KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

NÂNG CAO KĨ NĂNG NGHE TIẾNG ANH THÔNG QUA CÁC BỘ PHIM CÓ PHỤ ĐỀ

Thứ hai - 25/12/2017 08:22
Với người học tiếng Anh trong các kỹ năng: Nghe, Nói, Đọc, Viết thì kỹ năng nghe đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao khả năng phát âm và kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, đây lại là một kĩ năng khó đòi hỏi người học phải chăm chỉ luyện nghe, luyện phản xạ. Vì thế Nhiều người học thường bỏ qua kỹ năng này mà tập trung vào ngữ pháp, đọc và từ vựng.
            Một thực tế mà ai cũng thấy ở học sinh, sinh viên Việt Nam khi học tiếng Anh đó là các bạn hoàn toàn tự tin khi phải làm bài ngữ pháp. Tuy nhiên, khi yêu cầu các bạn giao tiếp các bạn lại cực kì sợ. Nhiều bạn không thể nghe được, do vậy cũng không thể hiểu đối phương đang nói gì. Đây là vấn đề của sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên ngành ngôn ngữ Anh trường Đại học Sao Đỏ nói riêng.
            Một trong những nguyên nhân là do phát âm không đúng nên phần lớn các bạn sinh viên gặp khó khăn khi nghe tiếng Anh. Cách phát âm thuần Việt đã khiến các bạn sinh viên không thể hình dung ra phải nói như thế nào cho chuẩn. Những âm cuối, âm gió, nối âm trong tiếng Anh gần như đều được bỏ qua. Thậm chí cả ngữ điệu, ngắt nghỉ cũng không hề được chú trọng. Bởi vậy khi được nghe nguồn phát âm chuẩn xác từ người bản ngữ, nhiều sinh viên KHÔNG THỂ NGHE ĐƯỢC.
            Tất nhiên lúc này các bạn phải luyện nghe. Nhưng luyện nghe thế nào cho chuẩn và mang lại hiệu quả? Nhiều bạn dành thời gian cả ngày để nghe đủ loại tài liệu nhưng kết quả mang lại không cao thậm chí là không hề tiến bộ. Bởi các bạn chưa biết chọn cho mình phương pháp luyện tập phù hợp và lựa chọn tài liệu đúng với trình độ của mình. Thêm vào đó, động lực học tập chưa cao, chưa có thái độ đúng đắn đối với việc luyện tiếng Anh cũng khiến cho nhiều bạn nản ngay từ khi bắt đầu.
            Trong nội dung bài viết này, tôi muốn giới thiệu một phương pháp luyện nghe không mới nhưng hiệu quả đó là “luyện nghe tiếng Anh qua các bộ phim có phụ đề tiếng Anh”.
            Phương pháp luyện nghe tiếng Anh qua các bộ phim có phụ đề là một phương pháp luyện rất hiệu quả nếu được áp dụng đúng cách và khoa học. Gần đây nhất, em sinh viên Phạm Ngọc Tùng lớp DK5 – Điện 7 đã chứng minh ưu điểm vượt trội của phương pháp luyện nghe tiếng Anh này với số điểm thi chuẩn đầu ra TOEIC phần nghe đọc đạt 505 điểm và phần nói đạt 290 điểm, tổng 795 điểm trong kì thi ngày 27/11. – Điểm số cao nhất phần thi này từ trước tới giờ.
Qua trao đổi được biết em Tùng chỉ có một bí quyết học tập duy nhất đối với môn tiếng Anh đó là – cày phim. Vậy phương pháp “cày phim” như thế nào mới là hiệu quả? Trong phần sau của bài viết này tôi sẽ hướng dẫn cách luyện nghe sử dụng tài liệu là các bộ phim và phụ đề ở trên mạng.
            1. Vì sao xem phim tiếng Anh có phụ đề lại là một cách học tiếng Anh hiệu quả?
            Nhiều bạn sinh viên nói với tôi “cô ơi, em nghe được 10 phút là đã buồn ngủ díu cả mắt”. Đúng là việc luyện nghe ban đầu với những bài audio khô khan sẽ rất dễ “ru ngủ” chúng ta. Thứ nhất bởi sự căng thẳng tập trung cao độ khiến cho bạn rất dễ mệt mỏi và chán nản. Việc cứ lặp đi lặp lại những bài audio khô khan khiến động lực “motivation” của bạn ngày càng giảm. Tuy nhiên, tác dụng của một bộ phim mang lại thì hoàn toàn khác.
            - Xem phim tiếng Anh là cách rất tốt và thú vị để bạn vừa học, vừa tiếp xúc với tiếng Anh. Phim có nội dung khiến bạn muốn tập trung theo dõi, không gây nhàm chán.
            - Các nhân vật phát âm tiếng Anh chuẩn xác, các câu thoại gần gũi với đời sống hàng ngày. Dễ nhớ, dễ thuộc, dễ phát âm theo.
            - Tiết kiệm thời gian. Nếu mỗi ngày bạn dành ra 2 tiếng tự học tiếng anh : 1 tiếng để xem phim và 1 tiếng để học tiếng Anh thì với phương pháp học tiếng anh này, bạn chỉ mất 1 tiếng vừa xem phim vừa học.
            - Phim có cảm xúc, khi bạn nói theo nhân vật trong phim, tức là bạn đã học cách giao tiếp bằng cảm xúc. Cảm xúc giúp kiến thức thẩm thấu nhanh nhất. Giúp chúng ta ghi nhớ từ vựng lâu hơn và từ đó nghe tiếng Anh tốt hơn.
            Tuy nhiên, không phương pháp luyện tập nào là tối ưu. Mỗi phương pháp đều có nhược điểm riêng. Hiểu rõ ưu nhược điểm của từng phương pháp sẽ giúp bạn phát huy tối đa ưu điểm và điều chỉnh phương pháp cho phù hợp để tránh các nhược điểm.
            2. Những trở ngại có thể gặp phải khi xem phim tiếng Anh:
           - Vốn từ vựng ít. Nhiều từ bạn mới bắt gặp lần đầu nên không hiểu. Ngoài ra, trong phim còn sử dụng nhiều tiếng lóng, ngôn từ không chuẩn mực.
            - Tốc độ nhân vật nói nhanh, bạn nghe không kịp.
            - Diễn biến phim liên tục. Phim điện ảnh thường kéo dài từ 60 phút trở lên khiến bạn không theo dõi kịp và khó duy trì được sự tập trung. Nghe một lúc thấy mệt rồi bỏ cuộc.
            - Không chú ý nghe mà chỉ lo đọc phụ đề tiếng Việt. Đây là một lỗi thường gặp nhất khi sử dụng phim ảnh làm tài liệu học tập. Sinh viên rất dễ chỉ xem phim mà không nghe hoặc chỉ xem phụ đề.
            3. Biết được các nhược điểm của phương pháp này chúng ta sẽ có các biện pháp cụ thể để khắc phục:
            Khi được hỏi tại sao em lại có thể nghe tốt tiếng Anh như vậy em Tùng (nhân vật được nhắc tới ở phần trên) chia sẻ: “Cơ duyên đưa em tới với việc học tiếng Anh qua các bộ phim rất tình cờ. Em thích phiên bản phim Fast and Furious nhưng mới ra rạp thì trên mạng chỉ có bản CAM (bản do người xem phim dùng camera ghi lại trong rạp) không có phụ đề tiếng Việt nhưng em thích quá nên cứ tải về xem. Lúc đầu em không nghe được nhân vật nói gì nhưng sau khi tải phụ đề tiếng Anh vê và ghép vào phim thì mọi chuyện đơn giản hơn nhiều. Em vừa nghe vừa đọc. Sau đó chỉ nghe và thi thoảng mới đọc những từ không nghe ra. Cứ thế thôi cô ạ.”
            Mục đích chúng ta hướng đến không phải là nghe được bao nhiêu từ, bao nhiêu câu, mà là hiểu được bao nhiêu % nội dung tập phim truyền tải khi không cần phụ đề.
            3.1 Lựa chọn phim cho phù hợp
            Đầu tiên, cần chọn phim phù hợp để luyện nghe. Bạn không nên xem phim điện ảnh có sẵn trên tivi như HBO hay Cinemax, hay Disney Channel … Bởi lẽ những phim trên đó có sẵn hết phụ đề tiếng Việt, và tôi biết rằng bạn xem một hồi sẽ chỉ đọc phụ đề thôi mà chẳng thèm nghe nữa.
Do đó, bạn hãy chịu khó tải về phim có phụ đề (subtitle) trên mạng. Bạn cần tìm phim có phụ đề tiếng Anh. Nếu một bộ phim quá dài chúng ta có thể xem các video trên youtube. Những video này đều có nút CC bên dưới. Bạn có thể bật nút này lên trong quá trình nghe. Tuy nhiên nhiều video không có sẵn phụ đề kèm theo mà chỉ là bản “máy” tự bắt từ nên nhiều khi không chuẩn.
            Như đã ở trên nói, những bộ phim dài trên 60 phút khiến bạn dễ bỏ cuộc. Do đó, loại phim tốt nhất bạn dùng để luyện nghe đó chính là phim truyền hình dài tập (thường chiếu trên kênh truyền hình Star World). Những phim này một tập chỉ khoảng 20 – 25 phút đổ lại nên dễ theo dõi. Ngoài ra những phim loại này nhân vật giao tiếp với nhau rất nhiều, có rất nhiều tình huống giao tiếp đa dạng, khác nhau… rất thích hợp cho việc luyện nghe. Ngoài ra các thể loại phim sitcom (phim hài) khoảng 15 phút một tập phim cũng là một lựa chọn rất tốt.
            Chọn phim ở thể loại xã hội, có ngôn từ và nội dung gần gũi với đời sống, hoặc các bộ phim về chủ đề học đường.
            Những phim gợi ý bạn nên xem: Extr@ English, Friends, How I met your mother, Desperate Housewives, Nikita, Arrow, Game of Throne….
            3.2 Cách bạn nghe phim
            Bước 1: Xem toàn bộ phim từ đầu đến cuối không cần phụ đề.
            Bước 2: Xem lại lần 2, phần nào thấy khó nghe đi nghe lại không được thì bật phụ đề lên.
            Bước 3: Từ lần xem thứ 3 trở đi không cần phụ đề.
            4. Các phần mềm hỗ trợ
            Phần mềm bổ trợ để luyện nghe các bộ phim có phụ đề đó là phần mềm Agisub. Đây là phần mềm rất hữu dụng chúng ta có thể load phụ để vào phim để thực hiện việc luyện nghe.
            Cách làm như sau:
            Tải phần mềm agisub về máy. Các bạn có thể download tại địa chỉ:
            https://download.com.vn/aegisub/download
            Bước 1. Tải phim không có phụ đề về máy.
            Bước 2. Tải phụ đề rời của bộ phim đó về máy. Phụ đề này là một file có đuôi được mã hóa và chỉ mở được khi có phần mềm agisub.
            Bước 3.
            Mở phần mềm agisub, phần video chọn open và chọn đường dẫn tới chỗ folder bạn để film. Sau đó bạn mở file phụ đề. Phụ đề sẽ hiện lên cùng với từng câu thoại trên phim.
            Sau khi hoàn thành các bạn có thể quay lại bước 3.2 để vừa xem phim vừa luyện nghe. Chúc các bạn thành công.

Tác giả bài viết: Tăng Thị Hồng Minh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Thăm dò ý kiến

Bạn biết khoa Du lịch & Ngoại ngữ - Trường Đại học Sao Đỏ qua kênh nào?

NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập82
  • Hôm nay17,958
  • Tháng hiện tại586,772
  • Tổng lượt truy cập8,062,061
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây