Khoa Du lịch và Ngoại ngữ, trường Đại học Sao Đỏ

http://ftf.saodo.edu.vn


NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC

NHU CẦU NGUỒN NHÂN LỰC HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH – CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC
TS. Nguyễn Đăng Tiến
1. Đặt vấn đề
          Trong “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” chỉ rõ mục tiêu: phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; theo hướng chuyên nghiệp, có trọng tâm; phát triển song song du lịch nội địa và du lịch quốc tế, gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung huy động mọi nguồn lực cả trong và ngoài nước cho sự phát triển du lịch. Để thực hiện mục tiêu này, đã đến lúc chúng ta phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020 với mục tiêu, kế hoạch, lộ trình triển khai, đảm bảo đến năm 2020 có đội ngũ nhân lực du lịch đạt chuẩn cao; đáp ứng yêu cầu thực tiễn của ngành, các doanh nghiệp và xã hội, đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.
          Nguồn nhân lực ngành du lịch rất đa dạng, trong đó đội ngũ hướng dẫn viên (HDV) du lịch là những người tiếp xúc trực tiếp với du khách, góp phần tạo nên hình ảnh, thương hiệu quốc gia, cũng như chất lượng dịch vụ. Điều này cho thấy vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ HDV du lịch. Trong bài báo này đi tìm hiểu nhu cầu của nguồn nhân lực HDV du lịch, những cơ hội và thách thức trong đào tạo và rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn du lịch.
2. Nội dung nghiên cứu và trao đổi
2.1. Hiện trạng nguồn nhân lực du lịch và hướng dẫn viên du lịch
          Theo số liệu thống kê năm 2016, ngành du lịch đã đón trên 10 triệu lượt khách quốc tế và 57 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 338.000 tỷ đồng; đóng góp trực tiếp 6,6% GDP. Với trên 1550 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế và trên 10.000 doanh nghiệp kinh doanh lữ hành nội địa, cùng với 18.800 cơ sở lưu trú du lịch với trên 355.000 buồng phòng đạt tiêu chuẩn; ngành du lịch đã tạo việc làm cho trên 2,25 triệu lao động, trong đó có trên 750.000 lao động trực tiếp.
          Với qui mô số lượng lao động khoảng 2,25 triệu người, chiếm khoảng 4% lực lượng lao động cả nước, tuy nhiên chất lượng lao động còn rất khiêm tốn, Trong số lao động có chuyên môn, hiện có gần 50% lao động du lịch đã qua đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng (chiếm khoảng 20% nhân lực toàn ngành). Số lao động đã qua đào tạo trình độ đại học và sau đại học về du lịch đạt khoảng 7,5% số nhân lực có chuyên môn du lịch (chiếm khoảng 3,2%  tổng nhân lực lao động du lịch). Trong khi số lao động du lịch dưới sơ cấp (đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng) vẫn còn chiếm hơn 45% nhân lực có chuyên môn, bằng gần 20% nhân lực toàn ngành.
          Về đào tạo nguồn nhân lực du lịch, cả nước hiện có 156 cở sở tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch gồm 48 trường đại học. Hàng năm, các cơ sở đào tạo du lịch cho tốt nghiệp ra trường khoảng 20.000 sinh viên học viên. Trong đó có khoảng 1.800 sinh viên đại học, cao đẳng chuyên nghiệp, 2100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, khoảng 18.200 học viên hệ trung cấp, ngoài ra còn có khoảng 5.000 sơ cấp và đào tạo truyền nghề dưới 3 tháng.
bd1
 Biểu đồ 1. Số lượng hướng dẫn viên du lịch Việt Nam theo các năm
Đối với nguồn nhân lực hướng dẫn viên, theo thống kê của Tổng cục Du lịch, đến nay cả nước có hơn 18.500 hướng dẫn viên du lịch, gồm 10.700 hướng dẫn viên quốc tế phục vụ gần 10 triệu lượt khách và trên 7.800 hướng dẫn viên trong nước phục vụ trên 90 triệu lượt khách. Trong số 10.741 HDV quốc tế, tiếng Anh có 5.791 người, tiếng Trung Quốc có 1.957 người, tiếng Pháp có 1.118 người, tiếng Nhật Bản có 477 người.
Bd2
Biểu đồ 2. Cơ cấu hướng dẫn viên quốc tế theo ngoại ngữ sử dụng
          Số lượng HDV liên tục tăng theo các năm nhằm đáp ứng sự phát triển số lượng khách. Tuy nhiên, vớ sự phát triển của số lượng khách du lịch, số lượng HDV hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiện nay số lượng hướng dẫn viên chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu khách trong nước và 40% nhu cầu khách quốc tế. Đặc biệt sự thiếu hụt về HDV một số ngoại ngữ như Pháp, Nga, Nhật Bản v.v…
          Bên cạnh sự thiếu hụt về số lượng, HDV du lịch Việt Nam còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Chất lượng HDV chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường, thực trạng này là một khó khăn của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
          Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng yếu kém của HDV, trong đó có bất cập liên quan đến việc cấp thẻ HDV, đặc biệt là HDV nội địa (chỉ học nghiệp vụ trong 3 tháng). Tình trạng này dẫn đến số lượng HDV du lịch tăng liên tục qua các năm nhưng vẫn thiếu HDV có trình độ cao. Bên cạnh đó, một số HDV không chỉ yếu kém chuyên môn mà ý thức, đạo đức làm nghề cũng kém. Tình trạng này không chỉ xảy ra với hướng dẫn viên “tay ngang” mà ngay cả với một số người được học hành chính quy, đào tạo bài bản.
          Trong đào tạo HDV du lịch, việc đào tạo không theo kịp nhu cầu, tình trạng “dạy chay, học chay” không gắn với thực tiễn ở một trình độ, góc độ nhất định dẫn tới lãng phí tiền bạc, thời gian, công sức của cả người dạy lẫn người học. Hàng năm, trong tổng số lượng sinh viên du lịch tốt nghiệp, số người tìm được việc làm đúng chuyên ngành đào tạo chỉ đạt mức thấp (5% số sinh viên tốt nghiệp đại học, 30% số sinh viên cao đẳng, trung cấp). Nhiều hướng dẫn viên du lịch dù được đào tạo dài hạn ở các trường đại học, cao đẳng... nhưng khi được tuyển dụng làm việc hầu hết doanh nghiệp lữ hành đều phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng hướng dẫn viên du lịch vừa thiếu trầm trọng về số lượng, vừa yếu về chuyên môn, nghiệp vụ.
2.2. Những cơ hội và thách thức
2.2.1. Cơ hội
          - Sự phát triển du lịch Thế giới và Việt Nam
          Sự phát triển của ngành du lịch, số lượng khách du lịch tăng mạnh theo các năm kéo theo đó là các nhu cầu về dịch vụ trong đó có nguồn nhân lực du lịch. Mỗi năm, ngành du lịch Việt Nam cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 sinh viên/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Về đội ngũ HDV du lịch, số lượng HDV chỉ đáp ứng được 15% nhu cầu khách trong nước và 40% nhu cầu khách quốc tế. Để bảo đảm cung - cầu, ngành du lịch cần phải bổ sung ít nhất 25.000 HDV quốc tế và 50.000 HDV trong nước. Như vậy, sự thiếu hụp về số lượng HDV du lịch là cơ hội trong đào tạo và tìm kiếm việc làm của sinh viên.
          - Nhiều cơ sở đào tạo, nhiều loại hình đào tạo
          Hiện Việt Nam có hơn 156 cở sở tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch, trong đó có 91 trường đại học và cao đẳng. Ngoài hệ thống các trường, còn có sự tham gia của các trung tâm dạy nghề, các công ty du lịch tham gia vào đao tạo nguồn nhân lực du lịch trong đó có đội ngũ HDV du lịch. Với nhiều cơ sở đào tạo, hình thức đào tạo – đây là cơ hội cho mọi người dân được học, được rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.
          - Xu hướng hội nhập trong phát triển du lịch
          Trong xu thế hội nhập và phát triển hiện nay, ngành du lịch có cơ hội tiếp cận với những tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, tiếp cận với nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài. Mặt khác, quá trình hội nhập tạo cơ hội việc làm nhiều hơn. Trình độ chuyên môn nghiệp vụ được thừa nhận rộng rãi, có thể di chuyển và tìm được việc làm trong khu vực.
2.2.2. Thách thức
          - Xu thế hội nhập
          Hội nhập quốc tế đem lại nhiều cơ hội phát triển, tuy nhiên cũng có những thách thức. Thách thức lớn nhất là khả năng ngoại ngữ, đồng thời là tình trạng thiếu và yếu của đội ngữ HDV du lịch. Có thể nói, hội nhập quốc tế sẽ mở ra nhiều thuận lợi nhưng sẽ có nhiều thách thức cho sinh viên.
          Đối với những HDV du lịch, cần đáp ứng nhu cầu thực tế về kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ. HDV du lịch trong nước chịu sự canh tranh với những HDV du lịch ở các nước khác.
          Khó khăn và thách thức trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực nhằm đạt chuẩn theo khu vực và quốc tế cũng như cạnh tranh giữa các cơ sở đào tạo.
          - Nhu cầu thay đổi
          Hiện nay, nhu cầu đi du lịch của người dân thay đổi, khách du  lịch ngày càng đòi hỏi chất lượng dịch vụ tốt. Điều này đòi hỏi ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch phải nâng cao chất lượng dịch vụ. Một trong những yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến chất lượng dịch vụ là nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt là đội ngũ Hướng dẫn viên du lịch. Hướng dẫn viên như một đại sứ văn hóa cho một quốc gia, cần phải nắm chắc các kiến thức từ đó truyền đạt, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ đáp ứng được yêu cầu của khác.
2.2.3. Những giải pháp nâng cao chất lượng HDV du lịch đáp ứng yêu cầu xã hội hiện nay
          Để có nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, đặc biệt đội ngũ HDV du lịch có đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng thì công tác tổ chức đào tạo là yếu tố quyết định.
          - Tăng cường năng lực của các cơ sở đào tạo nhân lực du lịch, cả về cơ sở vật chất trang thiết bị đào tạo cũng như đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên.  Cập nhật đổi mới xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo du lịch tiên tiến.
          - Thống nhất chương trình đào tạo HDV du lịch, bảo đảm chuẩn kiến thức chung và nghiệp vụ. Đặc biệt, chú trọng tính thực tiễn trong đào tạo và tăng tối đa thời gian thực hành, thực tập ngay năm đầu tiên của chương trình học.
          - Cần tăng cường mối liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, tạo lợi ích cho cả ba bên gồm: Nhà trường, doanh nghiệp và người học. Nhà trường được sử dụng được những chuyên gia, nhân viên lành nghề trong doanh nghiệp, kịp thời, thường xuyên cập nhật, bổ sung và cải tiến được các chương trình đào tạo phù hợp yêu cầu doanh nghiệp. Người học, có điều kiện để tiếp cận được với môi trường thực tiễn, rèn luyện được kỹ năng nghề nghiệp. Doanh nghiệp có thể sử dụng lao động ngay sau khi tuyển mà không mất công đào tạo hoặc đào tạo lại.
          - Đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ tiên tiến trong công tác nghiên cứu, đào tạo HDL như đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến (E-learning), xây dựng giáo trình đào tạo du lịch điện tử…
          - Khuyến khích và thực hiện xã hội hóa trong đào tạo nhân lực du lịch, tạo cơ chế và điều kiện để các thành phần xã hội, trong và ngoài nước có thể tham gia góp vốn, kiến thức,… cho công tác đào tạo nhân lực du lịch.
3. Kết luận
          Du lịch đang trở thành ngành kinh tế trọng điểm, góp phần vào tăng trưởng GDP của cả nước. Cùng với sự phát triển nhanh đòi hỏi nguồn nhân lực du lịch phải đáp ứng yêu cầu về số lượng và chất lượng. Hiện nay, đội ngũ HDV du lịch của Việt Nam đang thiếu hụp trầm trọng về số lượng, chưa đáp ứng được về chất lượng. Đặc biệt trong quá trình Việt Nam hộp nhập quốc tế, đội ngữ HDV du lịch đang có nhiều cơ hội, bên cạnh đó cũng có nhiều thách thức. Chính vì vậy, để “đón đầu” theo những dự báo, những mục tiêu trong chiến lược phát triển cần phải có những giải pháp để cân đối quan hệ cung – cầu về đội ngũ HDV du lịch, trong đó giải pháp về nâng cao chất lượng đào tạo đóng vai trò quyến định.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch (2011), Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội.
2. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (2011), Quy hoạch phát triển nhân lực ngành du lịch giai đoạn 2011 – 2020, Hà Nội.
3. Phạm Trung Lương (2015), Phát triển du lịch Việt Nam trong bối cảnh hội nhập, Tuyển tập Hội thảo quốc tế “Toàn cầu hoá du lịch và địa phương hoá du lịch”. TP. HCM, ngày 7/3/2015.
4. Trần Phú Cường (2016), Du lịch Việt Nam hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Tạp chí Du lịch, Tháng 3/2016.
 

Tác giả bài viết: Nguyễn Đăng Tiến

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây