Ngày Quốc tế Thiếu nhi chính là thời điểm để mọi người nhận thức rõ hơn về vai trò của trẻ em đối với sự phát triển của xã hội nói chung. Những "búp trên cành", những mầm non tương lai chính là một phần tài sản vô giá của gia đình, xã hội và các em sẽ là những người kế thừa, tiếp nối những hành trình cuộc sống của chính cha anh mình.
Lịch sử ra đời ngày Quốc tế Thiếu nhi
Lịch sử ra đời ngày Quốc tế Thiếu nhi gắn liền với một sự kiện đau thương trong quá khứ. Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người.
Hai năm sau, ngày 10/6/1944, bọn phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Với trách nhiệm thiêng liêng và cao quý của mình, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc thế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sáchgiáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi được tổ chức 1/6 nhằm bảo vệ quyền trẻ em
Theo đó, hàng loạt những sự kiện liên quan đến quyền trẻ em cũng được đặt ra. Tháng 4/1952 tại Viên (thủ đô nước Áo) đã có cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Hội nghị này đã yêu cầu tất cả chính phủ các nước đặt ra pháp luật cho nước mình nhằm đảm bảo hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm dùng những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh.
Năm 1959, Tuyên bố về quyền trẻ em được ra đời; Năm 1989, Công ước về quyền trẻ em cũng được ký kết vào ngày này (1989), có hơn 191 nước phê chuẩn. Việt Nam là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai của thế giới ký vào Công ước này.
Bên cạnh đó, trong cuộc họp thường niên vào năm 1954, Liên Hợp Quốc đã đề xuất Ngày Thiếu nhi Thế giới tổ chức vào ngày 20/11 mỗi năm. Tuy nhiên, ngày “Tết cho thiếu nhi” được nhiều nước lựa chọn khác nhau, trong đó chỉ có một số nước chọn ngày 20/11 như: Canada, Úc, Parkistan, Ai Cập…
Ý nghĩa của ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6
Chúng ta cần đấu tranh bảo vệ quyền trẻ em để giúp các em được phát triển và hạnh phúc
Ngoài phạm vi gia đình, trong toàn xã hội, đây là ngày nhắc nhỏ mỗi chúng ta hãy mạnh mẽ đấu tranh để bảo vệ trẻ em trước tất cả những sự xâm hại không đáng có, đặc biệt là sự xâm hại về thể xác và tinh thần. Những vấn đề như bạo hành trẻ em, ấu dâm cần được lên án mạnh mẽ và những kẻ đã gây ra sự tổn thương cho các em nhỏ cần được trừng phạt nghiêm khắc. Với tâm hồn non nớt, trong sáng, các em nhỏ cần được bảo vệ và dạy dỗ một cách hợp lý, khoa học để có sự phát triển toàn diện.
Ngày Quốc tế Thiếu nhi, chúng ta lại gợi nhớ về những lời dặn dò, yêu thường của Bác Hồ dành cho các em như: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình” và căn dặn các em thiếu niên nhi đồng 5 điều quý báu: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Đoàn kết tốt, kỉ luật tốt/ Học tập tốt, lao động tốt/ Giữ gìn về sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”.
Với những ý nghĩa như vậy, nhân ngày 1.6.2018, Công đoàn khoa Du lịch & Ngoại ngữ cũng có những hoạt động rất ý nghĩa quan tâm đến con em của cán bộ công nhân viên trong khoa. Ngoài những phần quà của công đoàn nhà trường, khoa cũng trao quà cho từng em thiếu niên, nhi đồng, các em nhỏ. Công đoàn khoa kết hợp việc tham quan nghỉ mát của cha mẹ với hoạt động cho các em tham gia cùng đoàn tham quan vào ngày 3.6.2018. Các em sẽ được tham quan khu vui chơi tại Hạ Long, đi tắm biển Bãi Cháy...Chăm sóc, quan tâm đến các em nhỏ là thể hiện sự quan tâm đến thế hệ trẻ, thế hệ là chủ tương lai của đất nước, là chủ của thế giới, động lực giúp cho xã hội phát triển của mỗi chúng ta. Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 là ngày mà các em xứng đáng nhận được nhiều sự yêu thương hơn bao giờ hết.