinh thần của Luật Du lịch Việt Nam 2005: “Du lịch bền vững là sự phát triển du lịch đáp ứng được các nhu cầu hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu về du lịch của tương lai”
            Để phát triển du lịch tôn giáo bền vững ở đây, theo chúng tôi cần có những điều kiện cơ bản như sau:
            Đảm bảo việc bảo tồn tốt các điểm du lịch tôn giáo tại địa phương. Chúng ta biết rằng, ngành du lịch được mệnh danh là một ngành “công nghiệp không khói”, “con gà đẻ trứng vàng”, “xuất khẩu tại chỗ” v.v… Du lịch đem lại lợi ích kinh tế nhưng nó cũng đem lại những tác động có hại đến các điểm du lịch tôn giáo như làm biến đổi môi trường tại chỗ của các điểm du lịch tôn giáo, các điểm tham quan xuống cấp.
            Bên cạnh việc bảo tồn tốt các điểm du lịch tôn giáo, chúng ta còn phải phát huy giá trị của các điểm du lịch tôn giáo bằng cách nâng cao nhận thức của người dân tại chỗ về các điểm du lịch tôn giáo trong vùng. Song song đó là nâng cao nhận thức của du khách hành hương, tham quan về các điểm du lịch tôn giáo mà họ đến tham quan. Mọi người đều thấy rằng các địa điểm du lịch tôn giáo mà họ đến tham quan là có ý nghĩa, có giá trị trong chuyến đi của họ. Người dân tại chỗ thì nhận thức được rằng những điểm du lịch tôn giáo trong vùng của họ là những tài sản quý giá có thể sinh lợi mà họ cần gìn giữ để khai thác hiệu quả lâu dài.
            Có sự phối hợp quản lý tốt giữa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng của ngành du lịch và các đơn vị khai thác các điểm du lịch tôn giáo. Trong cả nước, sự phối hợp quản lý giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng và các đơn vị khai thác du lịch tôn giáo vẫn chưa có sự phối hợp đồng bộ làm cho các điểm du lịch tôn giáo xuống cấp, mất sự thu hút vốn có của nó bởi các tệ nạn ăn xin, mất an ninh trật tự hoặc là sự cấm đoán dè chừng của chính quyền địa phương làm cho sản phẩm du lịch bị gián đoạn.
            Chuyên môn hóa lực lượng lao động chuyên khai thác du lịch tôn giáo: Chúng ta biết rằng nhiều tài nguyên du lịch được kết tinh trong sản phẩm du lịch bán cho khách cần phải được diễn giải khi khách tiêu thụ sản phẩm. Đây là một khâu rất quan trọng trong quá trình cung cấp sản phẩm. Tài nguyên tín ngưỡng tôn giáo cần phải được diễn giải nhiều hơn để du khách có thể thấu hiểu được tôn giáo bản địa, tại địa phương mà họ đến tham quan. Thông qua các khóa đào tạo kỹ năng và kiến thức cho lực lượng lao động phục vụ các chương trình du lịch tôn giáo để khi khách tham gia vào các tour du lịch tôn giáo, du lịch hành hương đến các điểm du lịch tôn giáo trên để đảm bảo du khách được cung cấp những sản phẩm du lịch tôn giáo tốt nhất, thỏa mãn nhu cầu của họ. Việc chuyên môn hóa lực lượng lao động để khai thác du lịch tôn giáo ở Việt Nam là chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều lao động phục vụ khách trực tiếp trong các chương trình du lịch tôn giáo, tại các điểm du lịch tôn giáo còn chưa nắm rõ được những giá trị tại các điểm du lịch tôn giáo mà họ cung cấp cho du khách, khiến cho du khách không nhận ra hết những giá trị độc đáo tại các điểm du lịch tôn giáo mà họ đến. Tôi tin rằng, nếu chúng ta có những lực lượng lao động được đào tạo về du lịch tôn giáo tốt, khả dĩ cung cấp cho du khách những sản phẩm mang tính giá trị tôn giáo cao thì sẽ có nhiều khách tham gia vào các chương trình du lịch tôn giáo hơn. Một phần của việc chuyên môn hóa lực lượng lao động làm việc tại các điểm du lịch tôn giáo này phải lấy từ lực lượng tại chỗ. Một khi ngành du lịch cung cấp được những lợi ích thiết thực nhất cho cộng đồng địa phương như tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương, đóng góp một phần lợi nhuận để phát triển cộng đồng địa phương thì chúng ta có được thuận lợi lớn để phát triển du lịch tôn giáo tại địa phương.
            Đối với những tín đồ của một tôn giáo, thì việc hành hương đến những thánh địa tôn giáo là một nhu cầu tâm linh không thể thiếu khi họ có điều kiện. Họ sẵn sàng chi trả tối đa để thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Đối với những khách du lịch khác (khách du lịch bình thường khác trong hoặc ngoài nước), việc họ đến tham quan các thánh địa tôn giáo là một nhu cầu bình thường với những động cơ thông thường như tìm hiểu, nghiên cứu các tín ngưỡng, tôn giáo hoặc chỉ với mục đích rất bình thường là do hiếu kỳ mà tới..
            Giá trị đầu tiên và quan trọng nhất của tín ngưỡng, tôn giáo là sự cố kết cộng đồng. Tôn giáo như là vật biểu trưng trung gian phát huy tác dụng đảm bảo sự liên hợp hòa hài giữa thế gian và siêu thế gian, xã hội và vũ trụ, phàm tục và thiêng liêng, và trên cơ sở đó, cũng đảm bảo sự liên hợp hòa hài giữa các thành phần xã hội với nhau, giữa các con người với nhau, vượt trên những mâu thuẫn cá biệt, những va chạm cá nhân. Giá trị này không chỉ khu biệt ở trong nước hay cộng đồng của một tôn giáo cụ thể mà còn có giá trị phổ quát đối với nhân loại.
            Giá trị kế đến của tôn giáo là giáo dục, hướng thượng các thành viên trong cộng đồng. Bất kỳ tôn giáo nào cũng tác dụng giáo dục những thành viên trong cộng đồng sống hài hòa, đoàn kết, có ích và làm lợi cho cộng đồng, và ngoài ra, nó còn hướng con người tới những giá trị tốt đẹp như chân, thiện, mỹ, làm thăng hoa đời sống cá nhân và cộng đồng.
Đề cao sự sáng tạo của các cá nhân trong cộng đồng. Chúng ta biết rằng, nhu cầu sáng tạo là một nhu cầu vốn có của mỗi cá nhân con người.
            Nhu cầu tìm hiểu, học tập, nghiên cứu xem xét những tín ngưỡng bản địa của các tộc người là một nhu cầu có thực của khách du lịch. Khách du lịch đến những vùng đất lạ, họ có nhu cầu tìm hiểu phong tục, tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, những quan niệm sống của các tộc người địa phương dù những giá trị đó có giá trị phổ quát toàn cầu hay chỉ là những giá trị trong nội bộ của tôn giáo, tín ngưỡng.
4. Kết luận
            Trong thời đại hiện nay, dù là phát triển kinh tế nói chung hay phát triển kinh tế du lịch nói riêng đều phải nhắm đến định hướng phát triển bền vững, đảm bảo được lợi ích kinh tế cũng như các mục tiêu về môi trường, xã hội và nhất là về con người vừa là động lực, vừa là mục tiêu của mọi sự phát triển. Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng đã nhận ra phát triển bền vững là một yêu cầu cấp bách và đã định hướng tại Đại hội Đảng lần thứ XI, thông qua Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI: “Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững… Tăng trưởng kinh tế phải kết hợp hài hòa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân. Phát triển kinh tế xã hội phải luôn coi trọng bảo vệ và cải tạo môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu… Phải đặc biệt coi trọng giữ vững ổn định chính trị-xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ để bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững”
            Kinh doanh du lịch là một ngành kinh doanh đặc thù. Nó liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp quản lý và đòi hỏi phải có sự hợp tác của du khách nữa thì mới có thể có được những sản phẩm du lịch tốt được đem đi tiêu thụ. Phát triển ngành du lịch của một địa phương nói riêng, của một quốc gia nói chung đòi hỏi phải có phối hợp tốt giữa ba bộ phận chủ yếu là khách du lịch (chủ thể du lịch), tài nguyên du lịch (khách thể du lịch) và ngành du lịch (môi giới du lịch). Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế-xã hội, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội, công dân... phải bắt tay nhau thực hiện nhằm mục đích phát triển bền vững, đặt con người là trung tâm của mọi động lực và mục tiêu của sự phát triển bền vững. Nhận thức đúng đắn tinh thần phát triển bền vững này, chúng ta có thể áp dụng vào lĩnh vực du lịch nói chung, lĩnh vực du lịch tôn giáo nói riêng nhằm đem lại hiệu quả tối ưu cho ngành du lịch tại vùng du lịch duyên hải Nam Trung Bộ.
            Ngoài ra, như tôi đã trình bày, để khai thác được hết những giá trị phổ quát của tôn giáo nói chung, những giá trị đặc thù của từng tôn giáo nói riêng, thì chúng ta phải có những đội ngũ nhân viên am hiểu về du lịch tôn giáo, du lịch tâm linh, đặc biệt là những người trực tiếp làm việc với khách trong hành trình du lịch tôn giáo như hướng dẫn viên theo chương trình, thuyết minh viên tại các điểm du lịch tôn giáo. Chúng ta có tài nguyên du lịch tôn giáo đa dạng và phong phú, nhưng chúng ta không có lực lượng lao động lành nghề thì chúng ta không thể khai thác tốt được các giá trị của tôn giáo trong hoạt động du lịch được
            Đây là những vấn đề tiêu biểu nhất trong quá trình khai thác một điểm tôn giáo, tín ngưỡng phục vụ kinh doanh du lịch. Để những điểm tôn giáo, tín ngưỡng không ngủ yên trong những giá trị mà lịch sử mang lại cho nó, cần trao cho nó một sức sống đương đại. Sức sống đó được mang lại bởi hoạt động du lịch. Nhưng để đảm bảo cho hoạt động du lịch diễn ra có hiệu quả, không làm tổn hại đến những gì mà quá khứ để lại, không khơi nguồn cho những mâu thuẫn xã hội, cần một tầm nhìn chiến lược trong công tác quản lý. Bài viết đưa ra một số hướng giải quyết cho những vấn đề cụ thể thường phát sinh tại điểm tôn giáo, tín ngưỡng có sự tham gia của hoạt động du lịch với mong muốn hoạt động du lịch tâm linh bước đầu nhen nhóm ở Việt Nam sẽ có một hướng đi đúng mục đích – con đường giúp con người tìm về với bản thể, vươn tới những điều tốt đẹp hơn. Đây là xu hướng của du lịch hiện đại trên thế giới và nếu được quản lý đúng đắn ở Việt Nam nó sẽ mang đến những giá trị mới cho du lịch nước nhà.
 TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1)    Luật Du lịch 2005 & Văn bản hướng dẫn thi hành, NXB Chính trị Quốc gia 2013.
2)   Ngô Đức Thịnh (cb) 2011: Bảo tồn, làm giàu và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập, NXB Khoa học Xã hội.
3)   Ngô Đức Thịnh (cb) 2012: Tín ngưỡng & Văn hóa tín ngưỡng ở Việt Nam, NXB Trẻ.
4)   Ngô Đức Thịnh (cb) 2013: Văn hóa thờ Nữ thần-Mẫu ở Việt Nam và Châu Á – Bản sắc và Giá trị, NXB Thế giới.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập123
  • Hôm nay8,402
  • Tháng hiện tại140,609
  • Tổng lượt truy cập11,874,014
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây