KHOA DU LỊCH & NGOẠI NGỮ HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 55 NĂM TRUYỀN THỐNG ĐÀO TẠO TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

CHẤT LƯỢNG TOÀN DIỆN - HỢP TÁC SÂU RỘNG - PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

ÁP DỤNG CÁC TRÒ CHƠI TRONG DẠY VÀ HỌC TIẾNG ANH TẠI TRƯỜNG ĐẠI HỌC SAO ĐỎ

Chủ nhật - 14/01/2018 02:51
Hiện nay, tiếng Anh được sử dụng ở hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống và được coi là ngôn ngữ quốc tế trên thế giới. Vì thế, nhu cầu học và sử dụng tiếng Anh ngày càng tăng.
            Trước đây, việc giảng dạy ngôn ngữ chủ yếu chú trọng vào cấu trúc câu và ngữ pháp và việc giảng dạy ngoại ngữ bị chi phối bởi phương pháp dạy truyền thống, trong đó giáo viên là người chi phối mọi hoạt động dạy và học trên lớp. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của xã hội, phương pháp dạy học cũng thay đổi theo để đáp ứng nhu cầu sử dụng thành thạo các kỹ năng giao tiếp tiếng Anh ngày càng tăng. Chính vì thế, phương pháp dạy ngoại ngữ hiện nay đã chuyển từ đường hướng lấy người dạy làm trung tâm sang đường hướng lấy người học làm trung tâm.
            Thực tế, trong dạy và học ngoại ngữ, sinh viên sẽ học hiệu quả hơn nếu họ được học trong bầu không khí học tập vui vẻ, thư giãn và có nhiều cơ hội được giao tiếp trong tình huống thực tế. Việc sử dụng các trò chơi ngôn ngữ trong giảng dạy ngoại ngữ là một trong những phương pháp hữu hiệu có thể làm tăng động cơ học tập cho sinh viên, một trong những yếu tố quyết định đến thành công trong việc học ngoại ngữ của họ. Đồng thời, giúp khích lệ sinh viên duy trì việc học và sự hứng thú của họ với việc học. Ngoài ra, chúng còn giúp cho giáo viên tạo ra những ngữ cảnh mà ở đó ngôn ngữ thực hành rất hữu dụng và dễ hiểu với người học. Người học muốn tham gia vào trò chơi thì họ phải hiểu người khác đang nói gì hay đã viết gì, và họ phải nói ra hoặc viết ra được những điều để trình bày quan điểm riêng của họ hay để trình bày thông tin cho người khác hiểu. Các trò chơi ngôn ngữ có thể được sử dụng để phát triển cả bốn kỹ năng cho sinh viên: Nghe, Nói, Đọc và Viết. Bên cạnh đó còn có những trò chơi phát triển vốn từ vựng, và cải thiện cách phát âm. Các trò chơi còn được áp dụng cho các sinh viên khác nhau ở mỗi trình độ khác nhau.
            1. Thực trạng giảng dạy từ vựng tiếng Anh tại trường Đại học Sao Đỏ
            Qua thực tế quan sát các lớp tiếng Anh căn bản tại trường Đại học Sao Đỏ chúng tôi nhận thấy một thực tế sau:
            - Trong quá trình giảng dạy của một số giáo viên vẫn sử dụng phương pháp dạy học truyền thống đó là lấy người học làm trung tâm. Giáo viên tuận thủ đúng trình tự giáo trình và trong một tiết dạy thực hiện được hết toàn bộ nội dung của một bài đúng yêu cầu, đúng đề cương chi tiết. Chính vì vậy đôi khi giáo viên chưa quan tâm nhiều đến các hoạt động chi tiết trong từng phần và mới chỉ tập trung nhiều vào việc mình truyền đạt hết kiến thức cơ bản cho sinh viên mà chưa quan tâm xem liệu sinh viên có hứng thú với nội dung mình đang dạy hay không.
            - Trong quá trình giảng dạy, nhiều giáo viên tập trung vào các phần ngữ pháp mà ít tập trung vào các phần từ vựng. Hoặc nếu có cũng chỉ giải thích nghĩa của từ một cách đơn giản mà chưa chú trọng đến việc làm thế nào để sinh viên có thể nhớ ngay được các từ vựng đó trong giờ học.
            - Giáo viên chưa đầu tư và áp dụng các hoạt động hoạt náo hay các trò chơi trong giảng dạy từ vựng.
            2. Một số loại trò chơi ngôn ngữ được dùng trong giảng dạy tiếng Anh
            2.1 Trò chơi thực hành ngôn ngữ (Language Practice Games)
            Trò chơi thực hành ngôn ngữ rất có ích đối với sinh viên, đặc biệt đối với sinh viên năm thứ nhất. Chúng giúp chữa lỗi và phát triển các yếu tố ngôn ngữ. Điều đó rất quan trọng đối với sinh viên trước khi họ thực hành các kỹ năng giao tiếp.
            2.1.1 Trò chơi cấu trúc (structure games)
            Trò chơi này có thể được sử dụng để dạy cấu trúc ngữ pháp mới, hoặc để ôn lại những cấu trúc ngữ pháp đã học. Chúng rất có ích trong việc giúp cho sinh viên thực hành và phát triển các kỹ năng giao tiếp. Sau đây là một số các trò chơi từ vựng.
            Animals Quiz: mục đích của trò chơi là thực hành sử dụng động từ ‘to be’ ở thì hiện tại đơn, sử dụng “have you got”, và “can (ability)”.
            Feel and Think: mục đích để diễn tả một nghi ngờ bắt đầu bằng: “ I think it’s a…”; “It could be a(n)…”; “I’m not sure…”
            Getting Your Things Back: mục đích để thực hành đại từ sở hữu (possessive pronouns).
            If I Happened…: mục đích để thực hành mệnh đề điều kiện ở thể giả định (conditional clause (hypothetical)).
            I Spy or What Can You See?: mục đích để thực hành hỏi và trả lời câu hỏi “Yes, No”
            2.1.2. Trò chơi từ vựng (Vocabulary games)
            Có thể nói rằng, học từ mới là rất khó, thậm chí đối với cả sinh viên chăm chỉ và thông minh. Tuy nhiên, trò chơi từ vựng là biện pháp hữu hiệu giúp giải quyết vấn đề này. Trò chơi giúp cho sinh viên học và nhớ từ mới dễ dàng và nhanh chóng. Sau đây là một số trò chơi giúp cho sinh viên làm giàu vốn từ vựng của mình: Body Fishing: mục đích để thực hành từ mới; Bingo: mục đích để thực hành và ôn lại từ vựng; Coffee Pot: mục đích để hình thành từ vựng liên quan đến thức ăn, đồ uống, quần áo, đồ dùng,…Furnishing The Room: thực hành những từ vựng liên quan đến đồ đạc trong gia đình và các đồ vật sử dụng hàng ngày.
            2.1.3 Trò chơi đánh vần (Spelling Games)
            Cách viết các chữ tiếng Anh cũng tương tự các chữ cái tiếng Việt, nhưng cách phát âm của chúng thì hoàn khác với tiếng Việt. Vì thế, sinh viên thường gặp khó khăn trong khi viết từ thế nào cho đúng. Các trò chơi đánh vần có thể giúp họ tránh được các lỗi trong phát âm từ vựng. Một số các trò chơi đánh vần: Complete The Word,  Cross Words, Filling The Gaps, Fill in the O’s,…
             2.1.4. Trò chơi phát âm (Pronunciation Games)
            Các trò chơi luyện phát âm rất thú vị, vui vẻ và không quá phức tạp để chơi. Vì thế, chúng có thể làm tăng hứng thú cho sinh viên và khiến họ tham gia tích cực vào trò chơi. Four- Sided Dominoes (kết hợp các âm nguyên âm), Stepping Stones (nhận dạng trọng âm ở các động từ có hai âm tiết), Rhythm Dominoes (Thực hành một số mẫu trọng âm trong các cụm từ ngắn)…là các trò chơi luyện phát âm chuẩn các từ Tiếng Anh cho sinh viên.
            2.2. Trò chơi giảng dạy ngôn ngữ giao tiếp (Communicative Language Teaching Games)
            Trò chơi này được thiết kế để tạo cơ hội cho sinh viên được giao tiếp trong ngữ cảnh giao tiếp thực sự. Họ phải làm việc cùng nhau để đạt được mục đích cụ thể của trò chơi thông qua việc sử dụng ngôn ngữ. Vì thế, thông qua trò chơi có tính giao tiếp, sinh viên được thích nghi với bối cảnh giao tiếp của thế giới thực. Sau đây là một số trò chơi thực hành giao tiếp.
            2.2.1. Trò chơi điền thông tin (Information- Gap Games): Big clock Games (thực hành nói giờ giấc), Bandits and Sheriffs (miêu tả đồ vật trong lớp học), Casanova’s Diary (Thực hành hỏi và kể về các sự kiện trong quá khứ và tương lai), Family Portrait (thực hành miêu tả người nào đó)…
            2.2.2. Trò chơi đoán nghĩa (Guessing Games): Actions by One Person (thực hành kể lại một chuỗi sự kiện sử dụng thì quá khứ tiếp diễn), Guess the Jobs (nói về nghề nghiệp sử dụng thì hiện tại đơn), Hiding and Finding (thực hành đặt câu hỏi, và đưa ra gợi ý)…
            2.2.3. Trò chơi kết hợp (Matching Games): Computer Dating (thực hành hỏi và nói chuyện về sở thích ), Flat Mates (Hỏi và đáp về thói quen), Home, Sweet Home (Miêu tả về ngôi nhà hay căn hộ), My Home Town (Miêu tả nơi chốn)…
            2.2.4. Trò chơi đóng vai (Role- Play Games): Animal Noise (Yêu cầu sự chỉ dẫn), Fashion Shows (Miêu tả người và quần áo), The Lost Property Office (Thực hành đưa ra lời đề nghị, yêu cầu và lời xin lỗi)…
            Kết luận
            Việc học ngoại ngữ là một quá trình đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực liên tục và trò chơi ngôn ngữ tạo ra môi trường học tập vui vẻ và thư giãn giúp tăng cường và duy trì hứng thú học tập cho họ. Đồng thời làm tăng động cơ học tập, khiến sinh viên tham gia tích cực vào các hoạt động học tập.
            Các trò chơi thực hành ngôn ngữ rất có ích đối với sinh viên, đặc biệt đối với sinh viên năm thứ nhất, những người còn ít vốn từ vựng tiếng Anh. Trò chơi này giúp chữa lỗi và phát triển các yếu tố ngôn ngữ như phát âm, đánh vần,…cho sinh viên. Những yếu tố này rất quan trọng đối với họ trước khi họ thực hành các kỹ năng giao tiếp. Các trò chơi có tính giao tiếp tạo cho sinh viên cơ hội được giao tiếp trong ngữ cảnh giao tiếp thực sự. Đồng thời, chúng giúp phát triển các kỹ năng giao tiếp, đặc biệt là kỹ năng nói.  

Tác giả bài viết: Trịnh Thị Chuyên

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
NGHIÊN CỨU TRAO ĐỔI
LIÊN HỆ

TRƯỞNG KHOA


VĂN PHÒNG KHOA


  • Đang truy cập120
  • Hôm nay8,744
  • Tháng hiện tại140,951
  • Tổng lượt truy cập11,874,356
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây