Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, trường Đại học Sao Đỏ

http://ftf.saodo.edu.vn


NHỮNG KHÓ KHĂN TRONG GIAO TIẾP BẰNG TIẾNG ANH CỦA NGƯỜI VIỆT

Tổ chức giáo dục Education First của Thụy Sĩ mới đây công bố bảng xếp hạng khả năng sử dụng tiếng Anh (EF English Proficiency Index 2018), theo đó Việt Nam xếp thứ 41, nằm trong nhóm thông thạo tiếng Anh trung bình.
          Những năm trước, thứ hạng của Việt Nam lần lượt là 34 trên tổng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2017) và 31 trên tổng 72 quốc gia và vùng lãnh thổ (năm 2016).
          Bảng xếp hạng được thực hiện dựa trên dữ liệu từ 1,3 triệu người tại 88 quốc gia và vùng lãnh thổ không sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ.
          Tính riêng ở khu vực châu Á, năm 2018, Việt Nam xếp thứ 7, sau Singapore, Philippines, Malaysia, Ấn Độ, Hong Kong, Hàn Quốc. Một số nước châu Á nằm trong nhóm sử dụng tiếng Anh ít thông thạo như Campuchia, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc.
          Người Việt được tiếp cận và luyện nghe nói tiếng Anh khá sớm, từ những năm đầu của Trung học. Chúng ta còn có lợi thế là có hệ chữ cái Latinh rất gần gũi với Tiếng Anh nên việc học ngôn ngữ này thuận lợi hơn nhiều so với người dân các nước trong khu vực. Tuy nhiên, thực tế, đa số người Việt luyện nghe nói tiếng Anh không hiệu quả, không thành thục như các nước bạn Thái Lan hay Philippines,… 
Các lỗi thường gặp của người Việt khi giao tiếp bằng tiếng Anh
          1. Thứ nhất là thói quen dịch
          Đây là thói quen rất có hại cho việc giao tiếp. Trong một số trường hợp, chúng ta phải “moi” ra cho bằng được “keywords” (từ khóa) để diễn tả ý tưởng. Nhưng trong 99% trường hợp còn lại, việc tìm chính xác một từ là không cần thiết.
          Ví dụ bạn muốn nói rằng “ông nội tôi rất đáng kính", bạn sẽ lục trong đầu của mình từ “đáng kính” và thường… tắc khi diễn đạt. Câu của bạn sẽ là “my grandpa is very, very…hmm” hay “I can’t find the word”…
          Ví dụ trong câu trên, nếu ý bạn là “ông nội tôi được nhiều người kính trọng, được tôi kính trọng” bạn có thể nói “My grandpa is loved and respected by many people”, “many people look up to my grandpa”, hay “I love my grandpa so much, and everyone in my hometown love him too. He’s knowledgeable”…
          Khi giao tiếp bằng tiếng Anh, một bí quyết là hãy quên tiếng Việt đi, cố gắng diễn đạt bằng tiếng Anh, và bạn sẽ làm tốt hơn.
2. Vấn đề thứ hai là phát âm tiếng Anh
          Một trong những vấn đề liên quan tới phát âm là giai điệu. Để hiểu giai điệu là gì, bạn hãy bật băng một câu nói của người nước ngoài, lặp đi lặp lại câu đó, bạn sẽ bắt đầu nghĩ “hình như họ đang hát”. Sự thực đúng là như vậy, mỗi ngôn ngữ đều có một thứ “âm nhạc” riêng của nó. Âm nhạc này ở trẻ em rõ ràng hơn ở người lớn, và ở ngôn ngữ nọ khác ngôn ngữ kia.
          Cái khó không chỉ ở chỗ “hát” cho đúng nhạc, mà còn ở chỗ phải đúng theo những quy tắc ngôn ngữ. Trong một câu, luôn có những chỗ được nhấn nhiều hơn những chỗ khác (đó là những nốt cao), và những từ được nhấn ít hơn (là những nốt trầm). Một trong những quy luật căn bản nhất là nhấn vào keywords.
          Ví dụ trong câu “I am going to have a date with her tomorrow evening”, keywords là “DATE” và “toMOrrow Evening”. Các bạn có thể nghe thành “am gonna haf-a-DATE with-er tMOrrow Evening”.
* Các lỗi phát âm tiếng Anh của người Việt
a. Phát âm chữ “iz” trong tất cả từ có đuôi “es”
          Đôi khi, bạn có thể cảm thấy bối rối và thật vô lý khi một số từ có đuôi “es” mà lại không phát âm là /ɪz/. Một ví dụ tiêu biểu là từ “clothes” được phát âm là /kloʊð-z/ thay vì /’kloʊ-ðɪz/, hay planes là /pleɪnz/ chứ không phải /pleɪnɪz/. Ấy vậy mà, cũng đuôi “es”, từ “roses” lại được phát âm là /’roʊ-zɪz/.
          Khi gặp những từ như vậy, tin tốt là bạn có thể biết được lúc nào thì “es” được phát âm là /ɪz/, lúc nào không. Nếu bạn để ý, từ “rose” có âm cuối là /z/ - một âm gió - nên khi thêm “es” vào sau, sẽ được đọc là /’roʊ-zɪz/.
          Còn từ “clothe” hay “plane” có âm cuối là /ð/ nay /n/ - không phải âm gió - nên khi thêm “es” vào sau sẽ không đọc là /ɪz/.
 b. Phát âm tiếng Anh bằng cách “đánh vần”
          Nhiều người đã quá quen thuộc với cách đánh vần trong tiếng Việt, nên họ hy vọng có thể tìm được “quy tắc” đánh vần tiếng Anh. Điều này là không thể.
          Bạn có thể đánh vần tiếng Việt (và một số ngôn ngữ khác) vì mỗi chữ cái đều tương ứng với một âm. Ví dụ, chữ “á” được phát âm giống nhau, bất kể đó là “cá”, “cát”, “cánh” hay “cám”. Điều này không đúng với tiếng Anh. Ví dụ, chữ “u” trong “put” và “but” có cách phát âm hoàn toàn khác nhau; hoặc chữ “oo” đọc khác nhau trong các từ “blood”, “foot” và “food”.
          Nếu nhìn vào cách viết, bạn sẽ không thể phát âm tiếng Anh chính xác từ “comfortable” hay “phoenix”. Trong tiếng Anh, chỉ có 40% số từ có cách đọc giống cách viết. Vì vậy, nếu bạn đủ tỉnh táo, hãy quên đánh vần tiếng Anh đi.
c. Phát âm sai ở cuối từ
          - /d/ là /t/; /b/ là /p/; và /g/ là /k/
          Trong tiếng Việt, không có từ nào có âm cuối là /d/, /b/ hay /g/ cả. Nên một “thói quen khó bỏ” của người Việt Nam là hễ đứng cuối từ là một trong 3 âm này, thì sẽ được phát âm tương ứng là /t/, /p/ và /g/. Ví dụ “rob” sẽ được phát âm là “rốp”; “trade” sẽ được phát âm là “trết”; và dog là đóc.
          - “th” là /t/; /f/ là /p/; /ks/ là “ch”
          Các âm cuối “th” như “breath” được đọc là “bờ-rét”; âm cuối “f” như “if” được đọc là “íp”; “six” được đọc là “xích”.
 d. Hoặc tệ hơn, ở cuối từ, vài âm cuối có thể bị loại bỏ
          Các âm cuối như /k/ trong “like” hay “think” thường xuyên không được phát âm bởi người Việt Nam. Các âm cuối khác như /f/ như trong từ “safe” sẽ biến mất: “sây” .
          Các cụm âm cuối khó hơn có thể bị lược bớt cho dễ đọc hơn, ví dụ “build” thường đơn giản được đọc là “biu” - âm /ld/ hoàn toàn biến mất (thật ra là âm “u” trong từ này không được đọc); hay “milk” được giản lược thành “miu” - âm /lk/ cũng “gone with the wind”.
 e. Âm gió đọc “loạn xị ngậu”
          Âm gió là khái niệm rất mù mờ với người Việt Nam. Một phần lý do là không có sự tương đồng giữa các âm gió tiếng Việt (“xờ nhẹ”, “sờ nặng”, “ch chó”, “tr trâu”) với âm gió tiếng Anh.
          Các âm gió được sử dụng tương đối tùy tiện, nên “see” và “she” đôi khi được phát giống nhau. Âm /z/ nếu đứng đầu từ được đọc là “d”, ví dụ “zoo” được phát âm là “du”; còn cuối từ thì… biến mất, như “plays” thì được đọc là “pờ-lây”.
 f. Trọng âm từ là một sự xa xỉ
          Trọng âm, mặc dù rất quan trọng trong phát âm tiếng Anh, xem ra không mấy quan trọng với phần lớn người Việt Nam. Thật ra, ít người Việt Nam quan tâm trọng âm là cái gì khi nói tiếng Anh. Ví dụ “download” đơn giản được đọc là “đao-loát”; “literature” được đọc là “lít-tờ-rây-chờ”.
Nguyên nhân dẫn đến khó khăn trong giao tiếp tiếng Anh của người Việt
1. Phương pháp dạy và học truyền thống với cách tiếp cận sai so với quy luật tự nhiên. Tại trường lớp từ cấp hai           lên đến bậc Đại học, chúng ta thường chú trọng vào việc học Từ vựng, Cấu trúc và các nguyên tắc Ngữ pháp nhưng không tập trung vào hai kỹ năng Nghe và Nói. Cách học này chỉ phù hợp với mục đích vượt qua những kỳ thi cuối kỳ, chuyển cấp hoặc bài thi tốt nghiệp trên trường lớp, nhưng sẽ không giúp bạn có thể giao tiếp tiếng Anh trong những tình huống thực tế.  
          Theo các nghiên cứu khoa học, quy trình học bất kỳ một ngôn ngữ nào cũng cần tuân theo đúng quy luật tự nhiên Nghe - Nói - Đọc - Viết. Chúng ta có thể dễ dàng hình dung quy luật này khi nhìn vào cách một đứa trẻ học nói. Ban đầu, đứa trẻ ở trong trạng thái Nghe hoàn toàn, trí não tiếp nhận những âm thanh mới từ người xung quanh. Trải qua một thời gian đủ ngấm, đứa trẻ sẽ tập bắt chước nói lại những từ mình hay được nghe một cách bập bẹ và theo đúng ngữ âm, ngữ điệu của từ đó. Điều này cũng diễn ra tương tự với kỹ năng Đọc và Viết, sau khi đứa trẻ nhận biết được tất cả các âm và từ quen thuộc, nó sẽ phát triển khả năng đọc hiểu văn bản và sau quá trình tích luỹ được vốn từ vựng, cách dùng câu sẽ tiến tới khả năng viết theo ý muốn. Tuy nhiên, thực tế quá trình dạy và học trong hệ thống giáo dục của Việt Nam trước đây đa phần chỉ tập trung vào rèn 2 kỹ năng Đọc - Viết cho học sinh và sinh viên và khiến họ gặp khó khăn khi phải đối mặt với hai kỹ năng Nghe và Nói. 
2. Không đủ vốn từ vựng và cấu trúc câu
          Vấn đề này không nằm ở số lượng từ vựng và cấu trúc mà bạn sở hữu, mà phụ thuộc vào khả năng bạn có thể nhớ được bao nhiêu từ và dùng được nó vào trong những tình huống giao tiếp thực tế. Cách học từ vựng, cấu trúc truyền thống bằng cách ghi chép lại nhiều lần từ hay cấu trúc muốn học kèm theo nghĩa tiếng Việt đã hạn chế khả năng ghi nhớ của bạn trong thời gian dài và dễ làm bạn "lạc lối" trong mê cung từ vựng do chính bạn tạo ra.
           Do đó, khi bước vào một tình huống giao tiếp cụ thể, bạn thường lúng túng khi cố gắng dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh của từng từ sau đó ghép thành câu để nói.
3. Thiếu tự tin
          Do khả năng phát âm chưa chuẩn xác, tâm lý khi nói tiếng Anh thường e ngại và sợ mắc lỗi, khả năng phản xạ với tiếng Anh còn thấp dẫn đến bạn thường rơi vào trạng thái thiếu tự tin và ngập ngừng khi phải nói tiếng Anh. Dần dần theo thời gian, việc thiếu tự tin và tính chủ động trong giao tiếp sẽ trở thành thói quen xấu của bạn và khiến bạn có một niềm tin tiêu cực rằng mình không thể nào giao tiếp tốt bằng tiếng Anh.

Tác giả bài viết: Phạm Thị Huyền Trang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây