TIẾNG ANH – CHÌA KHÓA MỞ CÁNH CỬA HỘI NHẬP QUỐC TẾ THỜI 4.0
- Thứ tư - 18/05/2022 07:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong thời đại 4.0 hiện nay, ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng là yếu tố kết nối con người với con người, kết nối nền văn hóa này với nền văn hóa khác, kết nối nền kinh tế này với nền kinh tế khác, kết nối dân tộc này với dân tộc khác. Tiếng Anh chính là cây cầu kết nối chúng ta với mọi nơi trên thế giới. Khả năng ngoại ngữ tốt sẽ giúp sinh viên mở được cánh cửa bước vào thế giới, học thêm một nền văn hóa, tôn giáo mới và nắm bắt được nhiều cơ hội lớn cho mình.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0) là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Khi áp dụng những thành tựu của cách mạng 4.0 vào việc dạy và học tiếng Anh sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản, khác biệt so với phương pháp dạy truyền thống, giúp cho người dạy (giảng viên) và người học (SV) chủ động hơn trong việc tiếp cận với các nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả công nghệ thông minh để áp dụng trong việc dạy và học tiếng Anh.
Việc nghiên cứu đánh giá và đưa ra các xu thế và giải pháp trong việc dạy, học tiếng Anh thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 để nhằm thay đổi phương pháp dạy, học tiếng Anh để đạt hiệu quả cao hơn là một đòi hỏi cấp thiết và tất yếu.
Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra ngày càng sâu rộng và có sự ảnh hưởng đến lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung, trong đó day và học tiếng Anh nói riêng. Hiện này, nhiều tổ chức, doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực giáo dục đã chủ động đón đầu xu thế, đã dành nhiều kinh phí để đầu tư các ứng dụng công nghệ cao và thường xuyên thay đổi tiếp cận với những ựng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại nhất để việc dạy và học tiếng Anh đạt hiệu quả cao.
Hiện nay các tổ chức, doanh nghiệp dạy tiếng Anh khác ở nước ta đã đưa ra các phương pháp giáo dục hiện đại tiên tiến kết hợp với ứng dụng công nghệ nhằm hỗ trợ việc dạy và học tiếng Anh đạt được những kết quả tốt nhất. Đó là:
+ Học tập kết hợp:
Phương pháp kết hợp cách học truyền thống tại lớp và các bài học trực tuyến giúp học viên tăng cơ hội tiếp xúc Anh ngữ và tận dụng thời gian tự học tiếng Anh.
+ Học tập qua các dự án và vận động kết hợp:
Cách học hiệu quả nhất là kết hợp vận động tư duy và thể chất, hợp tác, thảo luận và khám phá. Xu hướng học tập qua các dự án và vận động kết hợp giúp học viên phát triển các kĩ năng xã hội như làm việc nhóm, thảo luận, tư duy phản biện, thuyết trình... Với phương pháp này, bên cạnh các nội dung học mang tính tương tác cao, học viên được thoả sức sáng tạo cũng như dần hoàn thiện các kỹ năng mềm qua các dự án học tập tại lớp. Qua đó, các em có ý thức chủ động trong việc tìm hiểu thông tin, học cách làm việc cùng tập thể, đúc kết trải nghiệm và từ đó áp dụng hiệu quả cho bản thân.
+ Học từ thế giới thực:
Một trong những yêu cầu của việc học tiếng Anh là sau khi học, học sinh có thể sử dụng các kiến thức và kỹ năng thực tế vào đời sống, học tập và công việc.
+ Cá nhân hóa chương trình học:
Phương pháp cá nhân hóa chương trình học là một trong những xu hướng đáng quan tâm và được số lượng lớn người học chú ý. Với phương pháp này, người học chủ động thiết kế nội dung, thời gian biểu và lộ trình học phù hợp với thời gian, nhu cầu và trình độ của bản thân bằng tài khoản trực tuyến cá nhân. Nhờ đó, học viên người lớn dù bận rộn vẫn có thể cải thiện khả năng Anh ngữ, đảm bảo tiến độ học tập của mình.
Mỗi chương trình học dành cho mỗi đối tượng học viên sẽ phù hợp với các phương pháp và xu hướng giáo dục khác nhau. Để có thể xây dựng cho học viên một nền tảng Anh ngữ vững chắc, cần tận dụng tối đa ưu điểm và lợi ích của công nghệ vào giảng dạy nhằm mang lại hiệu quả học tập tốt nhất.
Dưới đây là một số giải pháp phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường học:
Thứ nhất: Đổi mới chương trình đào tạo tiếng Anh.
Hiện nay ở nhiều trường chương trình học tiếng Anh đã được xây dựng từ rất lâu, không còn phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Việc dạy và học ngoại ngữ không chỉ trang bị cho người học những kiến thức ngữ pháp vững chắc mà còn giúp người học phát triển khả năng nghe, nói. Vì vậy cần điều chỉnh chương trình đào tạo tiếng Anh, tăng thời lượng thực hành các kỹ năng nghe, nói, đọc và viết trở thành nội dung chính trong việc giảng dạy và kiểm tra đánh giá cho SV.
Thứ hai: Đổi mới phương pháp giảng dạy tiếng Anh.
Các giáo viên, giảng viên dạy tiếng Anh trong trường học các cấp cần phải loại bỏ những phương pháp không còn phù hợp để nghiên cứu, tìm tòi các phương pháp giảng dạy mới phù hợp yêu cầu của thực tiễn. Tăng cường các hoạt động trải nghiệm cho SV thông qua các hoạt động ngoại khóa, thành lập các câu lạc bộ tiếng Anh để SV có môi trường sinh hoạt và thực hành kỹ năng nghe, nói bằng tiếng Anh. Giáo viên, giảng viên có thể thông qua việc lựa chọn các bài tập theo chủ đề để sinh viên có thể rèn luyện trao đổi và tranh luận để tăng khả năng nghe và nói cho sinh viên. Giáo viên, giảng viên sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Anh trong quá trình giảng cũng như trò chuyện với SV để tạo môi trường học tập Anh ngữ giúp người học rèn luyện các kỹ năng nghe, nói và thẩm thấu ngôn ngữ này, đồng thời tạo cho người học sự tự tin sử dụng tiếng Anh.
Thứ ba: Giúp người học thay đổi nhận thức về học tập tiếng Anh.
SV sẽ không thể học tập được tốt tiếng Anh nếu không có thái độ học tập đúng đắn. Hãy tạo sự đam mê, yêu thích tiếng Anh cho SV thì họ có thái độ, động cơ, ý thức học tập đúng đắn để rồi tự biết tìm ra phương pháp học tập hiệu quả cho bản thân.
Thứ tư: Ứng dụng công nghệ trong dạy và học tiếng Anh.
Các nhà trường cần trang bị những thiết bị công nghệ như kết nối Internet, Wifi, ti vi cảm ứng, máy chiếu... (tùy theo điều kiện của từng trường) để giáo viên và SV có thể kết nối mạng để phục vụ vào việc dạy và học tiếng Anh.
Còn giáo viên và SV cũng cần tự trang bị cho mình những trang thiết bị công nghệ hiện đại, thông minh để có thêm nhiều cách dạy, trao đổi và học tập tiếng Anh. Ví dụ: Ngoài giờ học trên lớp, giảng đường, giáo viên và SV có thể sử dụng mạng xã hội như facebook, zalo... để trao đổi các bài tập, bài học, nói chuyện bằng tiếng Anh để tạo cho SV “đắm chìm” trong môi trường tiếng Anh. Cũng thông qua các mạng xã hội, SV kết bạn với những người nước ngoài để tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh và thường xuyên được rèn luyện, trải nghiệm và nâng cao các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh.
HS,SV có thể ứng dụng các thiết bị công nghệ trong việc học tiếng Anh. Như sử dụng thiết bị headphones trong việc luyện nghe, phát âm tiếng Anh. Đây là phương pháp học rất thú vị, hiệu quả. Khi nghe từ mới qua headphones SV sẽ cố gắng đọc theo và hình dung cách viết của nó nhanh nhất có thể. Khi học theo phương pháp này có thể tăng sự tưởng tượng và hình dung từ mình đang nghe và nói qua đó làm cho khả năng nhớ được tốt hơn. Đồng thời phương pháp này có thể áp dụng trong mọi không gian, thời gian khác nhau như trong khi đi dạo, đi bộ, thư giãn…
SV cũng có thể học thông qua các ứng dụng công nghệ (Tech and app). Học online (học tiếng Anh trên Internet) thông qua các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng kết nối internet đang là phương pháp học tiếng Anh đang được nhiều người áp dụng. Hiện nay có rất nhiều trang web cũng như app điện thoại giúp cho việc học ngoại ngữ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết thông qua flashcard. Vì vậy, ngoài giờ học trên lớp, giảng đường SV ứng dụng các công nghệ để có thể tự học ở nhà hoặc những lúc rảnh rỗi.